Tuần tới, mua gì - bán gì?

(ĐTCK) Dù có những phiên điều chỉnh, nhưng thị trường tiếp tục duy trì đà tăng với dòng tiền chảy mạnh vào thị trường trong tuần qua. Nhóm cổ phiếu bảo hiểm thay thế dẫn dắt thị trường, nhóm ngân hàng cũng bắt đầu trở lại. Các chuyên gia chứng khoán nhận định, nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, ngân hàng vẫn sẽ hút tiền trong tuần mới, còn một nhà đầu tư cá nhân được biết đến rộng rãi trên thị trường sẽ lựa chọn cổ phiếu nào?
Tuần tới, mua gì - bán gì?

Nhà đầu tư Trần Minh Đại Long

Trong tuần tới, 2 cổ phiếu C47 của CTCP Xây dựng 47 và cổ phiếu HPC của CTCP Chứng khoán Hải Phòng là 2 mã cổ phiếu mà nhà đầu tư nên quan tâm mua vào.

C47 có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2015 theo Nghị quyết ĐHCĐ là 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế trên cơ sở các nguồn tiền đầu tư dài hạn sinh lời và các hợp đồng lớn mới ký thành công trong tháng 6 vừa qua, ước đạt lợi nhuận thực tế trong năm nay đột biến lên mức 64,9 tỷ đồng trên vốn điều lệ 120 tỷ đồng, tương ứng với EPS 5.400 đồng/cp, với giá đóng cửa 17.000 đồng/cổ phiếu cuối tuần qua, thì PE forward là 3,1 lần.

Theo báo cáo thường niên 6 tháng đầu năm, Công ty thông báo hoàn thành 50% khối lượng công việc tại Dự án Thủy điện Trung Sơn và được chỉ định làm nhà thầu thi công cửa nhận nước tại Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum với giá trị hợp đồng 1.600 tỷ đồng, thời gian thi công là 33 tháng.

Đầu tháng 6 năm nay, Công ty đã chính thức được đối tác Nhật Bản chỉ định gói thầu Dự án Thủy điện Đa Nhim, trị giá hơn 800 tỷ đồng, khởi công từ tháng 8/2015 và hoàn thành vào giữa năm 2017. Dự án kênh Tân Mỹ đoạn qua Ninh Thuận trị giá 1.500 tỷ đồng cũng được C47 bắt đầu triển khai từ tháng 8/2015 và hoàn thiện vào mùa khô 2016-2017. Đây là 4 dự án lớn tạo ra doanh thu và lợi nhuận đột biến cho công ty trong năm 2015 và 2016.

Theo báo cáo kiểm toán, những năm qua, C47 luôn để khấu hao rất lớn nhằm giảm giá vốn cho những dự án sau này. Hiện nay, hầu hết thiết bị vận tải, máy móc của Công ty đã khấu hao được hơn 65%. Do vậy, thời điểm hiện tại, Công ty luôn đưa ra được mức giá rất cạnh tranh trong việc bỏ thầu. Các công trình thủy điện, thủy lợi lớn ở miền Trung hiện nay C47 luôn được coi là ưu tiên số 1 của các chủ đầu tư. Máy móc thiết bị của C47 đều là thiết bị mới đầu tư trong khoảng 6 năm trở lại đây, từ năm 2009, với máy móc hiện đại.

Tính tới hết quý 1/2015 nguyên giá tài sản cố định của C47 là 903 tỷ đồng, trong đó đã khấu hao hết 468 tỷ đồng, giá trị còn lại là 435 tỷ đồng, trong đó nhà cửa, đất đai là 62 tỷ đồng. Giá trị tài sản đã khấu hao hết nhưng vẫn còn sử dụng là 102 tỷ đồng.

Năm 2015 và 2016 sẽ là 2 năm đột biến về lợi nhuận của C47.

Trong năm 2014 và quý I/2015, giá trị hàng tồn kho của C47 tăng mạnh hơn 500 tỷ đồng là do đợt vừa qua, Công ty tập trung thi công bê tông khối lớn tại Dự án Thủy điện Trung Sơn để hoàn thành trước mùa mưa bão, mỗi tháng thi công gần 70.000 m3 bê tông. Tháng 6 vừa qua, các hạng mục lớn của Trung Sơn đã hoàn thành, do đó doanh thu và lợi nhuận sẽ được hạch toán vào quý II và quý III/2015 với mức lợi nhuận dự kiến đạt 30 tỷ đồng.

Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum trị giá hợp đồng 1.600 tỷ đồng, ký hợp đồng từ tháng 6, nhưng đến tháng 7 mới triển khai và đã được ứng vốn thi công. Dự kiến mang lại lợi nhuận 9 tỷ đồng từ dự án này trong năm 2015. Thời gian hoàn thành sau 33 tháng.

Cổ tức từ Công ty Thủy điện Buôn Đôn (công ty mà C47 góp 8% vốn điều lệ) là 4 tỷ đồng. Dự kiến quý IV/2015, công ty này sẽ trả cổ tức đợt 1/2015 là 10%, tương ứng với khoản lợi nhuận 2,68 tỷ đồng. Hiện giá cổ phiếu Thủy điện Buôn Đôn đang giao dịch ở mức 17.000 đồng/cổ phiếu.

Tại Công ty Thủy điện Định Bình, công ty mà C47 nắm giữ 17,6% vốn điều lệ, cổ tức năm 2015 dự kiến chia là 28%, trong đó ngày 15/05/2015 chia cổ tức 15% bằng tiền. Tương ứng C47 có khoản lợi nhuận trong quý II là 2,178 tỷ đồng. Dự kiến tháng 12/2015, công ty này sẽ trả cổ tức đợt 2 là 13%, tương ứng số tiền C47 nhận được là 1,887 tỷ đồng. Do đó, cả năm 2015 khoản lợi nhuận từ đây của C47 sẽ nhận được là 4,065 tỷ đồng. Hiện giá cổ phiếu của công ty này đang được giao dịch là 25.000 đồng/cổ phiếu.

 Tại Công ty Thủy điện Văn Phong, công ty con do C47 năm giữ 64,69% vốn dự kiến lãi 11 tỷ đồng trong năm nay, do đó C47 có thể được hạch toán lợi nhuận hợp nhất 7,1 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ.

Còn với Khách sạn Hải Âu, đơn vị do C47 năm giữ 100% cũng mang lại khoản lợi nhuận sau thuế hơn 11 tỷ đồng trong năm 2014. Hiện có nhà đầu tư nước ngoài tiếp xúc và đề nghị mua lại khách sạn này với giá 15 triệu USD, nhưng C47 chưa chấp nhận mức giá này. Giá trị trên sổ sách còn lại của khách sạn này là 25 tỷ đồng. Với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, thì chỉ tính riêng việc thoái vốn tại khách sạn này đã mang về cho C47 một khoản lợi nhuận gấp 3 lần vốn điều lệ. Dự kiến năm 2015, Khách sạn mang lại khoản lợi nhuận trên dưới 12 tỷ đồng cho C47.

Dự án kênh bắc Sông Chu - Nam sông Mã thi công từ tháng 4/2014 với giá trị hợp đồng 87 tỷ đồng và hoàn thành trong năm 2015, dự kiến mang lại khoản lợi nhuận 1,5 tỷ đồng trong năm nay cho C47.

C47 đang sở hữu khu đất rộng hơn 1.000 m2 đã xây trụ sở Công ty cao 11 tầng nằm tại số 8 Biên Cương, trung tâm TP. Quy Nhơn. Tòa nhà trụ sở này đang được định giá trên giá trị sổ sách là 90 tỷ đồng.

Khu đất 105 Tây Sơn diện tích 2,2 héc-ta, thiết kế xây 3 block chung cư, hiện Công ty đã đập bỏ nhà kho cũ và thực hiện thi công hạ tầng nội bộ và đường của khu với giá 4,7 tỷ đồng (Hiện trạng đất thuê dài hạn, đã hết khấu hao). Dự án đang được 1 đại gia trong tỉnh chào mua với giá 55 tỷ đồng, nhưng Công ty chưa bán. Nếu thực hiện phương án này công ty sẽ có khoản lợi nhuận 50 tỷ đồng và có thêm 55 tỷ đồng vốn lưu động.

Với mức định giá theo lợi nhuận năm 2015 của C47, tôi đánh giá trong ngắn hạn, C47 sẽ đạt mức giá 35.000 - 40.000 đồng/cổ phiếu. Nhìn về dài hạn, xét trên các tài sản hiện có và các dự án trong tương lai, cũng như năng lực của C47. thì đây là một cổ phiếu rất đáng để đầu tư với mức giá không dưới 60.000 đồng/cổ phiếu.

Điểm gia tăng lợi nhuận mạnh nhất của C47 sẽ bắt đầu từ năm 2016, lợi nhuận sau thuế cả năm sẽ rơi vào khoảng 122,6 tỷ đồng, tương ứng với EPS 10.216 đồng/cp. Tương lai xa hơn, khi các dự án thủy điện của C47 hết khấu hao (không còn phải trả lãi và trả nợ vay ngân hàng), thì C47 sẽ có khoản lợi nhuận lớn, ổn định và sở hữu khối tài sản khổng lồ.

Ngoài cổ phiếu C47, tuần tới, nhà đầu tư ngắn hạn cũng có thể tham khảo thêm cổ phiếu của HPC. Vừa qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán bluechip, bảo hiểm đã liên tục tăng giá mạnh. Theo nghiên cứu, tôi đánh giá những cổ phiếu chứng khoán dòng penny sẽ nổi sóng vào thời gian tới khi mà chứng khoán nằm trong danh mục nới room của khối ngoại, đồng thời thị trường tăng trưởng tốt trong quý IIm đang giúp doanh thu môi giới của các công ty tăng đột biến.

HPC là một trong những công ty chứng khoán đầu tiên niêm yết trên sàn Hà Nội và là công ty chứng khoán mạnh nhất tại Hải Phòng. Với mức giá 3.900 đồng/cổ phiếu, hiện nay trên sàn chưa phản ánh đúng giá trị thực tại của công ty có thâm niên hơn 10 năm hoạt động trên thị trường.

Công ty hiện nay không nợ ngân hàng, vì vậy mà hạn chế được tối đa rủi ro cho cổ đông. Các khoản đầu tư tài chính khi kết thúc quý I của Công ty có một số cổ phiếu đáng chú ý là CII và HPP, dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho công ty trong quý II và quý III.

Hiện nay, HPC đang giữ hơn 900.000 cổ phiếu CII ở mức giá 20.782 đồng/cp và 370.000 cổ phiếu HPP ở giá 18 ngàn. Kết thúc quý I/2015, HPC đang phải trích lập dự phòng hơn 2 tỷ đồng ở cổ phiếu CII với mức giá tại ngày lập báo cáo là 18.500 đồng/CP. Tính tới hiện tại, giá cổ phiếu CII đã tăng lên mức 27.600 đồng/CP trong ngày 10/07. Chỉ tính riêng việc hoàn nhập dự phòng ở cổ phiếu CII sẽ mang lại cho HPC khoản lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng, chưa kể đến khoản lãi hiện tại đối với cổ phiếu CII. Đối với cổ phiếu HPP, tại ngày lập báo cáo giá của cổ phiếu HPP là 22.300 đồng/CP, giá cổ phiếu HPP tại ngày 30/6 là 25.700 đồng/CP, do vậy mà HPC sẽ được hoàn nhập 1,2 tỷ đồng. Chỉ tính riêng hai khoản hoàn nhập này thì HPC đã ghi nhận khoản lợi nhuận hơn 3,2 tỷ đồng.

Với việc giá trị giao dịch trên 2 sàn tăng mạnh trong thời gian vừa qua, luôn đạt mức bình quân 3.000 tỷ đồng trên cả 2 sàn, dựa trên tỷ lệ thị phần môi giới của HPC, thì lợi nhuận từ riêng mảng này sẽ khoảng 12 tỷ đồng. Dự kiến lợi nhuận quý II của công ty sẽ ở mức 12 - 15 tỷ đồng.

Đầu năm 2015, Công ty đã lựa chọn CTCK Á Âu để sáp nhập nhằm xóa lỗ lũy kế và trả cổ tức cho cổ đông trong năm 2015. Trong số nhóm cổ phiếu chứng khoán Penny trên hai sàn hiện nay, thì HPC là cổ phiếu có nhiều khả năng thu hút được dòng vốn ngoại nhất, vì tài chính sạch sẽ, công ty có thâm niên và tên tuổi trên thị trường. Giá hiện nay đang thấp hơn nhiều giá trị sổ sách của công ty.

Mục tiêu ngắn hạn của HPC là 6.000-7000 đồng/cổ phiếu, xa hơn nếu có sự tham gia thâu tóm của khối ngoại có thể kỳ vọng HPC được giao dịch quanh mệnh giá 10.000/cổ phiếu.

Nhà đầu tư 1970

Theo tôi, tuần tới rủi ro thuộc nhóm ngân hàng, tài chính. Những cổ này nóng và nhiều đám đông  đầu cơ tham gia, nên có thể gây rủi ro ngắn hạn. Do đó, tôi cho rằng không mua đuổi các mã này.

Giá các cổ phiếu ngân hàng như VCB hiện đã có PE khoảng 30, nếu cộng với lạm phát, thì PE thực tế trên 60, tương đương  đỉnh bong bóng chứng khoán 2007.

Năm 2007, VCB có thị giá 120.000 đồng, nhưng vốn hóa  và lợi nhuận cũng  chỉ tương đương so với  hiện nay, do vốn điều lệ 2007 nhỏ hơn, chỉ có 15.000 tỷ đồng.

Trong mỗi uptrend thì bộ 3 chứng khoán - bất động sản - ngân hàng luôn song hành, hiện các cổ bất động sản bị định giá rẻ hơn nhiều so với nhóm chứng khoán, ngân hàng, nhóm bất đoọng sản tích lũy tốt, ít rủi ro, chưa tăng nhiều, nên theo tôi giải ngân vào nhóm này. 

Cổ phiếu tôi khuyến nghị là CEO. CEO bị định giá quá thấp so với giá trị thực và rất nhiều tiềm năng. Chỉ riêng 350 héc-ta đất dự án tại Phú Quốc, CEO thực sự là một kho vàng ròng. Đất Phú Quốc đang tăng chóng mặt hàng ngày, hàng giờ, có ngày tăng 50%, giá đã tăng 7-8 lần trong 1 năm qua, những chỗ đẹp như Bãi Trường của CEO đã lên đến 100 - 200 tỷ đồng/héc-ta.

Dư địa tăng  giá cổ phiếu CEO rất lớn, bởi CEO chỉ cần chuyển nhương  4-5 héc-ta đất đã có thể lãi ngang tầm SSI. Trong khi định giá hiện tại vốn hóa  SSI là 10.000 tỷ đồng, thì CEO mới 850 tỷ đồng. Tức là CEO chỉ rẻ bằng khoảng hơn 8% SSI.

Trong khi khối tài sản 700 héc-ta đất của CEO, đặc biệt có 350 héc-ta tại Phú Quốc giá trị  có thể lên đến hàng tỷ USD. CEO bị định giá thấp bởi vừa phát hành cổ phiếu để huy động vốn xây dựng dự án tại Phú Quốc, nên cổ phiếu lưu lạc nhiều do nội bộ phải bán để mua cổ phiếu phát hành.  Đây là thời cơ tốt để mua CEO nắm dài hạn.

Abramovic trở thành người giàu nhất nước Nga nhờ giá dầu tăng 6-7 lần, từ 20 USD lên đỉnh 140 USD/thùng. Với một tầm nhìn xa, thì bất động sản Phú Quốc có thể tăng vài chục lần, bởi hiện thị trường này mới chỉ ở giai đoạn đầu. Mặt bằng giá hiện nay khu đẹp nhất chỉ 10-20 triệu đồng/m2, vẫn thua xa Phuket của Thái lan, thậm chí thua xa cả mặt tiền phố tỉnh lẻ như Thái Bình, Nam Định…, nên tôi tin bất động sản Phú Quốc còn tăng nhiều năm nữa. Mua CEO nắm giữ dài hạn có thể sẽ rất giàu.

................................

Theo đề nghị của một số nhà đầu tư, chúng tôi sẽ sử dụng tên gọi theo tên được các nhà đầu tư này dùng trên các diễn đàn chứng khoán - nickname. Các nhận định và khuyến nghị mua - bán các mã cổ phiếu, nhóm mã cổ phiếu là quan điểm cá nhân của các nhà đầu tư, không phản ánh quan điểm của Tòa soạn và chỉ có ý nghĩa tham khảo.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục