Chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký Báo cáo số 5177/BC – BGTVT gửi các Đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Không triển khai được các dự án PPP mới
Liên quan đến các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020, tư lệnh ngành giao thông cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung triển khai xây dựng kế hoạch, quyết liệt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra; với một số định hướng trọng tâm trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông: xử lý các khoản nợ đọng của giai đoạn trước; hoàn thành dứt điểm các dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2016-2020; ưu tiên đầu tư các công trình, dự án nhằm giải quyết các điểm nghẽn trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông (như cải tạo nâng cấp một số cảng hàng không quốc tế lớn đã có dấu hiệu quá tải như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh...;
Đầu tư đưa vào cấp khoảng 3.600 km các tuyến quốc lộ quan trọng có nhu cầu giao thông lớn, có vai trò tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng); tập trung nghiên cứu, đầu tư các công trình nhằm bước đầu đồng bộ, hiện đại hoá kết cấu hạ tầng giao thông (xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, triển khai dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam...).
Thực hiện nhiệm vụ đề ra, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 952.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 60% cần được cân đối từ nguồn ngân sách (vốn ngân sách nhà nước và vốn ODA) và 40% từ nguồn huy động ngoài ngân sách nhà nước.
“Tuy nhiên, do việc cân đối ngân sách gặp nhiều khó khăn nên vốn cho đầu tư xây dựng không đáp ứng đủ cho các mục tiêu xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nguồn ngân sách nhà nước gần 228.000 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 37% nhu cầu. Cụ thể, vốn ngân sách nhà nước được giao 134.111 tỷ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ được giao 93.729 tỷ đồng.
Bộ trưởng Thể cho biết là việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, hầu như không huy động được dự án mới, chủ yếu tập trung triển khai các dự án đã huy động được trước đây với giá trị ước tính khoảng 201.497 tỷ đồng, chỉ đạt khoảng 58% so với dự kiến.
Với số kế hoạch được phân bổ, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Giao thông vận tải tập trung để hoàn thành các thủ tục đầu tư để triển khai thi công 2 dự án quan trọng quốc gia: dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015) và dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017); tiếp tục triển khai một số dự án nối thông đường Hồ Chí Minh; tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước 2015, như: đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đã cơ bản hoàn thành), đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường bộ kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cảng Lạch Huyện (đã hoàn thành), Luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu (đã hoàn thành); một số dự án sử dụng vốn dư từ dự án Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên…
Số vốn này cũng được ưu tiên để hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai các dự án: 14 dự án đường sắt, đường bộ cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 ngày 31/7/2018, 08 dự án ODA được bổ sung theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội; dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để báo cáo Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án (dự kiến báo cáo Quốc hội khóa XIV vào kỳ họp thứ 8, tháng 10/2019).
69 dự án xuất hiện nợ đọng
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, mặc dù thời gian vừa qua Quốc hội và Chính phủ đã quan tâm bố trí bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho Bộ Giao thông vận tải để xử lý một số điểm nghẽn về phát triển hạ tầng đường sắt, một số dự án đường bộ cấp bách (khoản 15.000 tỷ đồng vốn dự phòng kế hoạch trung hạn) và điểm nghẽn về giao thông đường thuỷ (tuyến kênh chợ Gạo, giai đoạn 2).
Tuy nhiên, số vốn được bố trí bổ sung là rất nhỏ so với nhu cầu thực tế để xử lý các tồn tại trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từ giai đoạn trước để lại và giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông trong giai đoạn này. Trong đó, đặc biệt là việc bổ sung vốn để trả nợ đọng và để hoàn thành dứt điểm 25 dự án đang thực hiện dở dang hết sức cấp bách.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải còn 69 dự án có nợ đọng với giá trị khoảng 2.237 tỷ đồng, chủ yếu là nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và bổ sung giai đoạn 2014-2016; các dự án còn thiếu vốn để quyết toán do không được kéo dài kế hoạch 2015 về trước và dự án nợ đọng do thay đổi hình thức đầu tư.
Khó khăn cho Bộ Giao thông vận tải là trong phương án sử dụng dự phòng chung kế hoạch trung hạn mới dự kiến bố trí vốn để trả nợ đọng 1/69 dự án được 82,9 tỷ đồng. Việc để nợ đọng kéo dài gây rất nhiều khó khăn cho các đơn vị thi công, thực hiện dự án. Tại một số dự án đã có khiếu kiện tới toà án dân sự.
Liên quan đến các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đang thực hiện dở dang, chưa được bố trí đủ trong kế hoạch 2016-2020, tư lệnh ngành Giao thông vận tải cho biết là có 25 dự án sử dụng vốn NSNN do bộ này quản lý chưa được bố trí đủ trong kế hoạch 2016-2020 để tiếp tục thi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trong phương án sử dụng dự phòng chung kế hoạch trung hạn đã dự kiến bố trí 3.428 tỷ đồng cho 5/25 dự án; còn lại 20 dự án đang thực hiện dở dang (đã bố trí hết kế hoạch trung hạn từ năm 2017).
Ông Thể khẳng định, nếu không được bố trí đủ vốn để tiếp tục thực hiện sẽ phải dừng giãn, gây lãng phí phần vốn đã đầu tư thực hiện, tiềm ẩn mất an toàn giao thông, đi lại khó khăn, lãng phí nhân công, thiết bị thi công đã huy động trên công trường và tốn thêm kinh phí khi tái khởi động lại dự án. Trong số này, có nhiều dự án nhu cầu bổ sung kinh phí không lớn, đã có sẵn nhà thầu, tư vấn và công địa thi công, có thể triển khai ngay sau khi được bố trí bổ sung vốn và chỉ cần thời gian ngắn để hoàn thành toàn bộ dự án, phát huy hiệu quả đầu tư ngay
Để tháo gỡ khó khăn, Bộ trưởng Thể kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ quan tâm, ưu tiên bố trí bổ sung đủ kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 (từ nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn của Chính phủ) để xử lý dứt điểm các dự án có nợ đọng và để tiếp tục thi công, hoàn thành đưa vào khai thác 25 dự án đang thực hiện dở dang của Bộ Giao thông vận tải.
Đối với các nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã đề ra nhưng chưa triển khai được trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Giao thông vận tải đề nghị được ưu tiên chuẩn bị trước, sớm triển khai ngay từ đầu kỳ kế hoạch giai đoạn 2021-2025.