Tương lai của những sản phẩm bảo hiểm “ngách”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn không ngừng nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm đến từng phân khúc nhỏ nhất, nhưng thực tế doanh thu của những sản phẩm này vẫn rất nhỏ bé.
Tương lai của những sản phẩm bảo hiểm “ngách”

Xu hướng

“Xu hướng phát triển những sản phẩm bảo hiểm ngách sẽ phổ biến trong tương lai, khi sự cạnh tranh tại các sản phẩm truyền thống ngày càng khốc liệt hơn. Đặc biệt, những khách hàng trẻ chắc chắn sẽ có nhu cầu nhiều hơn và sẵn sàng thử nghiệm những sản phẩm bảo hiểm mới”, đại diện một doanh nghiệp phi nhân thọ nhìn nhận.

Trong khối các công ty bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay đã có khá nhiều doanh nghiệp theo đuổi chiến lược phát triển các dòng sản phẩm này. Chẳng hạn như PTI, BIC, MIC hay AAA… Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp khác trên thị trường, PTI có lẽ là doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm bảo hiểm ngách nhiều nhất. Hãng bảo hiểm này từng cho ra thị trường sản phẩm tạo những luồng ý kiến trái chiều như bảo hiểm tình yêu, hay những sản phẩm không "đụng hàng" như bảo hiểm trời mưa với chi phí vài ngàn đồng, sản phẩm bảo hiểm Jupviec Care… Mới đây nhất, hãng bảo hiểm này cùng các đối tác TPBank và HIVE by Income ra mắt sản phẩm bảo hiểm vi mô, giúp khách hàng có thể nhận được bảo hiểm từ những rủi ro tai nạn chỉ với mức phí đóng siêu nhỏ, đồng thời có thể đăng ký tiện lợi ngay trên ứng dụng ngân hàng số - App TPBank.

Được biết, bảo hiểm vi mô là những sản phẩm bảo hiểm có mức phí nhỏ cùng quyền lợi hợp lý, đặc biệt phù hợp với nhóm khách hàng có thu nhập trung bình hoặc nguồn thu không ổn định. Đây là nhóm khách hàng "dễ bị tổn thương" nhất khi gặp rủi ro tai nạn ngoài ý muốn, hạn chế khả năng chi trả viện phí. Sản phẩm bảo hiểm vi mô nhằm giúp người lao động tiếp cận được giải pháp bảo vệ thiết thực nhất, dễ tham gia, dễ sử dụng, dễ hiểu với mức phí rất nhỏ và quyền lợi bảo vệ hợp lý.

Tại Việt Nam, số lượng lao động, đặc biệt là lao động chân tay và thời vụ được trả lương theo giờ rất nhiều, trong khi cơ hội được tham gia bảo hiểm thấp. Giải pháp bảo hiểm vi mô giúp loại bỏ rào cản tài chính với mức phí bảo hiểm thấp đáng kể, chỉ cần bắt đầu từ 5.000 đồng. Phạm vi được hưởng bảo hiểm khi khách hàng đăng ký bảo hiểm vi mô bao gồm: tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn do tai nạn; hỗ trợ tài chính thời gian nằm viện điều trị do tai nạn; hỗ trợ chi phí điều trị y tế do tai nạn. Đây là phân khúc rất tiềm năng nhưng doanh thu rất nhỏ, nên còn ít doanh nghiệp tham gia.

Ngoài PTI, một doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng đang phát triển khá nhiều sản phẩm ở phân khúc riêng biệt là MIC, với bảo hiểm an ninh mạng cá nhân, bảo hiểm thiết bị di động bán qua Viettel Store, bảo hiểm cho các gói/kiện hàng hóa gửi theo hình thức bưu chính, chuyển phát nhanh, thông qua các ứng dụng công nghệ…

Nhà bảo hiểm BIC cũng có nhiều gói sản phẩm vi mô khá riêng biệt. Được biết, mới đây, hãng bảo hiểm này chi trả bồi thường 45 triệu đồng bảo hiểm an ninh mạng cá nhân - BIC Bảo an tài khoản cho khách hàng D.Q.A. Khách hàng này không may bị kẻ gian "hack" và chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng. Sau khi nhận được thông tin từ khách hàng D.Q.A, BIC Bắc Trung Bộ đã nhanh chóng phối hợp với khách hàng hoàn thiện hồ sơ và chi trả bồi thường 45 triệu đồng với quyền lợi Gian lận chuyển tiền trực tuyến của sản phẩm BIC Bảo an tài khoản.

Bảo hiểm an ninh mạng cá nhân (BIC Bảo an tài khoản) bảo vệ toàn diện khách hàng có tài khoản ngân hàng trước những rủi ro trên không gian mạng với 3 quyền lợi: mua sắm trực tuyến, gian lận chuyển tiền và trộm cắp danh tính trực tuyến. Sản phẩm bồi thường tối đa cho khách hàng tới 135 triệu đồng, trong khi phí bảo hiểm chỉ 500 đồng/ngày…

Ngoài sản phẩm khác biệt này, BIC còn phát triển sản phẩm bảo hiểm “Tai nạn người sử dụng điện”, thuộc nghiệp vụ con người với mức phí rất rẻ. Sản phẩm này được bán khá tốt tại các vùng nông thôn, ngoại ô. Hãng bảo hiểm này thường đưa ra thị trường những sản phẩm theo nhu cầu thực tế của khách hàng, chứ không đi theo hướng ra sản phẩm để làm truyền thông…

Nhưng chưa đủ mạnh

Vài năm gần đây, khái niệm bảo hiểm vi mô (micro insurance) đã bắt đầu phát triển tại Việt Nam. Bảo hiểm vi mô thực chất là dòng sản phẩm bảo hiểm với quyền lợi đơn giản, mức phí thấp, được bán cho số đông và không phải thẩm định hay kiểm tra trước khi cấp đơn.

Trước đây, bảo hiểm vi mô thường được xây dựng cho người nghèo nhằm giúp họ có cơ hội tiếp cận được các dịch vụ bảo hiểm với mức phí rất nhỏ, nhưng hiện nay, khái niệm này đã không còn chính xác. Bảo hiểm vi mô ngày nay được xây dựng dành cho tất cả đối tượng khách hàng, bao gồm tầng lớp trí thức, có thu nhập khá tại các thành phố. Sản phẩm được đóng gói đơn giản đến mức chỉ cần click chuột, khách hàng đã hoàn thiện được việc mua hàng, cũng như nhận tiền bồi thường.

“Thực tế, doanh thu của những sản phẩm như vậy hiện giờ chưa lớn, thậm chí có sản phẩm làm ra để truyền thông là chủ yếu và các doanh nghiệp bảo hiểm cũng chưa kỳ vọng nhiều vào doanh thu ở những sản phẩm này. Tuy nhiên, đây là các sản phẩm có tiềm năng”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.

Tùy chiến lược của mỗi công ty, việc phát triển các sản phẩm vi mô kiểu này có thể là tách nhỏ từ quyền lợi của các sản phẩm lớn, phát triển mới hay hợp tác với bên thứ ba mang sản phẩm này vào thị trường Việt Nam…

Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm, mấu chốt của việc phát triển các sản phẩm này là phải có kênh bán kèm. Với những sản phẩm siêu nhỏ, phí siêu rẻ, doanh nghiệp bảo hiểm có thể hợp tác với một đối tác để kèm vào sản phẩm. Ví dụ, hợp tác với bên viễn thông kèm bảo hiểm cho chủ thuê bao, với ngân hàng thì bảo hiểm cho người chuyển tiền, hay qua Shopee thì có bảo hiểm thiết bị điện tử, hay đi Grab, Be thì có bảo hiểm/chuyến…

Dù đã manh nha phát triển thành một xu thế mới nhưng nhìn nhận thực tế, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam vẫn còn ít sản phẩm bảo hiểm đánh vào thị trường ngách, đáp ứng được nhu cầu riêng biệt của người dân và các sản phẩm phát triển thành công cũng còn rất hiếm.

Có 2 lý do chính khiến các sản phẩm “ngách” chưa đầu tư mạnh: Một là, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang khai thác rất tốt các sản phẩm truyền thống và những sản phẩm này còn nhiều dư địa phát triển, cho dù cạnh tranh gay gắt; hai là, để đưa ra được một sản phẩm mới được khách hàng chào đón, các doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ dày công nghiên cứu nhu cầu khách hàng, mà còn phải đầu tư nhiều chi phí để xây dựng sản phẩm, trong khi doanh thu của những sản phẩm này chưa đủ độ lớn và rủi ro cũng không ít, chi phí cho kênh bán cũng không nhỏ…

“Dù đang có xu hướng phát triển nhưng do đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô là mức phí khá nhỏ, muốn phát triển mạnh sản phẩm sẽ phải tốn thời gian và nhân lực… nên cần phải nhìn dài hạn với dòng sản phẩm này”, đại diện một doanh nghiệp nhìn nhận.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục