Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, kết quả khảo sát CAMS 2014 cho thấy, chỉ có 29% người được khảo sát cho biết tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong 5 năm qua là nhanh, trong khi có tới 36% cho biết tốc độ này là chậm/rất chậm.
Trong đó, các cơ quan Trung ương là nhóm có tỷ lệ cho rằng tốc độ chuyển đổi nhanh cao nhất (36%), tiếp theo là nhóm DNNN (34%), UBND và các sở ngành. Ở tiêu chí ngược lại, nhóm đánh giá tốc độ chuyển đổi chậm, cao nhất cũng đến từ các cơ quan ở Trung ương (50%), các đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam (48%), các cơ quan báo chí (46%), tổ chức nghiên cứu giảng dạy (43%).
Theo ông Tuấn, kết quả điều tra trên cho thấy một xu hướng đáng ngại là một số nhóm như các cơ quan ở Trung ương, UBND và sở ngành cấp tỉnh dường như hài lòng hơn về nền kinh tế hiện nay so với các nhóm khác, khi đồng tình cho rằng nền kinh tế Việt Nam về cơ bản đã là nền kinh tế thị trường.
“Có thể những người ở 2 nhóm này có cách hiểu về kinh tế thị trường căn cứ vào các nghị quyết và văn bản đưa ra và chính họ có thể là người tham gia vào việc xây dựng các văn bản đó. Nếu căn cứ vào văn bản, thì thấy khá rõ những nguyên tắc của kinh tế thị trường đã được xác lập”, ông Tuấn lý giải và cho rằng, hệ quả đáng lo ngại là nếu chính những nhà hoạch định chính sách cho rằng hiện trạng kinh tế thị trường hiện nay là tốt, thì có lẽ họ sẽ không thấy có nhu cầu thúc đẩy cải cách như chính các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước đưa ra.
“Những người nhìn từ thực tiễn như DN hoặc giới học thuật có nhận định khác, khi tỷ lệ cho rằng nền kinh tế Việt Nam hiện nay về cơ bản là kinh tế nhà nước cao hơn tỷ lệ cho rằng Việt Nam đã có kinh tế thị trường. Làm sao thu hẹp khoảng cách trong các nhóm này là điều quan trọng. Nói cách khác, những ý tưởng, chủ trương chính sách hiện có cần đi vào cuộc sống thông qua việc hoàn thiện kinh tế thị trường theo hướng thị trường hơn, tốt hơn”, ông Tuấn nhận xét.
Đồng quan điểm, TS. Trần Hữu Huỳnh, Trung tâm Trọng tài Quốc tế cho rằng, thực tế cho thấy vẫn tồn tại sự khác biệt trong nhận thức về cải cách giữa lực lượng làm và thực thi chính sách, từ đó dẫn tới những khoảng cách từ việc ban hành và thực tế thực hiện.
Đáng lo ngại là những thay đổi trong nhận thức và tư duy của lực lượng làm chính sách thậm chí chậm hơn so với đội ngũ thực thi khiến khoảng cách này đang ngày càng tăng. Điều này cũng lý giải nguyên nhân tại sao tính lưỡng thể trong mô hình kinh tế thị trường tại Việt Nam ngày càng có xu hướng gia tăng khi đa số người dân, thậm chí cả các DN tuy ủng hộ nền kinh tế thị trường song vẫn muốn có bàn tay can thiệp của Nhà nước để đảm bảo ổn định thị trường.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế thị trường, Ban Kinh tế Trung ương thừa nhận tình trạng này là có thực và cho rằng, điều này đã phản ánh một thực tế là những nút thắt thể chế vẫn đang tồn tại, gây cản trở quá trình phát triển, làm méo mó cơ chế phân bổ của thị trường.
“Điều này dẫn tới môi trường kinh doanh chưa thực sự công bằng, chưa tạo được sự cạnh tranh lành mạnh; giá cả hàng hóa, dịch vụ chưa vận hành theo cơ chế thị trường, vẫn còn trình trạng bao cấp, bù giá chéo; DNNN làm ăn chưa hiệu quả, chưa thể hiện vai trò chủ đạo; DN tư nhân chưa phát triển được, kinh tế tập thể còn yếu kém, chuyển giao công nghệ quản trị từ thu hút FDI chưa đạt được như kỳ vọng, ngược lại hiện tượng chuyển giá trốn thuế lại có xu hướng ngày càng tăng, quy mô thị trường còn hạn chế, chính sách an sinh xã hội còn chồng chéo, chưa hiệu quả”, ông Hùng phân tích.
Theo ông Hùng, nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ thực tế là việc hoàn thiện thể chế còn gặp nhiều khó khăn do trong quá trình chuyển đổi, nhận thức về nội hàm kinh tế thị trường còn chưa rõ, thực hiện còn thiếu nhất quán và thiếu đột phá.
Để gỡ được nút thắt này, cần phải đổi mới tư duy nhận thức về kinh tế thị trường của lực lượng làm chính sách cũng như nhận thức về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, trong đó các chủ thể cạnh tranh bình đẳng, giá cả vận hành theo quan hệ cung cầu, Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo, tạo ra thể chế công bằng và sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế tham gia, mà không can thiệp sâu vào thị trường.
Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò chủ thể của đội ngũ DN trong phát triển kinh tế, đồng thời thực hiện xây dựng và chỉnh đốn đội ngũ cán bộ nhà nước các cấp trong sạch, có nhận thức và tư duy đồng bộ, nhất quán về công cuộc cải cách để đảm bảo việc triển khai thực hiện được nhanh và mạnh như kỳ vọng của xã hội, thị trường và cộng đồng DN.
Xu hướng can thiệp hành chính của nhà nước dường như đang mạnh hơn Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Vẫn có những nhóm can thiệp vào thị trường, làm thị trường vận hành không bình thường, trong khi có lực lượng khác muốn đẩy yếu tố nhà nước nhiều hơn. Lực lượng cản trở hay thúc đẩy thị trường là 2 vế của một mệnh đề giải thích tại sao việc tiến lên kinh tế thị trường của Việt Nam thời gian qua vẫn rất chậm. Tôi cho rằng, hiện nay xu hướng can thiệp hành chính của Nhà nước dường như đang mạnh hơn trong khi yếu tố thị trường giảm đi.
Hệ quả là DN suy yếu, môi trường kinh doanh ngày càng giảm tính hấp dẫn, hệ thống thể chế không tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, vẫn tồn tại cơ chế xin - cho, khiến kinh tế thị trường khó phát triển.
Nguyên nhân là do cách nhận thức về kinh tế thị trường chưa theo nguyên tắc và công thức kinh tế thị trường; chưa hoàn thiện cơ chế giúp thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển. Hai là việc đẩy mạnh cải cách là gắn với thay đổi động cơ và quyền lợi của các nhóm lợi ích. |
Cơ chế đảm bảo cho sự cạnh tranh bình đẳng còn thiếu Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW
Tiến trình cải cách hiện nay khó hơn nhiều so với cải cách năm 1986, do cải cách lần này là từ trên xuống để thị trường vận hành tốt hơn và chuyển sang cấp độ cao hơn. Vì thế, Nhà nước phải thay đổi, chủ yếu là thay đổi vai trò của Nhà nước về chức năng, cách thức quản lý; thay đổi năng lực bộ máy nhà nước, có vậy thị trường phát triển mới không bị méo mó.
Điểm khác nữa là cải cách năm 1986 bắt nguồn từ việc DNNN đi tiên phong, thuyết phục Chính phủ đi theo cải cách, song hiện nay thì ngược lại, Chính phủ thấy bắt buộc phải cải cách, nhưng DNNN chưa muốn cải cách mạnh, do vẫn nhận được những lợi ích.
Bên cạnh đó, trong 2 yếu tố cải cách quan trọng thuộc về phía Nhà nước là sở hữu và cạnh tranh công bằng bình đẳng đều có nhiều khó khăn. Đối với yếu tố cạnh tranh, hiện nay gia nhập thị trường của ta tốt, song cơ chế đảm bảo vận hành và đảm bảo cho sự cạnh tranh công bằng còn thiếu. Còn về sở hữu, hiện quá trình chuyển đổi sở hữu công sang sở hữu tư vẫn chưa hoàn thành do chưa dứt khoát chuyển đổi sang kinh tế thị trường, có tài sản vẫn giữ chủ đạo của Nhà nước, trong khi kinh tế thị trường phải dựa trên nền tảng chuyển đổi sở hữu. Do đó, cải cách giai đoạn này không hề dễ dàng. |
Cần quyết tâm cải cách đồng bộ Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI Cảm nhận của người dân và Chính phủ về cải cách là cùng một hướng. Việc Chính phủ thực hiện được cam kết của mình là điều người dân và cộng đồng DN trông đợi, nhưng thực tế chuyển biến đang ngày càng chậm hơn so với kỳ vọng. Tiến trình hội nhập đang ngày càng diễn ra sâu và rộng, đòi hỏi cần đẩy mạnh cải cách theo chuẩn mực mới. Do đó, phải có quyết tâm chính trị cải cách từ trên xuống và áp chuẩn mực toàn cầu vào cải cách trong nước. Kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI mới đây thể hiện sự chững lại của những địa phương có tốc độ cải cách hàng đầu. Điều này cho thấy cải cách ở cấp trên chưa đủ, cần thống nhất trung tâm cải cách là Chính phủ và bộ máy nhà nước, tiếp đến cải cách đồng bộ với bộ máy các cấp từ trung ương đến địa phương, đồng thời với việc tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triến, tăng cường chuyển giao dịch vụ công của Nhà nước sang các tổ chức xã hội và dân sự. Cần tin hơn ở tín hiệu thị trường và thúc đẩy thị trường phát triển, xây dựng nhà nước kiến tạo, nhờ đó nền kinh tế thị trường được nâng cấp sẽ thoát khỏi tình trạng lưỡng thể. |