Lời giải nào cho bài toán thiếu vốn khi khởi nghiệp

Có nhiều phương án giải quyết bài toán vốn và dòng tiền của các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng đi kèm với mỗi phương án là không ít hệ lụy. Làm thế nào để hài hòa các lợi ích là điều mà CEO cần sáng suốt lựa chọn.
Nữ doanh nhân Lê Ngọc Nguyên (giữa) ngồi ở vị trí CEO tuần này. Nữ doanh nhân Lê Ngọc Nguyên (giữa) ngồi ở vị trí CEO tuần này.

Dòng tiền luôn được xem là “dòng máu” duy trì tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Bởi vậy mà nếu dòng tiền tắc nghẽn, doanh nghiệp sẽ không đủ tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì sẽ phải bù đắp bằng dòng tiền đầu tư, hoặc dòng tiền hoạt động tài chính.

Đây chính là bài toán dòng tiền, có thể xảy ra ở bất kỳ doanh nghiệp nào, dù ở quy mô lớn hay nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp khởi nghiệp còn thiếu kinh nghiệm trong quản trị dòng tiền.

Là vấn đề vô cùng quan trọng trong mỗi doanh nghiệp, do đó, bài toán này đã được chương trình CEO - Chìa khóa thành công đề cập với một tình huống rất thú vị, thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả theo dõi chương trình.

Tình huống đưa ra là câu chuyện của một nhóm bạn trẻ khởi nghiệp. Nhờ nhanh nhạy nắm bắt xu hướng tiêu dùng thực phẩm sạch, các bạn trẻ này đã nghiên cứu và đầu tư công nghệ để làm ra sản phẩm dầu lạc nguyên chất tinh khiết cao, tốt cho sức khỏe. Để đưa sản phẩm chính thức ra thị trường, họ đã góp vốn lập công ty khởi nghiệp Dalavi. 

Trước bối cảnh thị trường có nhiều sản phẩm cạnh tranh, trong khi Dalavi không có nhiều chi phí để truyền thông nên doanh nghiệp lựa chọn giải pháp tập trung phát triển thị trường qua nhiều kênh phân phối, chấp nhận cả hình thức ký gửi qua đại lý. Sau 4 tháng thực hiện chính sách cho ký gửi, doanh số đã tăng lên rõ rệt, nhưng cũng kéo theo hệ lụy là bị đọng vốn khá lớn ở hàng ký gửi, dẫn tới việc công ty cạn vốn quay vòng kinh doanh. 

Mặc dù đã tìm đủ mọi giải pháp nhưng vẫn không cân đối được dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, CEO nhận thấy cần phải tăng vốn để duy trì được hoạt động của doanh nghiệp và tăng hiệu quả cho phần ký gửi.

Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối từ các cổ đông. Các cổ đông đều không đồng ý tăng vốn, thậm chí đề xuất dừng hẳn ký gửi để tránh những rủi ro về vốn.

Để bảo vệ quan điểm của mình, CEO thuyết phục rằng, các sản phẩm organic có thị trường tiềm năng, nhưng do sản phẩm của công ty là thương hiệu mới, cần chấp nhận ký gửi để tăng độ phủ. 

Các cổ đông vẫn không đồng tình và cho rằng, cần phải làm rõ nguyên nhân và giải quyết việc ách tắc dòng tiền, bằng cách ưu tiên những đại lý có thanh khoản tốt và dừng giao hàng với những đại lý chậm thanh toán. Các cổ đông cũng gợi ý cho CEO phương án vay tiền từ ngân hàng hoặc gọi vốn từ các nhà đầu tư mới, thay vì lấy tiền từ túi cổ đông.

Trên Fanpage của chương trình, rất nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với các cổ đông. Bạn Minh Nguyen cho rằng, cổ đông tham gia góp vốn đều mong muốn có lãi chứ không phải cứ hết vốn là họ lại phải rót thêm. Do đó, CEO có thể xem xét tìm đến các quỹ đầu tư chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến ủng hộ CEO. Bạn Hoàng Anh e ngại, quỹ đầu tư, nhà đầu tư bên ngoài tham gia vào công ty có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông.

Để giúp CEO đánh giá chính xác vấn đề và đưa ra chiến lược một cách phù hợp cho tình huống này, Chương trình CEO - Chìa khóa thành công đã mời 2 vị chuyên gia là ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Secoin và bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA). Tư vấn của 2 chuyên gia sẽ là những gợi ý hay cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục