Các ngành xuất khẩu chủ lực khai thác mạnh thị trường có FTA

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành hàng lớn đã chủ động khai thác đơn hàng tại nhiều thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) ngay từ đầu năm 2021.
Các ngành xuất khẩu chủ lực khai thác mạnh thị trường có FTA

Tập trung cho thị trường xuất khẩu lớn

8 container gồm 160 tấn tôm chế biến của Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang (Khu công nghiệp Sông Hậu - giai đoạn 1, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) thuộc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã lên đường sang các thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản ngay trong tuần đầu của năm 2021.

Cùng với Minh Phú Hậu Giang, Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) cũng có tên trong danh sách những doanh nghiệp chốt đơn hàng xuất khẩu sớm, “mở hàng” cho năm 2021. Ngày 8/1, doanh nghiệp này đã xuất khẩu 8 container gồm mực, cá ngừ, bạch tuộc, tôm mũ ni, với tổng trị giá 700.000 USD sang Mỹ, Canada và Australia (Canada và Australia đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP).

Có thể thấy, ngành thủy sản khởi đầu năm 2021 khá thuận lợi, sau một năm sụt giảm giá trị xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt, xuất khẩu thủy sản trong năm 2021 đang có nhiều lực đẩy từ các FTA, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).

Ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, năm 2021, các doanh nghiệp thuộc Minh Phú sẽ chuyển hướng sang xuất khẩu các loại tôm có kích thước nhỏ, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng và thị trường xuất khẩu trọng điểm của Tập đoàn trong năm nay như EU, Mỹ, Nhật Bản…, đặc biệt là EU, tận dụng chính sách thuế quan ưu đãi từ các FTA.

Sự chủ động này của các doanh nghiệp được Hiệp hội Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đánh giá sẽ là lực đẩy để ngành thủy sản đạt được tăng trưởng vượt trội trong năm 2021. Đơn cử, với xuất khẩu tôm, Vasep dự báo, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 4,4 tỷ USD, tăng 15% so với 2020.

Trên thực tế, việc các doanh nghiệp Việt ngày càng coi trọng khai thác các thị trường xuất khẩu lớn, các thị trường có FTA để được hưởng ưu đãi thuế đã đóng góp vào kết quả xuất khẩu tăng trưởng cao ngay trong tháng 1/2021.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2021 đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm 2020, với điểm nhấn là 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng trưởng dương ngay trong tháng đầu tiên của năm 2021.

Tận dụng hiệu quả các FTA

Những ngày đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp lớn như Vina T&T, Nafoods, Đồng Giao… vẫn đang xuất khẩu nhiều container rau quả đi các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Australia.

Mang về 3,26 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong năm 2020, giảm 13% so với năm 2019, nhưng ngành rau quả không cho đây là bước lùi, bởi đóng góp của ngành vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm qua là rất đáng kể.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, mức giảm này không nhiều so với các ngành hàng khác đang chịu tác động lớn từ dịch bệnh.

Rau quả là mặt hàng thiết yếu, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Chính vì vậy, lượng tiêu thụ sản phẩm rau quả được dự báo vẫn ở mức cao trong năm 2021.

“Mục tiêu xuất khẩu của ngành rau quả trong năm 2021 là 4 tỷ USD, con số mà đáng lẽ ngành hàng đã đạt được trong năm 2020, nếu không có Covid-19”, ông Nguyên dự báo. Trong trường hợp tình hình khó khăn, theo ông Nguyên, năm 2021, xuất khẩu rau quả có thể đạt khoảng 3,7 tỷ USD, tương đương năm 2019.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã chứng minh vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, khi trong đại dịch vẫn đạt trên 40 tỷ USD xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào 20 tỷ USD xuất siêu của năm 2020. Trong đó, có 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 5 nhóm mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, các doanh nghiệp xuất khẩu đã và đang tận dụng hiệu quả hơn các FTA.

“Sau 5 tháng EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Còn kể từ khi CPTTP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên CPTPP tăng trưởng tốt, năm 2020, xuất khẩu sang Canada tăng 11,9%, sang Mexico tăng 12,2%...”, bà Trang dẫn chứng.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục