Tỷ lệ 1% là phù hợp với thông lệ pháp luật quốc tế

(ĐTCK) Khoản 2, Ðiều 114 - Luật Doanh nghiệp năm 2014 chia ra làm 2 trường hợp: (1) nếu Ðiều lệ không có quy định khác thì theo Luật, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên; (2) nếu Ðiều lệ có quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu tổng số cổ phần phổ thông nhỏ hơn tỷ lệ trên, tức là nhỏ hơn 10%, thì có các quyền quy định tại điểm a, b, c, d, đ Khoản 2, Khoản 3 của Ðiều này. Các quyền này bao gồm việc đề cử, ứng cử, xem xét trích lục biên bản, nghị quyết Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính, báo cáo Ban Kiểm soát, yêu cầu triệu tập Ðại hội đồng cổ đông…
Luật sư Hồ Hữu Hoành, Giám đốc Công ty TNHH SaigonMind, lĩnh vực tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp. Luật sư Hồ Hữu Hoành, Giám đốc Công ty TNHH SaigonMind, lĩnh vực tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp.

Như vậy có nghĩa rằng, Luật không giới hạn về quyền quy định tỷ lệ sở hữu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cổ đông, nhóm cổ đông có sở hữu tỷ lệ cổ phần thấp. Mốc 10% được áp dụng nếu như Ðiều lệ không có quy định, hoặc các cổ đông nắm quyền chi phối hạn chế quyền của cổ đông, nhóm cổ đông có tỷ lệ thấp hơn.

Theo thông lệ thế giới, nhằm đảm bảo tính công bằng và quyền của cổ đông, người ta quy định nhóm cổ đông có sở hữu nhỏ hơn nhiều lần (hay còn gọi cổ đông, nhóm cổ đông thiểu số). Tỷ lệ mặc định quy định tại pháp luật của nhiều quốc gia thường thấp hơn con số 10% so với Luật Doanh nghiệp Việt Nam.

Tỷ lệ hạn định 1% đang được ghi nhận trong dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014, nghĩa là chưa được ban hành. Tuy nhiên, theo dự thảo thì việc sửa đổi Khoản 2, Ðiều 114 sẽ là như sau: "Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 1% tổng số cổ phần phổ thông trở lên, hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Ðiều lệ công ty thì có các quyền quy định tại điểm a, b, c, d, đ Khoản 2, Khoản 3 của Ðiều này".

Nếu sửa như trên thì các quy định pháp quy để thực hiện Luật Chứng khoán cũng cần được sửa đổi cho phù hợp với "neo" mới là tỷ lệ 1%, do đó sẽ không có vấn đề gì, kể cả tranh chấp. Việc sửa đổi này là hoàn toàn phù hợp và tiệm cận với quy định pháp luật quốc tế, phù hợp với đa số hệ thống pháp lý doanh nghiệp trên thế giới.

Ðối với việc công ty đại chúng có liên quan đến việc tham chiếu Ðiều lệ mẫu, ban hành kèm theo Thông tư 95/2017/BTC-TT, Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định rõ tại Ðiều 3: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù liên quan đến Luật Doanh nghiệp, thì áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành đó”. Do công ty đại chúng chịu thêm chế tài bởi Luật Chứng khoán, phải tuân thủ các quy định pháp quy để thực hiện Luật Chứng khoán, nhưng hoàn toàn không mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp.

Quy định trên là phù hợp với thông lệ pháp luật quốc tế và đa số hệ thống pháp lý doanh nghiệp trên thế giới. Ðối với các công ty niêm yết có số lượng cổ đông lớn, về nguyên tắc, đây là quyền của cổ đông, là quy định để đảm bảo quyền cho nhóm cổ đông thiểu số. Do đó, việc thực thi quyền là trách nhiệm của mỗi cổ đông, trừ phi họ từ bỏ quyền đó của mình. Về vấn đề thực thi quyền thì chỉ là vấn đề kỹ thuật, thế giới làm được thì Việt Nam cũng làm được khi quyết định sửa luật. Do đó, theo tôi, đây không phải là vấn đề lớn, khi mà "ta" đang trở nên giống "mọi người".

Điều 34, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp - Sửa đổi, bổ sung Điều 114

a) Sửa đổi Khoản 2 như sau:

“2. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 1% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây:

a) Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát;

b) Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban Kiểm soát;

c) Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này;

d) Yêu cầu Ban Kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Yêu cầu phải bằng văn bản; phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký doanh nghiệp đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra;

đ) Các quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty”.

b) Bổ sung Khoản 5 như sau:

“5. Cổ đông, nhóm cổ đông theo quy định tại Điều 161 Luật này có quyền xem xét, tra cứu, trích lục các thông tin cần thiết thực hiện quyền của mình trong quá trình tố tụng và theo quyết định của tòa án hoặc trọng tài".

c) Sửa đổi Khoản 6 như sau:

“6. Các quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty".

Luật sư Hồ Hữu Hoành, Giám đốc Công ty TNHH SaigonMind, lĩnh vực tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục