Học Nhật Bản cách bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán

(ĐTCK) Nếu nhà đầu tư bị xói mòn lòng tin thì TTCK sẽ khó phát triển. Đây là lý do các chuyên gia đến từ Nhật Bản khuyến nghị cơ quan quản lý cần có hướng tiếp cận mới trong đưa ra phương cách bảo vệ nhà đầu tư ngày một hiệu quả và thực chất hơn.
Học Nhật Bản cách bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán

Nhiều vi phạm giao dịch không công bằng

Trong các vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK) bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xử phạt từ đầu năm đến nay, hành vi lãnh đạo doanh nghiệp, người có liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn giao dịch cổ phiếu bất minh (chậm hoặc không báo cáo cơ quan quản lý các hoạt động giao dịch cổ phiếu) chiếm tỷ lệ cao.

Chẳng hạn, đầu tháng 6 này, UBCK phạt bà Võ Thị Lan Anh, Thành viên Ban Kiểm soát CTCP Thiết bị điện (mã THI - sàn HOSE) số tiền 12,5 triệu đồng vì báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch. Cụ thể, bà Lan bán 30.000 cổ phiếu THI từ 3-9/10/2018, nhưng đến 31/10/2018 Sở GDCK TP.HCM (HOSE) mới nhận được báo cáo kết quả giao dịch.

Trước đó, vào trung tuần tháng 5/2019, ông Lê Thanh Phương, Ủy viên HÐQT của CTCP Thủy sản Cà Mau (mã CAT- sàn UPCoM) bị Thanh tra UBCK xử phạt 20 triệu đồng vì báo cáo không đúng thời hạn về lý do không thực hiện được giao dịch. Ông Phương đăng ký mua 50.000 cổ phiếu CAT từ 16/4 đến 15/5/2018 và không khớp lệnh cổ phiếu nào, nhưng đã báo cáo không đúng thời hạn về lý do không thực hiện được giao dịch...

Một hành vi nhức nhối khác là thao túng giá chứng khoán với không ít vụ bị UBCK phanh phui và xử phạt. Ðơn cử, mới đây, căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý TTCK và kết quả xác minh của cơ quan công an, UBCK phạt bà Hoàng Thị Hoài (phòng 306 ÐN1, số 2A Vinaconex 7 Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) số tiền 600 triệu đồng vì đã sử dụng 42 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu PIV của CTCP PIV đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Ðáng chú ý, bà Hoài nguyên là Chủ tịch HÐQT của PIV.

Cũng với hành vi thao túng giá chứng khoán khi sử dụng 57 tài khoản để liên tục mua bán cổ phiếu DL1 của CTCP Ðầu tư phát triển Dịch vụ công cộng Ðức Long Gia Lai niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX), ông Nguyễn Thanh Lâm (số 33/23 Nguyễn Ðình Chính, phường 15, quận Phú Nhuận, TP.HCM) bị UBCK xử phạt 550 triệu đồng...

Không riêng ở Việt Nam, ngay cả những TTCK phát triển như Nhật Bản, tình trạng thao túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián... cũng đáng lo ngại, bất chấp nhà quản lý gia tăng chế tài xử phạt. Ông Eiichiro Kawabe, Phó chủ tịch Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản (JFSA) cho biết, từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2018, Ủy ban Giám sát giao dịch chứng khoán (SESC) của Nhật Bản đã xử phạt 21 vụ giao dịch nội gián, 5 vụ thao túng thị trường…

“Trên thị trường vốn, việc đảm bảo công bằng trong các giao dịch của nhà đầu tư là điều kiện tối thiếu để thị trường phát triển lành mạnh, sôi động. Nếu nhà quản lý thiếu các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả đối với các hành vi vi phạm thì dễ làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thị trường…”, ông Kawabe nói. Cảnh báo này được đưa ra tại Chương trình khởi động dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam” do UBCK phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai diễn ra cuối tuần qua.

Bảo vệ nhà đầu tư: Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Ðể cải thiện tính công bằng và minh bạch - yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển lành mạnh, hiệu quả của TTCK, chuyên gia đến từ Nhật Bản cho biết, quốc gia này đã phải triển khai nhiều giải pháp và đây là những kinh nghiệm Việt Nam nên tham khảo để áp dụng phù hợp.

Ðầu tiên là vào năm 1992, Nhật Bản đã thành lập SESC để bên cạnh việc thực hiện các hoạt động giám sát, còn tiến hành điều tra các giao dịch có dấu hiệu không lành mạnh, từ đó có căn cứ xử lý hình sự, cùng với đó là tăng cường các biện pháp xử phạt hành chính. Nhờ đó, các giao dịch bất chính đã được xử lý và ngăn ngừa tốt hơn.

Tiếp theo, trong quá trình hoàn thiện quy định pháp lý, Nhật Bản tăng cường các quy định kiểm soát giao dịch nội gián, cũng như tăng chế tài xử phạt. Trong thời gian đầu, mức phạt với hành vi giao dịch nội gián là 100 triệu đồng, thì nay tăng lên 100 tỷ đồng…

Ðể có căn cứ rõ ràng trong phân định thế nào là giao dịch không công bằng, pháp luật quy định rõ những thông tin nào mà doanh nghiệp không công khai có ảnh hưởng đến quyết định giao dịch của nhà đầu tư, đồng thời làm rõ các đối tượng không được giao dịch trong từng trường hợp cụ thể. Nỗ lực này nhằm khắc phục tình trạng cơ quan quản lý khó áp dụng các chế tài xử phạt do quy định pháp lý chưa rõ ràng, dẫn đến dễ bỏ qua các hành vi vi phạm.

Sử dụng công nghệ tiên tiến cũng là giải pháp được Nhật Bản triển khai để xử lý những giao dịch bất minh. Chẳng hạn, SESC đang triển khai hệ thống giám sát thị trường với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI). Theo đó, từ các thông tin trên mạng xã hội, hệ thống này sẽ nhanh chóng phân tích để phát hiện các thông tin có ảnh hưởng đến hành vi bán tháo cổ phiếu với giá cao, cũng như các động thái giao dịch không công bằng, từ đó sớm đưa ra phương án xử lý hiệu quả.

Tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp cũng có ý nghĩa quan trọng trong cải thiện tính công bằng và minh bạch trên thị trường. Theo đó, Hiệp hội Chứng khoán Nhật Bản với thành viên là các công ty chứng khoán thường xuyên trao đổi thông tin với nhau, cũng như với các bên liên quan nhằm ngăn ngừa giao dịch nội gián. Nếu hội viên nào vi phạm thì bị cảnh cáo, hoặc xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau …

Một kinh nghiệm nữa giúp Nhật Bản thành công trong cải thiện tính công bằng và minh bạch trên TTCK là thúc đẩy nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp. Ðiều này giúp thông tin hoạt động của doanh nghiệp được công khai, chuẩn xác, hiệu quả và dễ hiểu hơn.

Tăng cường công khai thông tin thông qua thúc đẩy các hoạt động đối thoại giữa nhà đầu tư và công ty góp phần nâng cao giá trị của doanh nghiệp. Ðây là cách doanh nghiệp “nuôi dưỡng” nhà đầu tư để họ cung cấp vốn cho công ty hoạt động. Tuy nhiên, các nỗ lực nâng cao chất lượng quản trị công ty thông qua thúc đẩy minh bạch thông tin mới dừng lại ở các thông tin tài chính, nên tới đây, Nhật Bản sẽ tăng cường đôn đốc các doanh nghiệp công khai cả các thông tin phi tài chính như định hướng, chiến lược kinh doanh, các rủi ro mà doanh nghiệp đối mặt…

Những kinh nghiệm hữu ích trên của Nhật Bản được kỳ vọng sẽ sớm được triển khai tại TTCK Việt Nam. Ðiều này đang được trông đợi không chỉ bởi giúp đấu tranh có hiệu quả với các hành vi giao dịch không công bằng trên thị trường, mà còn mở ra một hướng đi mới trong nâng cao hiệu quả bảo vệ nhà đầu tư, từ đó gia tăng sức hấp dẫn, thu hút các dòng vốn trong và ngoài nước tham gia thị trường.

“Việc triển khai dự án trên nhằm nâng cao năng lực của UBCK, các sở GDCK trong thực thi các giải pháp nhằm đẩy mạnh tính công bằng và minh bạch trên thị trường cổ phiếu Việt Nam. Dự án sẽ thực hiện trong 3 năm (2019-2022), trong đó từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thiện và công bố báo cáo kết quả khảo sát đầu kỳ, tiến hành các hoạt động đào tạo ở Việt Nam và Nhật Bản và chuyên gia Nhật Bản sẽ hỗ trợ UBCK, HOSE, HNX cập nhật sổ tay, góp ý văn bản quy phạm pháp luật…”, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (UBCK) nói.

Ðại diện JICA cho hay, trong khuôn khổ dự án, nhóm tư vấn gồm những chuyên gia đến từ Tập đoàn Chứng khoán Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Daiwa, Viện Nghiên cứu Nomura sẽ hỗ trợ trực tiếp cho UBCK, HNX và HOSE thông qua các hoạt động khác nhau như cung cấp tư vấn, triển khai các hoạt động nâng cao năng lực nhằm cập nhật các hướng dẫn hoạt động nội bộ, xem xét sửa đổi khung pháp lý liên quan. Dự án được kỳ vọng sẽ mang đến những thông lệ quốc tế tốt cho Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao quan trọng khi Luật Chứng khoán đang được xem xét sửa đổi…

Học Nhật Bản cách bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán ảnh 1

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK.

Ðây là dự án đáp ứng yêu cầu cấp thiết trên TTCK

Dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam” đáp ứng nhu cầu cấp thiết đang đặt ra đối với việc nâng cao năng lực trong công tác quản lý, giám sát và vận hành TTCK Việt Nam, đó là giám sát thị trường (bao gồm cả năng lực về thanh tra); giám sát các trung gian thị trường; quản lý niêm yết và quản lý chào bán chứng khoán ra công chúng; nâng cao nhận thức về “trách nhiệm bảo vệ nhà đầu tư” của các cấp lãnh đạo các nhóm công ty niêm yết (nhóm trước/sau khi niêm yết, nhóm đăng ký trên UPCoM và nhóm vừa hoàn thành IPO), cũng như những đối tượng liên quan khác.

Sau chương trình khởi động dự án, cùng với việc triển khai các nội dung của bản thỏa thuận hợp tác, việc minh bạch hóa thông tin trên thị trường cũng như công tác quản trị công ty của các tổ chức niêm yết sẽ được nâng cao...

Học Nhật Bản cách bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán ảnh 2

Ông Konaka Tetsuo, Trưởng đại diện JICA Việt Nam.

Cải thiện tính minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp dễ huy động vốn qua TTCK hơn

Thị trường cổ phiếu Việt Nam phát triển nhanh sau chặng đường 20 năm. Cuối năm 2018, vốn hóa thị trường này đạt gần 80% GDP. Nhà đầu tư, trong đó có cả nhà đầu tư Nhật Bản, ngày càng quan tâm nhiều đến TTCK Việt Nam. Ðể tạo thuận lợi cho thị trường phát triển, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực như sửa đổi Luật Chứng khoán, tiến hành tái cơ cấu các sở GDCK... Tuy nhiên, để thị trường trở nên hấp dẫn và thu hút nhà đầu tư hơn, cần cải thiện tính minh bạch và công bằng. Khi đó, cửa huy động qua TTCK sẽ rộng mở hơn đối với các doanh nghiệp.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục