Dự báo của ANZ về giá dầu trong năm 2015 ra sao, thưa ông?
Giá dầu hiện đã chạm đáy và sẽ đi dần lên, đạt mức 50 USD/thùng trong nửa đầu năm nay và tăng lên 60 USD/thùng trong 6 tháng cuối năm. Chúng tôi dự báo, giá dầu sẽ tăng trong nửa cuối năm 2015 vì sau giai đoạn giá dầu tăng, người tiêu dùng đã có cách để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và tự tin hơn trong việc nâng cao mức cầu từ phía người tiêu dùng.
Một yếu tố khác rất quan trọng tác động tích cực đến giá dầu thế giới, đó là sức cầu của nền kinh tế Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong năm 2015 dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ. Đây là nền tảng để kích thích nền kinh tế toàn cầu phục hồi, theo đó, nhu cầu tiêu thụ năng lượng cũng tăng lên.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh chưa đem lại tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam. Ông có cùng quan điểm này?
Tôi cho rằng, quan điểm này xuất phát một phần từ việc nhiều người dân, doanh nghiệp có tâm lý không chắc chắn lắm về sự phục hồi của nền kinh tế. Do vậy, nhiều DN vẫn ngại ngần đầu tư vào sản xuất – kinh doanh.
Tương tự với hành vi của hộ gia đình, thay vì giá dầu giảm làm thu nhập khả dụng tăng lên, nhưng chưa thấy thể hiện doanh thu bán lẻ tăng mạnh hẳn lên. Người dân vẫn chưa chi tiêu nhiều, mà vẫn tập trung vào tiết kiệm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong tương lai, Việt Nam cần nhập khẩu dầu thô để tăng dự trữ. Ông có bình luận gì?
Về lâu dài, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu dầu thô, chứ không phải xuất khẩu, bởi xu hướng tiêu dùng tăng lên và không đi sát với tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất công nghiệp. Hiện tại, công suất khai thác dầu thô của Việt Nam ở mức cao, dự trữ dầu ở mức 4,4 tỷ thùng, nhưng công suất lọc dầu chưa đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ ở trong nước. Do vậy, sản phẩm dầu qua tinh chế rồi vẫn phải tiếp tục xuất khẩu, đối với dầu thô Việt Nam sản xuất ra sẽ phải cung cấp cho các nhà máy mà Việt Nam tiếp tục đầu tư vào trong thời gian tới.
Một mặt dự trữ dầu vào giai đoạn giá dầu đang thấp như thế này sẽ có chi phí rẻ hơn, có lợi hơn, nên xây dựng chiến lược dự trữ dầu cho quốc gia là điều nên làm. Nhưng cũng phải nhìn theo xu hướng của giá dầu để mà nhận định rằng không nên bắt đầu dự trữ dầu quá nhanh, quá gấp gáp, vì như vậy tạo ra nhu cầu khiên cưỡng. Từ đó, đẩy giá dầu lên cao hơn, ngoài ra có thể ảnh hưởng đến cán cân thương mại nói chung.
Chính sách tối ưu với Việt Nam là nên tăng cường đầu tư để nâng công suất lọc dầu, để cho các cơ sở lọc dầu hoạt động hiệu quả và tận dụng tốt hơn lượng dự trữ dầu hiện tại.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của thế giới trong dự trữ dầu ở giá thấp?
Có những nền kinh tế đã áp dụng biện pháp tăng dự trữ dầu lửa vì coi đây là chiến lược quan trọng của nền kinh tế. Một trong các quốc gia tăng dự trữ mạnh là Trung Quốc, nhưng họ cũng chưa dùng nhiều đến đó. Khi Trung Quốc bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, giá dầu biến động rất mạnh, nên chính phủ nước này tăng dự trữ dầu chiến lược.
Nhưng Việt Nam đang ở giai đoạn khác, bối cảnh cũng khác so với Trung Quốc khi họ bắt đầu dự trữ dầu cho mình. Giá dầu giảm ở Việt Nam cũng như xu hướng thế giới không phải là giảm mạnh rồi lại tăng mạnh, mà là tạo ra mặt bằng ổn định mới ở mức thấp. Chúng tôi cho rằng, trong 12 tháng tới, giá dầu sẽ không có sự tăng vọt, nên Việt Nam không cần phải vội vàng tính tới việc tăng dự trữ dầu.