Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành giai đoạn 1 vừa được Bộ GTVT gửi tới Ủy ban Kinh tế và các Đại biểu Quốc hội vào ngày hôm nay.
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/10/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT trình bày Báo cáo tóm tắt Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) Dự án trước Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trình bày Báo cáo thẩm tra BCNCKT Dự án; đồng thời Quốc hội đã tổ chức thảo luận tại Tổ về BCNCKT Dự án.
Theo Bộ trưởng Thể, nhìn chung đa số các ý kiến của Đại biểu Quốc hội đồng thuận về BCNCKT Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; đồng thời, cũng có các ý kiến đề nghị nghiên cứu làm rõ, giải trình một số nội dung.
Kinh nghiệm là điểm cộng cho ACV
Đối với một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ đề xuất giao ACV đầu tư các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, các công trình thiết yếu của CHK, các công trình dịch vụ phụ trợ (Dự án thành phần 1), Bộ trưởng Thể khẳng định đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo vai trò, lợi ích của Nhà nước cũng như sự kiểm soát của Nhà nước đối với tài sản chiến lược của Quốc gia quan trọng như sân bay Long Thành.
Cụ thể, việc ACV đầu tư, khai thác Cảng sẽ giúp Nhà nước chủ động điều hành, quyết định các nhiệm vụ quan trọng, thực hiện công cụ điều tiết vĩ mô phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; đảm bảo an ninh, an toàn tại CHK cửa ngõ quốc gia. Đồng thời, còn giúp đảm bảo phối hợp tốt hoạt động dân dụng và quân sự tại CHKQT Long Thành – là nơi có vị trí chiến lược, là cơ sở trọng yếu của đất nước trong lĩnh an ninh – quốc phòng, căn cứ dự bị chiến lược của lực lượng phòng không - không quân trong công tác bảo vệ vùng trời, biển đảo phía Nam của Tổ quốc.
Tư lệnh ngành GTVT khẳng định phương án này không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA và không huy động khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ.
Theo phương án tài chính, nếu được giao là Nhà đầu tư, khai thác, hàng năm ACV sẽ có thêm nguồn thu từ 2.390 – 4.780 tỷ đồng (tương đương 100-200 triệu USD) để nộp ngân sách nhà nước hoặc tích lũy đầu tư phát triển các CHK như: Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Điện Biên, Nà Sản, Lai Châu... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Bộ GTVT cho biết, hiện nay, ACV thực hiện đầu tư xây dựng tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật liên quan. Do đó, ACV sẽ tiến hành thủ tục đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế, nhà thầu xây lắp... đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo cơ hội tham gia cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện Dự án; qua đó giúp giảm chi phí đầu tư, đem lại lợi ích cho nhà nước và xã hội.
Lý do thứ hai của đề xuất giao ACV đầu tư phần lớn các hạng mục chính yếu của sân bay Long Thành là để tiến độ thực hiện dự án. Cụ thể, nếu được giao đầu tư, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, ACV sẽ triển khai ngay thiết kế kỹ thuật để có thể khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành năm 2025.
Ba là về năng lực và kinh nghiệm thực hiện đầu tư của ACV đủ khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ này. Bộ GTVT cho biết, mặc dù chưa đầu tư CHK mới có quy mô tương tự, nhưng với năng lực và kinh nghiệm đã thực hiện từng hạng mục tương tự các hạng mục chính của Dự án thì ACV có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án này. Cụ thể, về đường cất hạ cánh, ACV đã thực hiện đầu tư các đường cất hạ cánh mới CHKQT Phú Quốc, Cần Thơ. Về sân đỗ tàu bay, ACV đã thực hiện đầu tư sân đỗ lớn tại CHKQT Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, ... Về nhà ga hành khách, ACV đã thực hiện đầu tư nhà ga hành khách quốc tế CHKQT Nội Bài (10 triệu hành khách/năm), nhà ga hành khách quốc tế CHKQT Tân Sơn Nhất (10 triệu hành khách/năm)
Bốn là, ACV đang quản lý, khai thác 21/22 CHK của cả nước, ACV có đội ngũ hơn 9.500 cán bộ, công nhân viên nên ACV có đủ năng lực và kinh nghiệm để quản lý, khai thác CHKQT Long Thành.
Vốn không phải là rào cản
Lý do thứ 5 khiến Chính phủ và Bộ GTVT đề xuất ACV đảm nhận đầu tư Dự án là do đơn vị này có đủ khả năng huy động vốn của phục vụ công trình.
Theo tính toán, Dự án này có nhu cầu vốn lớn (khoảng 4,194 tỷ USD) nên theo tính toán của Tư vấn, dự kiến nhà đầu tư sẽ phải huy vốn vay trên thị trường vốn quốc tế. Để đảm bảo khả năng trả nợ, các tổ chức tín dụng quốc tế yêu cầu hệ số trả nợ tối thiểu (DSCR) ≥ 1,4. Do vậy, yêu cầu tỷ lệ vốn tự có tối thiểu của nhà đầu tư là 30% tương ứng với số tiền 1,258 tỷ USD. Theo số liệu báo cáo tài chính đã được kiểm toán, đến ngày 31/12/2018, ACV đã tích lũy được lượng tiền mặt là 24.268 tỷ đồng; trong giai đoạn 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (sau khi đã cân đối kế hoạch đầu tư phát triển 21 CHK mà ACV đang quản lý, khai thác theo kế hoạch của Bộ GTVT; bao gồm cả việc đầu tư Dự án Nhà ga hành khách T3 CHKQT Tân Sơn Nhất). Như vậy, ACV dự kiến sẽ bố trí vốn tự có được 36.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư.
Về khả năng bố trí vốn huy động vốn vay của ACV, tính toán của đơn vị tư vấn cho thấy số vốn ACV cần huy động là cho Dự án vào khoảng 2,628 tỷ USD. Vừa qua, ACV đã làm việc với các tổ chức tài chính (Ngân hàng và các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài) quan tâm đến Dự án để thu xếp phần vốn huy động. Đến thời điểm hiện tại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thoả thuận hợp tác (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5-5,5%/năm, thông qua các hình thức: Vay thương mại các tổ chức ngân hàng trong và ngoài nước; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu (Export Credit Agreement) áp dụng cho các hạng mục thiết bị nhập ngoại; Phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, ACV đang thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới nhằm thực hiện công tác huy động vốn một cách tối ưu cho dự án, phù hợp với các thông lệ quốc tế. Với các nội dung nêu trên và năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường nên việc ACV đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của Dự án.
Năm là qua tham khảo các mô hình đầu tư, quản lý, khai thác CHKQT lớn và quan trọng của các quốc gia trên thế giới như: Changi (Singapore), Suvarnahumi (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Incheon (Hàn Quốc), Chek Lap Kok (Hồng Kông), Charles de Gaulle (Pháp), Frankfurt (Đức), Bộ GTVT nhận thấy, các CHK nêu trên đều được doanh nghiệp nhà nước, hoặc doanh nghiệp cổ phần với sự tham gia của các tổ chức của Nhà nước, hoặc doanh nghiệp cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối đầu tư. Sau đầu tư, Nhà nước có thể bán một phần vốn của Nhà nước.
Như vậy, việc đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư Dự án thành phần 1 (Nhà đầu tư, khai thác Cảng) được dựa trên cơ sở đảm bảo vai trò và lợi ích Nhà nước, đảm bảo quốc phòng – an ninh; tiến độ thực hiện dự án; năng lực và kinh nghiệm đầu tư và quản lý khai thác của nhà đầu tư, khả năng huy động vốn và tham khảo mô hình quốc tế.
“Trong quá trình triển khai thực hiện, Chính phủ sẽ giao Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ ngành quản lý, giám sát hoặc xây dựng các chính sách cụ thể để tổ chức quản lý cho phù hợp”, Bộ trưởng Thể khẳng định.