Tuyển dụng nhân sự chứng khoán: khoảng đất rộng có chỗ cho bạn không?

(ĐTCK) Một loạt công ty chứng khoán như VPBS, Rồng Việt, Kỹ thương công bố tuyển dụng nhân sự, đang mở ra cơ hội cho các bạn trẻ muốn bước vào nghề chứng khoán. Tuy nhiên, khoảng đất rộng có dễ vào không và nên gia nhập như thế nào là câu hỏi của nhiều bạn trẻ hiện nay.
TTCK Việt Nam đang có nhiều cơ hội rộng mở cho các bạn trẻ TTCK Việt Nam đang có nhiều cơ hội rộng mở cho các bạn trẻ

Khoảng đất rộng...

Công bố tuyển dụng 100 nhân sự vào vị trí tư vấn, môi giới đầu tư chứng khoán, ông Lý Đắc Dũng, Giám đốc Khối Môi giới và Tư vấn đầu tư, CTCK Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBS) cho biết, nhân sự Công ty muốn tuyển dụng nhất là những người trẻ, có kiến thức tài chính vững, có mong muốn và động lực phấn đấu lớn.

Tại CTCK Bảo Việt (BVSC), thông tin về tuyển dụng môi giới chứng khoán được phát đi mới đây với thời hạn nộp hồ sơ là ngày 26/3/2017. Công ty này yêu cầu nhân sự phải có ít nhất 1 năm “trong nghề” và có kiến thức về tài chính, chứng khoán. Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc BVSC cho biết, trong đại hội đồng cổ đông sắp tới, Công ty dự kiến đề xuất cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ, để đủ điều kiện tham gia TTCK phái sinh ngay từ khi khai mở. Mảng việc này mở ra sẽ cần thêm nhiều nhân sự lành nghề, có khát vọng và chấp nhận thử thách.

Cùng với VPBS, BVSC, Công ty Chứng khoán Techcombank công bố tuyển dụng một loạt nhân sự từ cấp trưởng phòng đến chuyên viên. Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng công bố một đợt tuyển lớn, khoảng 30 nhân sự, trong đó tuyển nhiều nhất là chuyên viên môi giới.

Đến cuối năm 2016, TCTK Việt Nam có 79 công ty chứng khoán, 46 công ty quản lý quỹ hoạt động, với khoảng 3.400 nhân sự đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp chứng chỉ hành nghề. Tại TTCK Việt Nam, hiện chưa có chứng chỉ hành nghề tự do, tức là muốn được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán, nhân sự phải làm việc cho một tổ chức cụ thể, phải trải qua các khóa đào tạo chuyên ngành và vượt qua kỳ thi sát hạch do UBCK tổ chức.

Con số 3.400 nhân sự có chứng chỉ hành nghề tuy tăng gấp 10 lần so với 10 năm trước (năm 2006, toàn TTCK mới có 335 người có chứng chỉ hành nghề), nhưng vẫn là quá nhỏ so với tiềm năng thị trường và khả năng mở rộng hoạt động của khối các tổ chức tài chính trung gian.

... hãy thử và tìm cách bước đi

Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, TTCK Việt Nam năm 2017 có khả năng đạt quy mô vốn hóa 100 tỷ USD, tăng khá mạnh từ mức 74 tỷ USD hiện tại. Nhiều DNNN lớn sẽ cổ phần hóa và lên sàn cùng với việc các DN đại chúng phải vào sàn UPCoM theo quy định pháp lý sẽ tạo điều kiện mở rộng không gian thị trường, tăng cơ hội làm nghề cho các nhân sự muốn bước chân vào ngành chứng khoán.

Trong khi đó hiện nay, khối công ty chứng khoán có tổng vốn điều lệ khoảng 41.000 tỷ đồng, nhưng đang phục vụ cho hàng triệu nhà đầu tư và không gian tư vấn cho DN phát hành, Nhà nước thoái vốn, IPO, IR (quan hệ nhà đầu tư)... còn rất rộng.

Khối công ty quản lý quỹ có vốn điều lệ khoảng 3.800 tỷ đồng, đang quản lý khối tài sản khoảng 140.000 tỷ đồng, số tiền tính từ các quỹ đầu tư nội địa và các khoản ủy thác đầu tư. Số tiền ngành quỹ quản lý còn quá nhỏ so với khối tài sản nằm trong dân chúng, riêng khoản tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng, tính đến cuối năm 2016 vào khoảng 6 triệu tỷ đồng.

Với không gian như vậy, ngành chứng khoán Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển phía trước. Tuy nhiên, các bạn trẻ nên bước chân vào nghề chứng khoán trước hay chọn vào một DN sản xuất, kinh doanh cụ thể để trải nghiệm thực tế, lại là câu chuyện băn khoăn của nhiều người.

Trong cuộc trao đổi với các học viên CFA mới đây, bà Lê Lệ Hằng, Tổng giám đốc SSIAM đã khuyên các bạn hãy mạnh dạn thử nghề.

“Từ thực tế làm việc 10 năm trên TTCK Việt Nam, tôi nhận ra rằng, để ra được một bản phân tích về đầu tư có thể chỉ mất 2 ngày, nhưng để hiểu thực sự DN mình phân tích đó mạnh hay yếu, cần ít nhất 6 tháng. Hiểu về DN, nhưng khi trực tiếp vào Hội đồng quản trị/Ban kiểm soát, trực tiếp tham gia kinh doanh tại DN, lại có thể sẽ cho bạn những trải nghiệm khác hẳn”, bà Hằng nói.

“Các bạn trẻ nếu trải nghiệm ở vị trí môi giới, tư vấn, khi sang DN sẽ dễ hào hứng khi được làm thực tế. Ngược lại, các bạn khi có kinh nghiệm làm việc tại DN, khi sang làm việc tại phía bên bán (phân tích, môi giới) sẽ dễ phát huy được khả năng xây dựng hoặc cấu trúc các sản phẩm tài chính”.

Bà Phạm Nguyễn Anh Thư, Giám đốc Đầu tư Vingroup thì cho rằng, so với ngày xưa, các bạn trẻ bây giờ dễ dàng chọn nghề hơn. Lý do đến từ Internet. Internet là một kho thông tin và các bài học, chỉ cần chăm chỉ là có thể tự trang bị kỹ năng làm nghề và vì thế nhân sự có thể vừa làm, vừa học hỏi.

Theo bà Thư, TTCK Việt Nam đang phát triển nhanh hơn so với nhiều thị trường khu vực, cơ hội công việc rộng mở, các bạn trẻ cứ mạnh dạn đón nhận, trải nghiệm sẽ mang lại những bài học để bước đi.            

Ngọc Hà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục