Từ Angkor Wat,Tháp Eiffel…
Khu đền Angkor Wat được xem là tuyệt đỉnh nghệ thuật và kiến trúc Khmer của người Campuchia, được công nhận là Di sản thế giới UNESCO năm 1992. Để khai thác hiệu quả di sản này, Angkor Wat được giao cho Công ty Sokha Hotel (Tập đoàn Sokimex) quản lý từ năm 1999.
Sau khi nhận nhượng quyền, Sokha Hotel đã đầu tư những dịch vụ giải trí nhằm thu hút khách du lịch như: Khinh khí cầu Angkor tại độ cao 200 m, Khách sạn Sokha Angkor (với mức vốn 25 triệu USD), tăng cường công tác quản lý, kiểm soát an ninh cho khách du lịch. Và kể từ đó, khách du lịch đến Angkor Wat và Campuchia tăng vọt, từ mức doanh thu bán vé vài trăm nghìn USD, dưới sự quản lý của Sokha Hotel, mỗi năm Ankor Wat mang về nguồn thu hàng triệu USD và đến nay đã đạt mức 3-4 triệu USD/tháng.
Còn Tháp Eiffel là biểu tượng của kinh đô ánh sáng Paris (Pháp), một công trình xây dựng nổi tiếng thu hút du khách số một thế giới. Tòa thị chính Paris đã trao quyền quản lý công trình này cho Công ty SETE (Société d’Exploitation de la Tour Eiffel). Theo thông tin từ trang web của SETE, cơ chế nhượng quyền khá đơn giản theo hình thức công ty quản lý sẽ trả phí đặc quyền cho TP. Paris hàng năm.
Ngoài ra, còn rất nhiều mô hình PPP quản lý di sản du lịch thành công trên thế giới mang lại sự phát triển bền vững cho di sản và hiệu quả cao cho xã hội như Jal Mahal (Ấn Độ). Như vậy, việc giao cho một hay nhiều công ty tư nhân quản lý và điều hành các dự án hay dịch vụ công cộng là việc làm bình thường ở nhiều nước trên thế giới.
Mặt khác, việc tham gia của các cá nhân và của cộng đồng doanh nghiệp vào khai thác dịch vụ di sản là cần thiết. Bởi ngân sách của Trung ương cũng như địa phương của nhiều nước trên thế giới thường eo hẹp, chủ yếu dựa vào nguồn thu từ thuế của dân, doanh nghiệp và chỉ đủ để phục vụ những hoạt động công ích xã hội.
Theo GS. Hà Tôn Vinh, Chủ tịch Công ty Stellar Management Corp, chính phủ các nước thường kêu gọi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham dự và kinh doanh trong các dự án công hay của nhà nước như sân bay, cầu cảng, xa lộ, cơ sở hạ tầng, danh lam thắng cảnh, bưu chính viễn thông, để tránh việc nhà nước phải tăng biên chế, số lao động, tăng ngân sách để quản lý các công trình hay dự án này. Đặc biệt, sau khi các dự án kết thúc, số lao động dư dôi sẽ rất lớn và kéo theo nhiều hệ lụy tài chính mà ngân sách nhà nước không đủ chi trả.
Đến Vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long là món quà của Thượng đế ban tặng cho Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng và là một kỳ quan thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Việc bảo tồn và phát triển di sản là trách nhiệm của Nhà nước và của cộng đồng. Trong những năm qua, tỉnh này đã làm rất nhiều việc để phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long, nhưng kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Có một thực tế là thời gian khách lưu trú ở Hạ Long rất ngắn, chi tiêu bình quân trên khách du lịch khoảng 30 - 50 USD. Đặc biệt, tỷ lệ khách quay lại rất thấp; vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường kinh doanh lành mạnh còn nhiều điểm đáng bàn…
Tháng 8/2012, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thành lập tổ xây dựng Đề án Tăng cường quản lý và khai thác dịch vụ trên Vịnh Hạ Long. Theo đó, tỉnh chủ trương xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thu từ phí Vịnh Hạ Long; giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trên cơ sở các nghiên cứu đầu tư và phát triển du lịch Quảng Ninh của tỉnh, Bitexco đã tiến hành nghiên cứu sơ bộ và báo cáo ý tưởng lần thứ nhất với tỉnh Quảng Ninh vào ngày 22/7/2014 vừa qua. Sau đó không lâu, Tập đoàn Tuần Châu cũng đề xuất ý tưởng với tỉnh Quảng Ninh.
Việc hai tập đoàn cùng đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc nhượng quyền quản lý du lịch Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long trong 50 năm đang được tỉnh xem xét bước đầu, nhưng đã nhận được sự quan tâm của giới đầu tư và người dân. Trong đó, mỗi tập đoàn đều đưa ra những ý tưởng “chào hàng” của mình.
Chẳng hạn, Tập đoàn Bitexco đề xuất được giao quyền quản lý di sản - kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long trong 50 năm. Theo đó, Bitexco đề xuất phí nhượng quyền 3 năm đầu là 90 tỷ đồng, 3 năm tiếp theo là 130 tỷ đồng, sau đó là 160 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng được chia lại cho tỉnh Quảng Ninh theo tỷ lệ sau 3 năm đầu là 20%, 6 năm tiếp theo là 30% và sau 10 năm là 50%.
Tuy nhiên, đề xuất trên vấp phải sự phản kháng của dư luận, đặc biệt là về thời gian nhượng quyền 50 năm là quá dài. Theo nguồn tin từ Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA Quảng Ninh), lý do để Bitexco đề xuất thời gian này là việc phát triển du lịch Vịnh Hạ Long bền vững, với mục tiêu tạo dựng một thương hiệu đẳng cấp quốc tế, đặt ra yêu cầu về lập quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Vịnh với tầm nhìn dài hạn lên đến 20-30 năm. Việc lập quy hoạch sẽ phải đi kèm với kế hoạch triển khai theo phân kỳ, đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian thu hồi vốn dài.
Thực tế, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu áp dụng thời gian hợp đồng ngắn (khoảng 10 năm), nhà đầu tư tư nhân sẽ có xu hướng tận dụng tối đa cơ hội khai thác di sản để thu hồi vốn và tối đa hóa lợi nhuận. Vì vậy, sẽ làm suy giảm giá trị và ảnh hưởng bất lợi đến phát triển bền vững và bảo tồn di sản.
Còn Bitexco thì cho rằng, công tác quản lý về bảo tồn vẫn do Nhà nước đảm nhận, đồng thời có được Quỹ Bảo tồn di sản Vịnh để thực hiện nhiệm vụ này. Việc tách bạch công tác bảo tồn và công tác kinh doanh sẽ tăng cường chức năng quản lý nhà nước, tránh xung đột lợi ích khi chỉ có 1 bên duy nhất chịu trách nhiệm thực hiện cả hai chức năng này.
Liên quan đến vấn đề này, GS. Hà Tôn Vinh cho hay, việc 2 tập đoàn Bitexco và Tuần Châu cùng mạnh dạn đề xuất quản lý Vịnh Hạ Long là tín hiệu tốt, phù hợp với trào lưu và kinh nghiệm thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, để quản lý được một danh thắng mang tầm thế giới như Vịnh Hạ Long, cần phải quan tâm và mời gọi sự tham gia và đóng góp ý kiến phản biện của 4 thành phần, như Nhà nước, nhà quản lý điều hành tư nhân, cộng đồng xã hội, các tổ chức công nhận và bảo vệ Vịnh Hạ Long như UNESCO. Họ là những thành phần trực tiếp ảnh hưởng đến sự thành bại của dự án này.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh hay Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cần phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của thành phần quan trọng này. Doanh nghiệp quản lý điều hành phải được sàng lọc và lựa chọn dựa trên nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý khai thác du lịch, có cơ sở hạ tầng, tầm nhìn thế giới, nhất là phương án kinh doanh phù hợp và đặc thù cho Vịnh Hạ Long.
Các tổ chức xã hội, các nhóm bảo vệ quyền lợi của cộng đồng, khách du lịch phải được tham khảo và có tiếng nói quan trọng, vì sự tham gia của họ bảo đảm cho sự thành công của dự án. Ngoài ra, Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận và nhiều tổ chức thế giới ủng hộ, nên nhất thiết phải có sự tham gia cố vấn và phản biện của họ.
Theo ông Vinh, tỉnh Quảng Ninh có thể tham khảo UNESCO, mời gọi các tổ chức du lịch thế giới hay các nhà quản lý uy tín trên thế giới giúp đưa ra những tiêu chí chọn lựa nhà quản lý điều hành phù hợp với nhu cầu và đòi hỏi của 4 thành phần nêu trên. Khi có các tiêu chí rõ rệt, các mục tiêu hành động cụ thể, việc chọn lựa nhà quản lý Vịnh Hạ Long sẽ không còn là vấn đề khó khăn.