Nhà đầu tư Nguyễn Ngọc Minh (TP. HCM)
Gần 9 tháng qua, giới đâu tư chờ đợi trong mòn mỏi mới chứng kiến VN-Index đóng cửa trên ngưỡng 600 điểm. Để có được sự bứt phá này công đầu thuộc về những cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB , BID , CTG , VNM , BVH...
Việc chính thức nới room từ 1/9/2015 và chuyện VN-Index dễ dàng vượt qua mốc 600 điểm, cộng thêm các thông tin từ sự phục hồi mang tính bền vững của nền kinh tế và lãi suất tiết kiệm đang nằm ở mức thấp làm tôi càng tin tưởng TTCK sẽ được hưởng lợi lớn vào 6 tháng cuối năm 2015 .
Việc mua các cổ phiếu kín room đợi tới ngày 1/9 không phải là sự lựa chọn tồi và rất nhiều người đã đề cập.
Với tôi, mục tiêu đầu tư vào cổ phiếu tăng trưởng, tiềm năng còn dài, giá cả hợp lý, thanh khoản khá vẫn không có gì thay đổi. Các đây 3 tuần tôi có đề cập tới khả năng SHI (cổ phiếu theo tôi sẽ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2015-2017 và đang được thị trường định giá thấp hơn giá trị thực) đi vào giai đoạn điều chỉnh tích lũy. Có vẻ tới lúc này giai đoạn điều chỉnh đã kết thúc.
Xin phép cập nhật các nhận định của tôi vào cổ phiếu này với kỳ vọng giá SHI sẽ tăng trưởng 40- 60% trong vòng 6 tháng tới 1 năm.
Với giá đóng cửa 11.700 đồng vào ngày 3/7, tôi ước PE forward SHI 2015 tầm từ 3,6 - 2,4 lần (EPS 2015 = 3.200 - 4.800 đồng). Nghĩa là cơ hội kiếm lợi nhuận bằng lần trong vòng 6 tháng đến 1 năm là hoàn toàn có thể, khi mức PE chung toàn thị trường ở mức 12 lần.
Cơ sở để có các tính toán này là lợi nhuận quý I hơn nhất sau thuế là 19 tỷ đồng, quý II là 33 - 36 tỷ đồng (Nếu đạt được con số này, thì lợi nhuận tăng trưởng 322 % so với cùng kỳ và riêng lợi nhuận quý II/2015 đã xấp xỉ bằng lợi nhuận cả năm 2014.
Với diễn biến như đầu năm, loại bỏ tháng Giêng hầu như không bán được hàng và chi phí lương tháng 13 làm lợi nhuận quý I chỉ có 19 tỷ đồng, thì ta có thể ước lợi nhuận 6 tháng cuối năm là 60 - 64 tỷ đồng, vượt 8-10 tỷ đồng so với 2 quý đầu năm. Tổng ước lợi nhuận hợp nhất cả năm là 112 - 116 tỷ đồng, tương đương EPS = 3.200 đồng, PE = 3,6 lần.
Các tác động có thể làm lợi nhuận của SHI đột biến, vượt qua mốc 60- 64 tỷ đồng vào 2 quý cuối năm là tác động từ việc nguyên liệu đầu vào giảm giá mạnh. Quặng nickel dùng để sản xuất inox đã giảm giá 40% kể từ tháng 7/2014 đến tháng 3/2015. Doanh thu của SHI năm 2015 ước 2.400 tỷ đồng, trong đó 70% doanh thu là chi phí mua nguyên liệu (inox) là 1.700 tỷ đồng. Nếu giảm được 40% sẽ tạo ra 1 khoản lợi nhuận khoảng 670 tỷ đồng.
Tôi tính toán lợi nhuận SHI sẽ tăng thêm khoảng 5 tỷ đồng/tháng kể từ tháng 7 nhờ nguyên liệu đầu vào giảm. Như vậy, 6 tháng cuối năm sẽ tăng thêm 30 tỷ đồng lợi nhuận. Giá vốn nguyên liệu thấp sẽ tiếp tục tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016.
Ngoài ra, ảnh hưởng từ việc mở rộng chi nhánh, điểm bán hàng được Sơn Hà thực hiện gần cả năm nay. Hiện SHI đi theo con đường HSG chiếm lại khoản lợi nhuận mấy năm nay rơi vào tay khâu phân phối. Khoản này khó mà cân đong đo đếm được.
Trước kia, SHI thường chiết khấu cho đại lý rất lớn, có khi lên tới 20-40% giá bán và để lại toàn bộ phí bảo hành sản phẩm (lên tới 11 năm) cho các đại lý hưởng. Theo ước tính, tôi đánh giá từ tháng 7 - 12 hàng năm, mỗi tháng SHI mang về không dưới 3 tỷ đồng từ mảng này. Năm 2016 trở đi, tôi kỳ vọng mảng chi nhánh sẽ bứt phá lợi nhuận như nó đã từng đóng góp cho HSG thời gian qua.
Bên cạnh đó, lợi nhuận từ Nhà máy Sơn Hà Chu Lai và xưởng sản xuất chậu rửa hoạt động từ đầu tháng 6 (chưa cân đong đo đếm được). Cùng với đó là sự phục hồi mạnh sức cầu từ các dự án bất động sản, dẫn đến tăng trưởng doanh thu (cũng khó để ước lượng).
Như vậy, ngoài lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước 2 quý cuối năm là 63 tỷ đồng, cổ đông SHI hoàn toàn có quyền kỳ vọng thêm khoản lợi nhuận trước thuế như đã công bố ở trên là khoảng 78 tỷ đồng và sau thuế là 60 tỷ đồng.
Một yếu tố tích cực nữa là sự ổn định của tỷ giá giúp SHI gia tăng lợi nhuận 2 quý cuối năm 7,2 tỷ đồng. NHNN đã ra cam kết sẽ không tăng tỷ giá từ nay tới cuối năm, như vậy SHI sẽ không bị mất 7,2 tỷ đồng lợi nhuận do điều chỉnh 2% tỷ giá như 2 quý đầu năm.
Nếu mọi việc diễn ra đúng dự đoán, thì lợi nhuận 6 tháng cuối năm SHI 63 + 60 = 123 tỷ đồng. EPS cả năm cỡ 4.800 đồng, PE khoảng 2,4.
Các tác động có thể ảnh hưởng tới cung cầu và giá CP SHI:
Khi SHI đạt giá 13.800 đồng, vốn hóa công ty này sẽ bước qua ngưỡng 500 tỷ đồng, là điểm nhiều quỹ đầu tư coi là cổ phiếu midcap, đủ điều kiện cần xem xét đầu tư.
Thời gian ngắn vừa qua có hai quỹ đầu tư lớn tới thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Sơn Hà là VHAM của Thụy Sỹ với tổng tài sản 123 triệu USD và DAM của Singapore với tài sản cỡ 700 triệu USD.
Công ty có dự kiến phát hành cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1 vào đầu quý IV với giá 10.000 đồng cho cổ đông hiện hữu.
Mùa mưa đang đến và tháng 7 Âm lịch cũng tác động không nhỏ đến sức cầu ngành vật liệu xây dựng nói chung.
Rủi ro đến từ các đối thủ cạnh tranh, giảm giá bán. Lợi nhuận quý 2 tới 20/7 mới công bố không đúng như ước đoán của nhiều người.
Ngoài ra còn có rủi ro về quản trị (như trường hợp JVC, OGC....); rủi ro về thị trường, giá nguyên liệu, tỷ giá và các rủi ro tiềm ẩn khác mà nhà đầu tư không dễ tiếp cận.
Cuối cùng là quỹ lớn thoái vốn. Khi giá đạt ngưỡng 12.500 - 13.000 đồng, Quỹ VNAC đã bán mạnh và không còn là cổ đông lớn của Sơn Hà.
Tóm lại, tôi đang đặt cược vào SHI mua và giữ trong thời gian 6 tháng tới 1 năm với mức lời kỳ vọng ít nhất là 50%, cao gấp 10 lần lãi suất tiết kiệm trong cùng thời gian.