Doanh nghiệp dệt may ở cả khối sản xuất và văn phòng thương mại đang có nhu cầu tuyển nhiều các vị trí việc làm, dẫn tới trong quý 1/2021, ngành dệt may tăng 50-60% nhu cầu trong tuyển dụng nhân sự quản lý cấp trung và cấp cao. Báo cáo về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam trong quý 1/2021 mà Navigos Search vừa công bố cho hay.
Theo Navigos Group, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam hiện đang sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks, hIệu lực của các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là EVFTA, CPTPP... tuy chưa thể bù đắp được sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu do Covid-19 gây ra nhưng đã đem lại những tác dụng đáng kể trong việc tăng các đơn hàng xuất khẩu cho các DN dệt may Việt Nam.
Do tình hình tại Myanmar đã khiến các đơn hàng đổ về Việt Nam nhiều hơn, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng các vị trí trong ngành này tăng lên, đặc biệt vào thời điểm tháng 3/2021. So với cùng kỳ năm 2020, nhu cầu tuyển dụng trong mảng này đã tăng khoảng từ 50% – 60%, nhất là đối với các vị trí quản lý cấp trung và cấp cao.
"Với sự dịch chuyển này, doanh nghiệp dệt may ở cả khối sản xuất và văn phòng thương mại đang có nhu cầu tuyển nhiều các vị trí cho khu vực Đông Nam Á và làm việc tại Việt Nam. Do vậy, các yêu cầu tuyển dụng đối với các ứng viên phải có kinh nghiệm làm việc với các nước trong khu vực bao gồm cả Việt Nam, trong khi các ứng viên người Việt mới chỉ đáp ứng về mặt chuyên môn nhưng chưa đáp ứng được tiêu chí có kinh nghiệm làm việc trong khu vực", Navigos Group phân tích.
Đối với khối văn phòng thương mại, các ứng viên được ưa chuộng là người Nhật, Hàn Quốc. Đối với khối sản xuất, các ứng viên được được tìm kiếm nhiều nhất là Trung Quốc, Sri Lanka và Ấn Độ.
Năm 2020 là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may tăng trưởng âm (giảm 9,8%), đạt 35 tỷ USD, sau 25 năm tăng trưởng liên tục và kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đã tụt xuống hàng thứ 3 sau nhóm mặt hàng điện thoại và Máy vi tính, sản phẩm điện tử - linh kiện.
Tuy nhiên, với kim ngạch xuất khẩu đạt được trong năm 2020, ngành dệt may Việt Nam vẫn là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm gần 20% (từ 740 tỷ USD về 600 tỷ USD), các quốc gia cạnh tranh tronglĩnh vực dệt may đều có mức giảm từ 15-20% thậm chí gần 30% do bị cách ly dài.
Có được kết quả như trên là nhờ công tác khống chế dịch bệnh hiệu quả đã giúp Việt Nam là nước duy nhất trong top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới không bị cách ly và không bị dừng sản xuất, qua đó góp phần giữ vững thị phần của ngành thời trang dệt may Việt Nam tại các thị trường lớn. Cùng với đó, các Hiệp định thương mại tự do tuy không thể bù đắp được sự sụt giảm về kim ngạch song đã có tác dụng đáng kể trong việc giảm thiểu thiếu hụt đơn hàng.
Quý 1/2021, dù ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn nặng nề, nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành đã có sự cải thiện nhẹ, đạt gần 7,2 tỷ USD, tăng 1,1&, xuất khẩu xơ sợi cải thiện mạnh, đạt 1,222 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ, xuất khẩu vải mành tăng 0,8%, đạt 155 triệu USD.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), với tình hình tiêm vaccine và tiến tới miễn dịch toàn cầu thì trong 6 tháng cuối năm, thị trường còn tiếp tục có những thông tin lạc quan hơn. Kịch bản cao là ngành đặt mục tiêu xuất khẩu bằng với năm 2019 (39 tỷ USD), bởi, đặc thù các mặt hàng may mặc trong 6 tháng cuối năm có giá trị cao hơn.