Tuổi 20: Sải bước ra toàn cầu

(ĐTCK) Tháng 7/2019, TTCK Việt Nam tròn 19 năm hoạt động. 

Thị trường 19 tuổi được đánh dấu bằng nhiều con số như quy mô vốn hóa 200 tỷ USD, trên 2 triệu nhà đầu tư mở tài khoản, thị trường có thêm sản phẩm phái sinh mới... Nhìn rộng ra ngoài biên giới, trong hành trình 19 năm phát triển, TTCK Việt Nam đã tạo nên nhiều dấu ấn đậm nét khi hội nhập với thị trường tài chính toàn cầu, góp phần thu hút nhiều hơn dòng vốn chuyên nghiệp vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định với các nhà đầu tư quốc tế rằng, cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và phát triển TTCK một cách bền vững.

Tuổi 20: Sải bước ra toàn cầu ảnh 1

Lãnh đạo Sở GDCK Nasdaq đón Đoàn công tác Việt Nam đến tìm hiểu sự phát triển của TTCK Mỹ, nhân sự kiện ngành tài chính tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tổ chức tại New York năm 2015

Thông điệp của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đi kèm với nhiều nỗ lực tiếp cận, mời gọi nhà đầu tư quốc tế đã được truyền tải và thực hiện bằng nhiều cách, mới nhất là việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tại London, trước đó tổ chức tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã đưa câu chuyện về TTCK Việt Nam từng bước, từng bước một lan tỏa ra toàn cầu.

Trong khi các nền kinh tế lớn duy trì tốc độ tăng trưởng chỉ quanh 1 - 3%/năm và phải đối diện với những thay đổi, những biến cố chính trị thì nền kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng GDP ổn định ở mức cao (từ 6% - trên 7%/năm) trong chiều dài cả thập niên phát triển. Đây là nền tảng, là dấu ấn tạo nên sự chú ý lớn nhất với nhà đầu tư quốc tế.

Nội tại nền kinh tế Việt Nam cũng đang vững dần theo thời gian, khi tỷ lệ nợ công/GDP chỉ còn 58% (so với mức cao nhất 64%), dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng từng năm (đạt 66 tỷ USD, tính đến tháng 5/2019), dòng vốn ngoại đến Việt Nam ngày càng nhiều, uy tín Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế... Những cộng lực này đã giúp câu chuyện về Việt Nam trở nên hấp dẫn và đáng quan tâm với nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Gần 200 nhà đầu tư quốc tế đến dự hội thảo đầu tư vào Việt Nam, tháng 7/2019. Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng kỳ vọng, sự kiện sẽ kết nối mạnh mẽ vốn từ Anh quốc và châu Âu vào Việt Nam

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward đã mạnh mẽ “thúc giục” nhà đầu tư nước mình rằng: “Ai chưa đến Việt Nam thì nên đến, vì nơi đây vừa là nơi du lịch tuyệt vời và là quốc gia năng động để hợp tác”.

Trên cương vị Đại sứ, ông kể rằng, ông đã đến thăm nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trường học, bệnh viện, hiểu được mong muốn của Việt Nam và sự cởi mở trong thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam.

Thị trường gần 100 triệu dân, với tăng trưởng kinh tế ổn định, giao thương ngày càng cải thiện, đang trở thành tâm điểm thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế. Trên TTCK, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lên sàn, nhiều doanh nghiệp chào bán lượng lớn cổ phần ra công chúng, tạo nhiều không gian mới để đón nhận dòng vốn lớn “về” với doanh nghiệp Việt.

Sự quan tâm của nhà đầu tư châu Âu, Anh, Mỹ, Nhật hay Hàn Quốc có thể cảm nhận rõ khi câu chuyện về nền kinh tế, về TTCK Việt Nam được “kể” bằng người thực, việc thực thông qua các cuộc xúc tiến đầu tư. Điểm lệch nếu có, giữa một bên có năng lực (tiền, công nghệ, khả năng quản trị…) và một bên có cơ hội là ở chỗ, nhà đầu tư quốc tế quan tâm nhiều đến chuẩn mực pháp lý trong cam kết mở cửa gọi vốn, trong minh bạch thông tin, trong lập báo cáo tài chính ngôn ngữ quốc tế, trong bảo vệ môi trường, trong tuân thủ các quy định về phát triển bền vững…, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam - những chủ thể có nhu cầu tìm đối tác chuyên nghiệp, còn nhiều điểm chưa đáp ứng được, hoặc chưa sẵn sàng.

Tuổi 20: Sải bước ra toàn cầu ảnh 3

Năm 2017, tại Tokyo, câu chuyện về TTCK Việt Nam một lần nữa đến với nhà đầu tư Nhật Bản, với mong muốn ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam được tiếp nhận đầu tư từ đất nước Mặt trời mọc 

Dù còn đó những câu chuyện chính sách cũng như các doanh nghiệp trong nước cần tiếp tục hoàn thiện để đủ sức hòa mình vào sự phát triển của TTCK toàn cầu, nhưng 19 năm TTCK mở cửa là 19 năm văn hóa minh bạch, quản trị doanh nghiệp tiên tiến đã được khởi lên và cải thiện từng bước với các chủ thể tham gia thị trường. Điểm đáng ghi nhận là 19 năm, TTCK không chỉ lớn lên về quy mô, về sản phẩm, về kinh nghiệm đầu tư, mà còn lớn lên theo những thương vụ tỷ USD vốn ngoại chảy vào doanh nghiệp Việt.

Những mối “lương duyên” như Tập đoàn Bảo Việt - Sumitomo Life; Vietnam Airlines - ANA Holdings Inc.; Sabeco - Thaibev; SSI - Daiwa Securities Group Inc.; Vingroup - SK Investment… là dấu ấn trong gọi vốn ngoại của các doanh nghiệp Việt… TTCK Việt Nam trong hai thập niên đầu tiên hoạt động có thể tự hào về việc đã góp sức giúp nhiều doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường quốc tế và huy động được hàng tỷ USD để mở rộng hoạt động năng lực sản xuất, kinh doanh.

Bước sang tuổi 20, cánh cửa vươn ra quốc tế của TTCK Việt Nam rộng mở hơn khi ngày càng nhiều tổ chức tài chính chuyên nghiệp bước sâu vào Việt Nam. 5 tập đoàn tài chính lớn nhất Hàn Quốc đã có công ty chứng khoán tại Việt Nam; 2 tập đoàn lớn từ Đài Loan cũng đã mở công ty chứng khoán tại Việt Nam; nhà đầu tư tại nhiều nền kinh tế khác như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Thái Lan… cũng có sự kết nối chặt chẽ với TTCK Việt Nam thông qua việc lập ngân hàng lưu ký hoặc góp vốn vào công ty chứng khoán…

Cánh cửa thị trường rộng mở là cơ hội cho mọi chủ thể tham gia. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội và vươn tầm, đòi hỏi các chủ thể trên TTCK phải thực hiện nhiều cuộc cải tổ từ nội lực, hướng theo tiêu chuẩn của dòng chảy vốn quốc tế, với hy vọng sẽ đến một ngày cộng hưởng được giá trị để cùng thắng.

Tuổi 20: Sải bước ra toàn cầu ảnh 4

5 tập đoàn tài chính Hàn Quốc đã mở CTCK tại Việt Nam và trở thành những cây cầu kết nối vốn giữa 2 nền kinh tế. CTCK NH của Tập đoàn NongHyup nhận giấy phép hoạt động từ UBCK, nhân sự kiện ngành tài chính, chứng khoán tổ chức xúc tiến đầu tư vào năm 2018 tại Seoul.

Tuổi 20, TTCK chứng kiến thế hệ Luật Chứng khoán thứ 3 nhằm nâng thị trường lên nền tảng mới trong tầm nhìn dài hạn, đồng thời xóa đi những điểm bất cập, cũ kỹ. Tuổi 20, TTCK sẽ chứng kiến sự ra đời của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, kết nối TTCK ở 2 đầu đất nước.

Tuổi 20, TTCK Việt Nam có cơ hội được nâng hạng lên thị trường mới nổi, chờ đón thêm các doanh nghiệp tỷ USD lên niêm yết, đón thêm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào sàn; sẽ có thêm sàn trái phiếu doanh nghiệp… Với nhiều dấu mốc lớn, kỳ vọng TTCK sang “tuổi trưởng thành” sẽ xứng tầm là kênh đầu tư minh bạch, kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế, như mục tiêu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vạch ra trong Đề án tái cấu trúc TTCK 2020-2025.           

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục