Từ 1/1/2016, DN bảo hiểm phải “tách” rõ nguồn tiền

(ĐTCK) Để tránh tình trạng DN bảo hiểm phi nhân thọ “mập mờ” giữa tiền phí bảo hiểm của khách hàng và vốn chủ sở hữu, Bộ Tài chính đã ban hành quy định mới về việc tách bạch giữa quỹ vốn chủ sở hữu và quỹ chủ hợp đồng, tương tự như tại các DN bảo hiểm nhân thọ.
Các DN sẽ phải thay đổi về phần mềm kế toán để phù hợp quy định mới Các DN sẽ phải thay đổi về phần mềm kế toán để phù hợp quy định mới

Công cụ bảo vệ người mua bảo hiểm

Cụ thể, theo Thông tư 194/2014 của Bộ Tài chính, từ ngày 1/1/2016, DN bảo hiểm phi nhân thọ phải tách riêng nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm thu được của bên mua bảo hiểm (gọi tắt là quỹ chủ sở hữu và quỹ chủ hợp đồng). DN bảo hiểm phi nhân thọ phải theo dõi riêng doanh thu, chi phí từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo từng nghiệp vụ bảo hiểm; ghi nhận, theo dõi riêng tài sản đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu và tài sản đầu tư từ nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ; theo dõi riêng doanh thu, chi phí hoạt động tài chính liên quan đến tài sản đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu và tài sản đầu tư từ nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ.

Doanh thu, chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động nào của DN thì được ghi nhận trực tiếp cho hoạt động đó. Các khoản doanh thu, chi phí chung phải được phân bổ theo nguyên tắc hợp lý, nhất quán. Định kỳ hàng quý, DN bảo hiểm phải báo cáo Bộ Tài chính việc tách quỹ này.

Việc tách quỹ này, theo Bộ Tài chính, ngoài đáp ứng đặc thù riêng của ngành bảo hiểm thì còn nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Đó là phí bảo hiểm thu được phải để hình thành nên quỹ bảo hiểm, dự phòng bồi thường khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, chứ không phải thuộc sở hữu chung của DN bảo hiểm. Quy định này cũng phần nào giống việc tách biệt tiền gửi của nhà đầu tư tại khối công ty chứng khoán, để tránh tình trạng công ty chứng khoán chiếm dụng tiền của nhà đầu tư.

Trên thực tế, vài năm trở lại đây, trong khi đa số DN bảo hiểm phi nhân thọ đảm bảo chỉ tiêu an toàn vốn thì vẫn có 2 DN không đảm bảo chỉ tiêu này. Trong đó, một DN đã đầu tư tới 210 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu vào một dự án từ năm 2010, nhưng đến nay chưa thu hồi được vốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của Công ty, không đảm bảo biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định, buộc Bộ Tài chính phải “mạnh tay” xử lý. 

DN bảo hiểm rốt ráo chuẩn bị áp dụng

Chia sẻ với ĐTCK, các DN bảo hiểm đồng tình với việc Thông tư 194 có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, nhưng thời hạn áp dụng tách quỹ được giãn gần 1 năm (1/1/2016), để các DN bảo hiểm có đủ thời gian chuẩn bị. Bởi quy định tách quỹ sẽ kéo theo sửa đổi chế độ kế toán DN bảo hiểm hiện hành (theo Thông tư 232/2012/TT-BTC) và phần mềm kế toán DN bảo hiểm.

“Vừa phải tách quỹ, DN bảo hiểm vừa phải tách chi phí cho từng hợp đồng bảo hiểm khai thác được theo từng nghiệp vụ bảo hiểm. Chúng tôi phải thay đổi về cách hạch toán, nhất là các chi phí trả trước (thực hiện trong năm nhưng phân bổ vào nhiều năm như đào tạo cán bộ nhân viên, đại lý bảo hiểm, quảng cáo, tiếp thị, xây dựng cơ sở dữ liệu…). Hiện DN đang rốt ráo chuẩn bị hạ tầng công nghệ, con người cho việc áp dụng quy định này”, đại diện một DN cho biết.

Bên lề buổi tập huấn áp dụng Thông tư 194/2014 mới đây, các DN bảo hiểm cũng bày tỏ một số băn khoăn liên quan đến hạch toán kế toán khi tiến hành tách quỹ chủ sở hữu và quỹ chủ hợp đồng. Chẳng hạn, chi phí nhượng tái bảo hiểm sử dụng quỹ của chủ hợp đồng bảo hiểm là chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm hay là chi phí của chủ hợp đồng bảo hiểm, hoặc vẫn phải theo dõi trong quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm do vẫn liên quan khi đòi bồi thường nhà nhận tái bảo hiểm?

Liên quan đến phân bổ hoa hồng nhượng tái bảo hiểm, có DN băn khoăn không rõ phân bổ chi phí theo phí gốc hay phí giữ lại; nhận tái bảo hiểm và chi hoa hồng nhận tái bảo hiểm được hạch toán ra sao khi nội dung này không thuộc quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm.    

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục