Sức mua và tổng cầu hồi phục
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, Thường trực Chính phủ đánh giá, kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp vẫn trên đà tăng trưởng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 10%. Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp so với nhiều năm trước, nhưng sức mua và tổng cầu tăng khá.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng đầu năm tăng 9,9%, cho thấy tín hiệu tốt về phục hồi sức mua và tổng cầu của nền kinh tế. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 tăng 12,1% so với tháng 6 và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2014, chấm dứt tình trạng giảm liên tiếp 2 tháng trước đó. Theo Bộ trưởng, nếu không có diễn biến gì bất thường thì việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đã đề ra là hoàn toàn khả thi.
Nông nghiệp và cân đối ngân sách vẫn gặp khó
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn đối diện một số khó khăn, thách thức, đặc biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp. Giá cả nông sản trên thị trường thế giới tiếp tục giảm, ảnh hưởng mạnh đến thị trường xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của nước ta. Xuất khẩu tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước, chưa đạt kế hoạch đề ra, trong khi kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước sụt giảm. Đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán còn nhiều khó khăn.
Về cân đối ngân sách, thu ngân sách vẫn giảm, trong khi những giải pháp và phương tiện hỗ trợ ngân sách hiện nay chưa hết khó khăn, xuất khẩu 7 tháng đầu năm có tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhập khẩu ở mức cao hơn, dẫn đến nhập siêu 3,3 tỷ USD. Tín hiệu đáng mừng là du lịch tăng trở lại sau 2 tháng giảm, nhưng cũng chưa nói lên được điều gì.
“Chúng ta có nhiều nỗ lực, cố gắng, trong đó có vấn đề visa, nhưng chưa đủ cơ sở để nói đã được kết quả gì cho đến thời điểm này”, ông Nên nói.
Khó xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga
Thông tin đưa ra tại cuộc họp báo cho thấy, lĩnh vực thủy hải sản cũng gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu thủy sản trong tháng 7 và 7 tháng qua sụt giảm nghiêm trọng. Đáng lo ngại là rất nhiều DN phản ánh tình trạng khó xuất khẩu thủy sản vào các thị trường chính, đặc biệt là Nga, do nhiều tiêu chuẩn ngặt nghèo. Trong số hơn 400 DN xuất khẩu thủy sản đạt tiêu chuẩn sang EU, sang Mỹ, sang Anh của Việt Nam hiện chỉ có trên 20 DN được phép xuất khẩu vào thị trường Nga.
Vậy giải pháp nào để khắc phục tình trạng này? Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, hiện Bộ đang tích cực làm việc với phía Nga để giải quyết.
Theo ông Hưng, trước đây, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nga và EU tương đối tốt. Sau một thời gian, khối lượng xuất khẩu thủy sản sang Nga giảm đi do nước này dừng cấp phép nhập khẩu đối với một số DN Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây, Nga đã mở cửa trở lại cho nhiều DN của Việt Nam xuất khẩu. Tuy nhiên, Nga có điều kiện và quy định rất chặt chẽ về thủy sản.
“Trong các DN của chúng ta được xuất khẩu, nhiều DN tiếp tục thực hiện các điều kiện của Nga trước khi được phép hoàn toàn vào thị trường. Chúng tôi đang làm việc tích cực với phía Nga để đảm bảo thúc đẩy xuất khẩu của DN vào thị trường Nga, nhằm tăng cường trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nga theo đúng tinh thần 2 bên. Ngoài ra, chúng ta vừa ký hiệp định thương mại tự do với Nga và Liên minh Kinh tế Á - Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan), bắt đầu chuẩn bị cho một chương trình mới xuất khẩu thủy sản vào Nga và Liên minh. Hai bên đang tích cực làm việc để thúc đẩy việc này trong thời gian tới”, ông Hưng nói.
Để hoàn thành kế hoạch đề ra cho cả năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, trong hai quý còn lại, từng bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, tình hình và những giải pháp đề ra để có những biện pháp phù hợp thực hiện 9 giải pháp đầu năm Chính phủ đề ra. Đồng thời, phải có sự phối hợp đồng bộ để vượt qua những khó khăn trên từng lĩnh vực.