Bị cáo Đinh La Thăng đã đề nghị HĐXX xét xử xem xét công tâm khách quan, xem xét lại cả tội danh, hình phạt, trách nhiệm dân sự mà theo bị cáo là rất bất công và vô lý.
“Nằm trong 4 bức tường bê tông trong cái nắng 40 độ thật là khủng khiếp” – bị cáo Đinh La Thăng nói thêm.
Bản án sơ thẩm nhận định bị cáo Đinh La Thăng, với vị trí Chủ tịch HĐQT PVN đã có hành vi ký Thỏa thuận 6934 ngày 18/9/2008 về việc góp vốn Oceanbank nhưng không thông qua HĐQT; dù biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank. Bị cáo ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.
Sau khi thực hiện việc góp vốn, bị cáo không chỉ đạo cho người đại diện phần vốn có cơ chế kiểm tra, giám sát riêng cho người đại diện phần vốn để đánh giá thực trạng hoạt động tài chính tại Oceanbank, mà chỉ căn cứ vào BCTC hàng năm của ngân hàng. Do vậy, PVN đã không phát hiện những sai phạm trong hoạt động tín dụng của Oceanbank.
Những sai phạm này dẫn đến hậu quả mất vốn chủ sở hữu, âm vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước đã phải mua bắt buộc toàn bộ vốn góp của các cổ đông của Oceanbank trong đó có PVN.
Trình bày kháng cáo trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng bản án sơ thẩm đã không xem xét đến việc điều lệ của PVN có quy định được tham gia đầu tư tài chính vào ngân hàng. Thực tế việc góp vốn được thực hiện sau khi có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
Theo bị cáo Thăng bản án sơ thẩm không xem xét thực tế việc tăng vốn của Oceanbank, không xem xét đến việc chỉ đến năm 2015 NHNN mới có văn bản hướng dẫn cho phép thoái vốn đối với cổ đông chiếm trên 15% cổ phần của ngân hàng.
Thực tế, PVN đã tìm được đối tác để thoái vốn với giá không bị lỗ. Việc Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc ngân hàng Oceanbank là không đúng pháp luật.
“Bị cáo và các luật sư đã nêu vấn đề này ra nhưng không được cấp sơ thẩm xem xét. Kể cả các văn bản đề nghị xin mua lại cổ phần của 2 công ty Singapore” – bị cáo Thăng nói.
Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng bản án sơ thẩm đã phủ nhận hiệu quả góp vốn - 244 tỷ đồng cổ tức. Số tiền 100 tỷ đồng góp vốn lần thứ 3 được lấy từ chính nguồn cổ tức này.
Tháng 8/2011, bị cáo đã chuyển khỏi PVN. Năm 2011 Ngân hàng Nhà nước vẫn đánh giá Oceanbank là loại A, đến năm 2013 là loại B. Vì vậy tôi không thể phải chịu trách nhiệm hình sự, dân sự 600 tỷ đồng khi tôi đã rời khỏi PVN và khi việc đầu tư có hiệu quả, đúng chủ trương.
Trong khi trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng việc ký một số văn bản, quyết định nằm trong tổng thể, không thể chia nhỏ ra. Do đó bị cáo không thể trả lời có hay không và khẳng định việc góp vốn đã có chủ trương rồi.
Bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận có ký văn bản nào đề nghị thủ tướng cho phép Oceanbank tăng vốn điều lệ. Trên thỏa thuận 6934 về việc góp vốn Oceanbank có chũ ký của bị cáo thì đúng là bị cáo ký với tư cách cá nhân. Khi ký không thông qua HĐQT.
Sau đó, HĐQT PVN có họp ngày 30/9/2008 và ra Nghị quyết thông qua việc góp vốn.
Trong các văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, có đề xuất cho phép được chuyển cổ phần vốn góp thành lập Ngân hàng Hồng Việt sang Oceanbank…
HĐXX đã hỏi bị cáo Đinh La Thăng, khi ký Nghị quyết HĐQT, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chưa? Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng việc này nằm trong tổng thể, không thể chia nhỏ. Do đó bị cáo không thể trả lời có hay không có.
Đối với văn bản 12144 của Bộ Tài chính yêu cầu xem xét lại số liệu, tài liệu về tình hình tài chính của Oceanbank, bị cáo Thăng cho biết hàng ngày PVN nhận được rất nhiều văn bản nên bị cáo không nhớ có nhận được không.
Toàn bộ phần góp vốn bị cáo Thăng đề nghị khi chuyển sang phần tranh luận sẽ trình bày tiếp bởi toàn bộ phần góp vốn vào Oceanbank đều được sự đồng ý của Thủ tướng. Nếu cứ chẻ nhỏ ra như này để xem cái nào có trước, cái nào sau, cái nào đúng, cái nào sai thì bị cáo trả lời lại là buộc tội chính bị cáo.