Đà tăng hạ nhiệt
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng hơn 4% trong tháng 10, mức biến động mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Thực tế, các yếu tố gây áp lực lên tỷ giá đã được nhiều chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo các ngân hàng dự báo trước, nhưng diễn biến trong tháng 10 vừa qua tiêu cực hơn. Mặc dù đồng USD trên thị trường quốc tế có xu hướng hạ nhiệt, nhưng tỷ giá vẫn chịu áp lực lớn trước một số thông tin bất lợi ở thị trường trong nước như kiều hối, thu hút vốn FDI giảm..., qua đó kích hoạt nhu cầu mua ngoại tệ kỳ hạn của thị trường nhằm bảo hiểm rủi ro và xu hướng găm giữ ngoại tệ gia tăng.
“Cung - cầu ngoại tệ trong tháng 10 vẫn duy trì xu hướng thâm hụt từ đầu năm, với khối lượng ước tính vào khoảng 2 tỷ USD nghiêng về phía cầu”, một lãnh đạo cao cấp BIDV chia sẻ.
Trước những biến động kém thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước đã có các biện pháp nhằm ổn định thị trường ngoại hối. Cụ thể, biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND được nới từ mức +/-3% lên +/-5%; tỷ giá bán giao ngay tăng thêm khoảng 4%, lên quanh mức 24.870. Song song với việc thay đổi chính sách tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước tăng mặt bằng lãi suất huy động thêm 1% nhằm hỗ trợ cải thiện chênh lệch lãi suất VND - USD, đồng thời tích cực truyền thông, ổn định tâm lý thị trường nhằm giúp thanh khoản trở nên thông suốt hơn và giảm bớt áp lực lên tỷ giá.
Theo đó, lãnh đạo BIDV cho biết, VND mất giá khá lớn so với USD trong tháng 10, với mức giảm 4,1%, đưa mức lũy kế từ đầu năm lên khoảng 9,1%. Tuy nhiên, sự mất giá của VND trong 10 tháng đầu năm 2022 vẫn ở mức nhẹ nhàng so với một số đồng tiền lớn trên thế giới và trong khu vực như EUR giảm 12,4%, JPY giảm 28,1%, CNY giảm 14%, THB giảm 14,1%, MYR giảm 13,4%.
Gần đây, tâm lý trên thị trường ngoại tệ được cải thiện khi số liệu lạm phát trong tháng 10 tại Mỹ cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 7,7% so với cùng kỳ, giảm so với mức 8,2% của tháng 9 và thấp hơn dự báo là 7,9%; CPI lõi (loại trừ thực phẩm và năng lượng) tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Sau khi CPI được công bố, thị trường kỳ vọng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thu hẹp biên độ nâng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 12 tới, với xác suất 80% tăng 0,5%. Đồng USD, thông qua chỉ số DXY, ghi nhận mức giảm mạnh nhất theo tuần trong vòng 6 tháng qua, khi giảm 3,1%, trong khi nhiều đồng tiền chủ chốt khác hồi phục như JPY tăng 4,1%, EUR tăng 3,1%, GBP tăng 3,3%. Một số đồng tiền trong khu vực cũng tăng mạnh so với USD như KRW tăng 7,1%, THB tăng 3,8%..., nhờ đó thu hẹp mức mất giá so với cuối năm 2021, còn khoảng 10%.
Tại thị trường trong nước, trong tuần thứ hai của tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã hạ tỷ giá bán tại Sở Giao dịch lần đầu tiên kể từ đầu năm 2022, mặc dù mức điều chỉnh khá hạn chế, giảm 10 đồng, về 24.860 VND/USD. Tỷ giá liên ngân hàng và trên thị trường tự do ghi nhận giảm 30 - 100 đồng sau động thái trên, nhưng tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại vẫn duy trì ở mức trần biên độ so với tỷ giá trung tâm, quanh mức 24.880 (tương đương VND mất giá 8,5% so với cuối năm 2021).
“Điều này cho thấy, áp lực tâm lý vẫn còn và Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện việc bán USD từ dự trữ ngoại hối khá đều đặn, với khối lượng vừa đủ nhằm cấp thanh khoản USD cho hệ thống. Ước tính, dự trữ ngoại hối còn khoảng 90 tỷ USD”, một chuyên gia phân tích nhận xét.
Điểm tựa từ cả trong và ngoài nước
Trong tuần thứ hai của tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã hạ tỷ giá bán tại Sở Giao dịch lần đầu tiên kể từ đầu năm 2022.
Theo lãnh đạo BIDV, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ ổn định hơn từ nay đến cuối năm, với điểm tựa từ thị trường quốc tế và sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, áp lực từ môi trường quốc tế có thể dịu bớt. Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất thêm 0,75% trong phiên họp đầu tháng 11, nhưng thị trường đang kỳ vọng cơ quan này sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong những phiên họp tiếp theo, trước mối lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ đang dần hiện hữu. Theo đó, đà tăng của USD trên thị trường quốc tế có thể chậm lại, chỉ số DXY dự kiến đi ngang, phổ biến trong khoảng 110 - 112, nếu không có những sự kiện bất ngờ về địa chính trị (ví dụ, xung đột Nga - Ukraine leo thang).
Trong nước, cung - cầu ngoại tệ dự kiến vẫn kém thuận lợi trong tháng 11, khi nhu cầu thường ở mức cao trong giai đoạn cuối năm, trong khi nguồn cung cơ bản dự kiến không có nhiều đột biến. Lãnh đạo BIDV ước tính, cân đối cung - cầu sẽ duy trì tình trạng thâm hụt khoảng 2 - 3 tỷ USD trong tháng 11.
“Mặc dù vậy, chúng tôi kỳ vọng, tỷ giá sẽ không tăng mạnh như trong tháng 10, nhờ các biện pháp chủ động điều tiết, kiểm soát bình ổn thị trường của Ngân hàng Nhà nước. Các biện pháp có thể được sử dụng bao gồm điều chỉnh tỷ giá trung tâm, tỷ giá trần ở mức phù hợp, điều tiết thanh khoản VND duy trì chênh lệch lãi suất VND - USD ở mức dương, hay sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết. Theo đó, dự kiến trong tháng 11, tỷ giá tiếp tục bám sát vùng chặn trên quanh ngưỡng tỷ giá trần và tỷ giá bán của Ngân hàng Nhà nước”, lãnh đạo BIDV nhận định.
Ngày 14/11, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.678 VND/USD, giảm 5 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Cơ quan này duy trì việc không niêm yết tỷ giá mua giao ngay, còn tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên ở mức 24.860 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên 14/11 ở mức 24.745 VND/USD, giảm 75 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 130 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, xuống 25.020 VND/USD và 25.120 VND/USD.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cũng hạ nhiệt, xuống mức 4,4%/năm ở kỳ hạn qua đêm (giảm 1,6% so với tuần trước đó), giúp chênh lệch giữa lãi suất VND và USD thu hẹp đáng kể. Thị trường kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hút ròng nhằm đẩy mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng lên mức an toàn hơn so với USD, giảm bớt áp lực lên tỷ giá.
Trong diễn biến có liên quan, Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố báo cáo định kỳ về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”, trong đó, Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách giám sát về thao túng tiền tệ.
Với việc Việt Nam chỉ không thỏa mãn 1 tiêu chí (liên quan đến thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ) liên tiếp trong 2 kỳ báo cáo, cùng với những bước tiến trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính Mỹ đã không còn để Việt Nam trong danh sách trên. Trong khi đó, các nước và vùng lãnh thổ trong danh sách giám sát kỳ này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Singapore, Malaysia, Đài Loan.
Bên cạnh đó, trong chuyến thăm, làm việc ở Việt Nam ngày 3/10/2022, Bộ Tài chính Mỹ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.