Việt Nam là một trong quốc gia có mức hội nhập kinh tế ở mức rất cao, khi cơ bản định hình mạng lưới gồm 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) và các khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại với các trung tâm kinh tế hàng đầu.
Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành ký kết 15 FTA ở cấp độ song phương và khu vực (trong đó đang thực thi 14 FTA, 1 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực), và đang đàm phán 2 FTA.
Trong số đó, nổi bật nhất là 3 FTA thế hệ mới gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA); và 1 FTA có quy mô lớn nhất thế giới trong khuôn khổ ASEAN là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Theo Bộ Công Thương, các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA đã trở thành “liều thuốc” tiếp sức cho kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch.
Đơn cử như với thị trường EU, nếu như trong 3 quý đầu năm 2020, xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt 29,44 tỷ USD giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, sau 3 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 11,08 tỷ USD như vậy là tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến hết năm 2020, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 40,05 tỷ USD.Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi. Điển hình, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hay giá gạo Việt xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác như điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị phụ tùng, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, cà phê… cũng đang được nhận định kỳ vọng lớn trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này thời gian tới.
Với Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực tại Việt Nam ngày 14/1/2019, chỉ trong vòng 2 năm (năm 2019 và 2020), thương mại giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đã đạt 77,4 và 78,2 tỷ USD, tăng 3,9% và 5% so với năm 2018. Xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước CPTPP năm 2019 đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018 và năm 2020 đạt 38,7 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2018 khi chưa có Hiệp định. Kim ngạch nhập khẩu từ 10 nước CPTPP năm 2019 đạt 38,1 tỷ USD, tăng 1,2% so với năm 2018 và 40,3 tỷ USD năm 2020, tăng 7,1% so với năm 2018.Trong đó, nếu chỉ tính kim ngạch xuất nhập khẩu sang 2 thị trường mới chưa có FTA là Canada và Mexico thì trong năm 2020 xuất khẩu sang Canada tăng 12,1%, Mexico tăng 11,8% so với năm 2019. Đây cũng chính là hai thị trường mới có FTA với Việt Nam có tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP cao nhất trong số các thành viên. Các nước còn lại đã có quan hệ FTA (thậm chí như Nhật Bản đã có hai hiệp định FTA với các nước ASEAN và Việt Nam trước Hiệp định CPTPP) nên doanh nghiệp có thể sử dụng các mẫu C/O trong các FTA khác. Kết quả này càng khẳng định cho những dự báo về sự tăng trưởng tích cực khi Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP.Đối với 11 FTA truyền thống, tác động rõ rệt nhất đối với thương mại hàng hóa chính là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA đã tăng rõ rệt, đạt 123,11 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2004, Việt Nam mới có 2 đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 7 tỷ USD. Còn xét về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân sang các thị trường đối tác FTA kể từ khi có Hiệp định FTA thì Ấn Độ đạt bình quân 35,7%/năm, Hàn Quốc đạt 29,2%/năm, Chile 28,9% và Trung Quốc 20,9%.Hiện nay, phạm vi đối tác FTA của Việt Nam đã khá rộng và toàn diện. Vì vậy, trong từ 3-5 năm tới sẽ chạm đến các dấu mốc quan trọng của nhiều Hiệp định và dần tiến đến tự do hóa thuế quan hầu hết các mặt hàng nhập khẩu với các đối tác thương mại chính, Bộ Công Thương sẽ đặt trọng tâm hàng đầu vào việc thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA, nhất là Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, Hiệp định của ASEAN với các đối tác. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác cảnh báo sớm về biện pháp phòng vệ thương mại của các nước đối tác.