“Sắp cỗ” cho hội đồng quản trị độc lập là sai

(ĐTCK) Hội thảo “Hội đồng quản trị và thông tin đầu tư tài chính” do Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) và Hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) tổ chức mới đây đưa ra ý niệm, thành viên hội đồng quản trị độc lập nên nhiều hơn trong doanh nghiệp và khối này phải thể hiện quan điểm, bản lĩnh rõ nét hơn. 
“Sắp cỗ” cho hội đồng quản trị độc lập là sai

HÐQT độc lập: Cần rõ quan điểm và khả năng cống hiến

Ông Alain Xavier Cany, Thành viên Hội đồng quản trị Vinamilk nhấn mạnh tới việc “phải luôn thể hiện quan điểm của mình và đấu tranh với nó”.

Ông hài hước chia sẻ, dù đã là thành viên hội đồng quản trị của một số ngân hàng có lãnh đạo bị bắt bớ, nhưng may mắn ông vẫn còn ngồi đây nhờ luôn đưa ra các quan điểm của mình, cố gắng bảo vệ quan điểm đó khi mình đã có những thông tin, cơ sở chắc chắn.

Dĩ nhiên, khi quan điểm cá nhân đi ngược với số đông, thành viên hội đồng quản trị sẽ gặp phải những áp lực từ các phía, nhưng cần nhớ phải luôn đấu tranh và cũng luôn tôn trọng ý kiến của đa số - thể hiện qua phiếu bầu.

Trong trường hợp không có đầy đủ thông tin để ra quyết định, hoặc không chắc chắn về quyết định đó, thành viên hội đồng quản trị hãy để phiếu trắng và luôn phải đảm bảo rằng, mọi ý kiến của mình đều được ghi lại trong biên bản cuộc họp.

“Thực tế, ở nhiều đơn vị, cuộc họp hội đồng quản trị vừa xong thì đã có sẵn biên bản, nghị quyết. Thậm chí, có những cuộc họp mà biên bản, nghị quyết đã được viết sẵn”, ông Alain chia sẻ.

Ông Mạc Quang Huy, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Trường Thành Việt Nam cho rằng, thành viên hội đồng quản trị hãy thẳng thắn nêu quan điểm, kể cả đi ngược với số đông.

“Nếu bỏ phiếu trắng thì tôi cho là phí lá phiếu của mình, vì cuối cùng vẫn dựa vào kết quả của số đông. Không ai biết chính xác quyết định lúc đó đúng hay sai cho đến khi có kết quả”, ông Huy nói.

Ông Huy cũng cho rằng, nếu vì sức ép hay bị phản đối ý kiến, thành viên hội đồng quản trị nên bảo vệ ý kiến, thay vì xin từ nhiệm. Thành viên hội đồng quản trị chỉ nên từ nhiệm khi tự cảm thấy không mang thêm giá trị cho công ty.

Trong khi đó, ông Alain hiến kế, thành viên hội đồng quản trị đừng ngại ngần tìm ý kiến chuyên gia. Doanh nghiệp cũng cần có các tiểu ban giúp việc cho hội đồng quản trị. Khi đó, hội đồng quản trị sẽ dễ dàng quyết định hơn vì đã có tham vấn ý kiến chuyên gia và của các tiểu ban đề xuất.

Doanh nghiệp nên tăng tỷ trọng độc lập trong Hội đồng quản trị

Ông Nguyễn Viết Thịnh, Giám đốc điều hành VIOD, Phó Chủ tịch Ủy ban Hội viên ACCA Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2020 đặt vấn đề, sự tồn tại và giá trị của uỷ ban kiểm toán, đặc biệt trong vấn đề giám sát tài chính và giám sát kiểm toán độc lập là rất quan trọng. Theo thông lệ tốt trên thế giới, lý tưởng là toàn bộ thành viên ban kiểm toán là thành viên độc lập hội đồng quản trị.

Việt Nam là nền kinh tế mới nổi, các doanh nghiệp đa số có tuổi đời dưới 20 năm và được thành lập trong bối cảnh là công ty gia đình rồi mới phát triển và tiến hành niêm yết; hoặc là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.

Ðây là những loại hình doanh nghiệp có cách tổ chức vận hành rất khác. Thành viên hội đồng quản trị độc lập trong những doanh nghiệp này thường không có công việc cụ thể, không được xem là vai trò quan trọng trong công ty và ban lãnh đạo thường chỉ làm để “vui lòng” cổ đông nhỏ.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Alain chia sẻ, thành viên hội đồng quản trị là công việc không dễ dàng tại Việt Nam, đặc biệt khi là thành viên đó là người nước ngoài vì bất đồng ngôn ngữ. Các doanh nghiệp ở Việt Nam thông thường chỉ họp hội đồng quản trị chừng 4 lần/năm, các thành viên chưa có sự gắn kết, trong khi trách nhiệm lại quá lớn.

“Tôi muốn nhấn mạnh đến câu chuyện làm sao để thành viên hội đồng quản trị tiếp cận được nguồn thông tin chất lượng. Các nhà điều hành nên hàng ngày cập nhật để nắm được thông tin rõ ràng, chủ động”, ông Alain nói và khuyến nghị thêm, các doanh nghiệp Việt Nam nên có cái nhìn tốt hơn, tôn trọng hơn với thành viên hội đồng quản trị độc lập. Cần có sự tiếp xúc nhiều hơn giữa thành viên hội đồng quản trị độc lập và tiểu ban kiểm toán, cùng các tiểu ban khác - điều chưa có ở Việt Nam.

“Ðừng xem thành viên hội đồng quản trị độc lập là cản trở, mà nên cung cấp thông tin đầy đủ cho họ động lực, từ đó họ sẽ tạo ra hiệu ứng tốt cho công ty”, ông Alain nói.

Tuy nhiên, bao nhiêu thành viên hội đồng quản trị độc lập là đủ, theo quy định tại Việt Nam, cần có tối thiểu 1/3 số thành viên là độc lập. Tuy nhiên, các ý kiến tại hội thảo cho rằng, bởi tính chất quyết định dựa trên nguyên tắc đa số, nên tỷ lệ 1/3 vẫn không có tác dụng, nên chăng suy nghĩ đến tỷ lệ 1/2.

Quan điểm của ông Alain, quan trọng là cần có sự cân bằng, tức có đại diện của cổ đông lớn, có thành viên bảo vệ lợi ích cổ đông nhỏ... Thành viên độc lập không giỏi hết mọi thứ và có thể, khi hội đồng quản trị có quá nhiều thành viên độc lập lại khiến công ty đi chệch sang một hướng khác. Theo đó, tìm được đúng người và đa dạng thành viên sẽ giúp công ty phát triển.

Vấn đề quản trị doanh nghiệp, minh bạch thông tin tài chính tại Việt Nam là vấn đề khá nhức nhối. Ðể cạnh tranh tốt, phát triển thị trường vốn và nâng hạng thị trường, thì các doanh nghiệp cần đổi mới; trong đó, quản trị công ty cần phải được chú trọng.

Ông Huy tin tưởng, định hướng của các thông lệ quốc tế, đó là xoá bỏ dần ban kiểm soát, thay thế bằng tiểu ban kiểm toán; thành viên hội đồng quản trị thì được khuyến khích thành viên phi điều hành, độc lập... Nhưng cũng cần thời gian để các “ông chủ, bà chủ” trong các công ty gia đình thay đổi tư duy và áp dụng những cái mới.

“Hội đồng quản trị độc lập sẽ không thể hoạt động hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ từ hội đồng quản trị và ban lãnh đạo còn lại”, ông Huy nói. Ðể làm được như vậy, hội đồng quản trị doanh nghiệp cần xem các thành viên độc lập như đối tác, giúp công ty có góc nhìn khách quan, đa chiều.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân đang chiếm khoảng 80 - 90% giá trị giao dịch hàng ngày, rất nhiều nhà đầu tư mua bán cổ phiếu theo kiểu lướt sóng, chưa có sự quan tâm thích đáng tới các yếu tố nội tại của doanh nghiệp, trong đó có chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Ðiều đó khiến thị trường chứng khoán phát triển thiếu tính bền vững. Ông Huy cho rằng, cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà đầu tư để khuyến khích cái tốt về quản trị công ty của các doanh nghiệp.   

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục