Bị cáo Đinh La Thăng không đồng tình với toàn bộ ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát. Theo bị cáo Thăng, phần lớn nội dung của đại diện Viện Kiểm sát đã nêu tại phiên tòa sơ thẩm, chỉ có một số điểm mới, các nhận định thiếu căn cứ, không đúng với diễn biến phiên tòa, mang tính quy chụp không công bằng, không khách quan.
Bị cáo Đinh La Thăng đề nghị HĐXX xem xét vụ án trong bối cảnh 10 năm trước đây, thực hiện chủ trương phát triển tập đoàn đa ngành, PVN được đầu tư tài chính. Nhưng do chính sách thay đổi để kiềm chế lạm phát, PVN đã nghiêm túc thực hiện dẫn đến hệ lụy chi phí đã đầu tư lập ngân hàng quy mô vốn 5.000 tỷ đồng, bộ máy mấy trăm người phải được giải quyết.
Với trách nhiệm người đứng đầu bị cáo và tập thể HĐQT có trách nhiệm giải quyết.
“Việc này không thể tách rời, cắt lát để tìm ra lỗi mang tính thủ tục” – bị cáo Đinh La Thăng nói.
Bị cáo Đinh La Thăng ví von với trận bóng đá, lỗi chạm tay có vô tình, có cố tình và cho rằng, bị cáo không cố tình. Việc PVN đầu tư vào Oceanbank là đúng chủ trương, đúng pháp luật, được sự đồng ý của Thủ tướng bằng văn bản trước khi thực hiện. Dù có quy định Tập đoàn được chủ động đầu tư vào ngân hàng ở tỷ lệ nhất định thì Tập đoàn vẫn xin phép Thủ tướng.
Việc đầu tư có hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho Tập đoàn, cho Nhà nước trong 5 năm liền từ 2009 – 2013.
“Đại diện Viện Kiểm sát nói là tiền ảo, tôi không đồng tình. Đây là tiền thật, vào tài khoản của PVN” – bị cáo Đinh La Thăng nói.
Theo bị cáo Thăng, Tập đoàn đã nỗ lực tìm đối tác theo đề án thoái vốn. Đầu tiên đồng ý sau nửa tháng thì lại không đồng ý mới dẫn đến việc Tập đoàn không thu hồi được số vốn đầu tư.
"Đề nghị Viện Kiêm sát xem xét trách nhiệm của tôi, tôi đã chuyển công tác từ tháng 8/2011. Khi đó, mọi việc đều tốt đẹp. Cổ tức được chia đến hết 2013. Năm 2011, Ngân hàng Nhà nước vẫn đánh giá Oceanbank là ngân hàng loại A. Rồi năm 2013 là loại B. Đánh giá là thật, công khai, không có ảo gì ở đây", bị cáo Thăng nói.
Theo bị cáo Thăng, việc ký thỏa thuận 6934 về việc góp vốn, đây không phải quyết định đầu tư.
"Tôi ký đúng thẩm quyền với tư cách Chủ tịch HĐQT, đại diện cho PVN. Đây là kết quả sau thời gian nỗ lực tìm kiếm đối tác với nhiều tiêu chí như mua với giá 1 chấm, tiếp nhận toàn bộ số nhân sự, đầu tư có hiệu quả. Trong thỏa thuận có ghi rõ, 2 bên có trách nhiệm phối hợp báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện.
Sau đó 30/9/2008 tôi tổ chức cuộc họp HĐQT thì mọi người đều thống nhất ý kiến để ban hành.
Lẽ ra nỗ lực cố gắng của tôi và tập thể phải được khen, đánh giá cao thì lại coi đây là căn cứ để buộc tội tôi".
Theo bị cáo thăng, công văn của Bộ Tài chính chỉ là công văn trả lời hỏi của Văn phòng Chính phủ không thể coi là công văn xuyên suốt quá trình hoạt động của PVN. Văn phòng Chính phủ tập hợp các công văn trả lời của các bộ rồi xem xét ra ý kiến thì không có yêu cầu này.
Bản án sơ thẩm nhận định bị cáo Đinh La Thăng với tư cách Chủ tịch HĐQT PVN đã ký Thỏa thuận số 6934 ngày 18/9/2008 về việc tham gia góp vốn vào Oceanbank nhưng không thông qua HĐQT PVN. Bị cáo Thăng đã quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.
Bị cáo Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của Oceanbank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank.
Đến thời điểm ngày 1/1/2011, Luật Các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”, bị cáo Đinh La Thăng vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của PVN tại Oceanbank là 20%.
Hậu quả toàn bộ số 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông Oceanbank trong đó có PVN.
Hành vi cố ý làm trái nêu trên của Đinh La Thăng đã vi phạm quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN, Quy chế quản lý tài chính Công ty mẹ - PVN, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hành vi của bị cáo đã gây hậu quả thiệt hại cho PVN tổng số tiền là 800 tỷ đồng.