Giao lại tài sản cho ACV, cẩn trọng nguy cơ độc quyền doanh nghiệp

(ĐTCK) Một trong những đề xuất nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong cơ chế quản lý, khai thác, vận hành và sửa chữa - bảo dưỡng khu bay thuộc quản lý của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là đưa các tài sản này trở lại thành tài sản của ACV như trước khi cổ phần hóa. 
Giao lại tài sản cho ACV, cẩn trọng nguy cơ độc quyền doanh nghiệp

Với giải pháp đó, ACV được cho là sẽ có thể tự chủ trong việc sử dụng vốn tự có để thực hiện việc sửa chữa, bảo dưỡng đường băng khu bay, cũng như tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, khai thác và vận hành các tài sản này. 

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), phương án này đặt ra một số vấn đề cần cân nhắc, đó là việc định giá tài sản để xác định giá trị tài sản hiện tại và đưa trở lại thành tài sản của ACV thông qua việc tăng vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là có thể tạo ra sự độc quyền doanh nghiệp trong việc khai thác đường băng. 

Liên quan đến định giá, quan điểm đề xuất phương án này cho rằng, có thể chuyển trả lại cho doanh nghiệp thông qua việc nâng vốn của doanh nghiệp thuộc phần sở hữu của Nhà nước bằng đúng giá trị của tài sản trước đó.

Ở đây, theo ông Trung, việc tính giá trị tài sản khu bay chủ yếu sẽ chỉ là tính giá trị còn lại của tài sản. Đối với Nhà nước, thông thường, giá trị còn lại chủ yếu tính theo giá trị xây dựng, nên giá trị thực tế nếu tính theo phương pháp này sẽ không lớn. 

“Giá trị lớn nhất nằm phía sau, bởi đường băng này được quyền cất - hạ cánh, nên sẽ thu phí đường băng. Như vậy, giá trị này trên thực tế lớn hơn rất nhiều so với giá trị tài sản tính theo giá trị còn lại”, ông Trung phân tích. 

Yếu tố độc quyền cũng liên quan mật thiết đến “giá trị đằng sau” của đường băng. Là đường bay, đường lăn cất cánh duy nhất tại các sân bay, cảng hàng không, nên các đường băng gần như là “linh hồn” của tài sản khu bay.

Tất cả các doanh nghiệp kinh doanh hàng không, bao gồm các hãng bay, đều phải phụ thuộc hoàn toàn vào đường băng này. Đây cũng chính là lý do khu bay gồm đường băng, đường lăn của 22 cảng hàng không được tách ra khỏi giá trị tài sản sở hữu của ACV khi xác định giá trị cổ phần hóa và được coi là tài sản công, phục vụ mục đích công ích. 

Do vậy, nếu tài sản này được chuyển trở lại thì cũng đồng nghĩa với việc ACV sẽ có quyền khai thác độc quyền các đường lăn và đường băng của khu bay. Điều này sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy từ độc quyền doanh nghiệp trong kinh doanh, nhất là với ngành hàng không vốn là ngành đặc thù và đang tăng trưởng “nóng” khi ngày càng nhiều hãng hàng không tư nhân gia nhập thị trường. 

Đề cập giải pháp tháo gỡ ách tắc cho ACV, ông Nguyễn Đình Cung,nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, có thể vận dụng linh hoạt các cơ chế hiện hành để giao vốn cho ACV thực hiện việc duy tu bảo dưỡng, thậm chí là mở rộng các đường băng.

Đây là giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay để giải quyết ngay bài toán vốn cho doanh nghiệp thực hiện sửa chữa, nâng cấp, thay vì giải pháp thiếu thực tế là mua lại cổ phần của các cổ đông để đưa ACV trở lại thành doanh nghiệp nhà nước và trở về dưới sự quản lý của Bộ Giao thông - Vận tải. 

“Việc diễn giải câu chữ trong các quy định luật pháp không thể cứng nhắc. Bắt buộc coi doanh nghiệp nhất thiết phải trực thuộc tổ chức là Bộ Giao thông - Vận tải thì mới được bộ này cấp vốn là không hợp lý”, ông Cung bình luận.

Mặt khác, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM, với vụ việc của ACV, cần tách bạch trên 2 góc nhìn, một của cơ quan quản lý nhà nước và một của nhà đầu tư. 

“Nhìn từ góc độ nhà đầu tư, khi thấy cơ hội kinh doanh, việc tính toán mua đi - bán lại tài sản hay cổ phần mà mang lại hiệu quả sinh lời cho chủ sở hữu thì hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, ở đây cần giải thích được rõ mục tiêu mua lại thì mang lại lợi ích khác ở chỗ nào? Nếu đặt vấn đề mua lại chỉ để muốn giao lại dự án về cho Nhà nước thì mang nặng tính hành chính, nhất là trong bối cảnh việc mua lại chưa được giải thích một cách thỏa đáng như hiện nay”, ông Hiếu phân tích. 

Còn theo ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc bán xong cổ phần rồi đề xuất mua lại cho thấy, hoạt động cổ phần hóa hiện nay vẫn chưa mang tính thị trường.

Với phương án giao lại tài sản để doanh nghiệp tự đảm bảo hoạt động của tài sản đó thì cần cân nhắc tính khả thi trong việc chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trước pháp luật, nhất là đối với những tài sản gắn với an ninh quốc phòng như trường hợp của ACV.   

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục