TTCK 2021: Năm bản lề với hệ thống luật mới

(ĐTCK) Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2021 là năm bản lề thị trường chứng khoán hoạt động trên nền tảng hệ thống văn bản pháp lý mới, kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán.

Bà đánh giá Luật Chứng khoán mới và hệ thống các văn bản hướng dẫn sẽ có tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2021?

bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trên cơ sở Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, Bộ Tài chính trong năm 2020 đã triển khai xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn bao gồm 3 nghị định và 11 thông tư. Đến nay, toàn bộ các văn bản này đã được ban hành và phần lớn có hiệu lực áp dụng ngay từ đầu năm 2021, góp phần tạo dựng hành lang pháp lý chuẩn hóa, theo hướng chặt chẽ, tích cực hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hệ thống văn bản pháp lý mới sẽ có tác động tích cực tới TTCK, tập trung vào một số nhóm vấn đề sau.

Thứ nhất, thúc đẩy nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Việc nâng cao điều kiện trở thành công ty đại chúng, quy định chặt chẽ hơn về hoạt động chào bán, phát hành chứng khoán, chào mua công khai, niêm yết chứng khoán, công bố thông tin, quản trị công ty… sẽ thúc đẩy mục tiêu tạo ra một thị trường hàng hóa chất lượng, công khai, minh bạch và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, việc phân chia các mảng thị trường cũng sẽ thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm thông qua việc chọn lọc và phân bảng các loại cổ phiếu niêm yết, xây dựng các bộ chỉ số mới tương ứng với các mảng thị trường, phát triển và giới thiệu các sản phẩm phái sinh mới trên nền tảng sự phát triển của thị trường cổ phiếu cơ sở, các loại chứng quyền có bảo đảm, sản phẩm chứng chỉ lưu ký...

Thứ hai, thay đổi mô hình tổ chức thị trường và mô hình bù trừ thanh toán theo hướng hiệu quả, hạn chế rủi ro và phù hợp với thông lệ quốc tế. Luật Chứng khoán và các nghị định hướng dẫn đã tạo nền tảng cho sự chuyển đổi mô hình tổ chức thị trường và mô hình thanh toán bù trừ trên TTCK Việt Nam thông qua chuyển đổi mô hình hoạt động của các Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại hai Sở hiện tại (HOSE và HNX) gắn với việc phân chia các mảng thị trường giao dịch gồm cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh... nhằm tập trung phát triển chuyên biệt hơn các loại thị trường, nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh trên trường quốc tế.

Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sẽ được thành lập trên cơ sở chuyển đổi mô hình hoạt động của Trung tâm Lưu ký chứng khoán với việc đưa vào áp dụng mô hình bù trừ, thanh toán đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho cả TTCK cơ sở và TTCK phái sinh để quản trị rủi ro hiệu quả và phù hợp với thông lệ các nước trên thế giới hiện nay.

Thứ ba, tăng cường mở cửa và thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán đã quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room) tại công ty đại chúng theo hướng thống nhất với Luật Đầu tư 2020.

Theo đó, room được mong đợi sẽ mở hơn khi Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư được rút ngắn. Bên cạnh đó, Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về nghĩa vụ đăng ký mã số giao dịch của các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, nghĩa vụ công bố thông tin về sở hữu nước ngoài, tạo điều kiện tiếp cận thông tin tốt hơn cho nhà đầu tư nước ngoài về vấn đề này.

Thứ tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) được bổ sung thẩm quyền trong việc quản lý, giám sát hoạt động của TTCK nhằm đảm bảo thị trường phát triển trật tự, ổn định và bền vững.

Trước bối cảnh phát triển nhanh và sâu rộng của công nghệ tài chính (Fintech) tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng chứa đựng không ít rủi ro, thách thức (đặc biệt là rủi ro đổ vỡ hệ thống, rủi ro mô hình kinh doanh, an ninh mạng…), Luật Chứng khoán mới đã trao thêm thẩm quyền cho UBCK trong hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm…, cho phép UBCK chủ động hơn trong điều hành, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trên TTCK, góp phần đảm bảo thị trường vận hành trật tự, ổn định và phát triển bền vững.

Theo đó, năm 2021 sẽ là năm bản lề TTCK hoạt động trên nền tảng hệ thống văn bản pháp quy mới. Với những sửa đổi, bổ sung theo hướng chặt chẽ , tích cực, hỗ trợ doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, TTCK được dự đoán sẽ duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững.

Trên bình diện toàn cầu, tác động từ đại dịch Covid-19 dự kiến còn kéo dài, căng thẳng thương mại vẫn hiện hữu…, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và chứng khoán Việt Nam. UBCK có giải pháp gì để TTCK vững vàng vượt qua thách thức?

Kinh tế Việt Nam năm 2021 được đánh giá có cơ hội phục hồi cao hơn so với nhiều nước khác nhờ công tác quản lý, kiểm soát tốt dịch Covid-19. Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương góp phần giúp nền kinh tế phục hồi nhanh.

Việt Nam cũng có nhiều khả năng hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí sản xuất thấp. Trong khi đó, Chính phủ tích cực nới lỏng chính sách tiền tệ và thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn đối mặt với nguy cơ lớn từ khả năng đại dịch Covid-19 trên thế giới kéo dài; căng thẳng thương mại toàn cầu dẫn tới bảo hộ thương mại và các rủi ro chính sách; diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và việc thu hút dòng vốn vào TTCK Việt Nam.

Trong bối cảnh trên, đánh giá những mặt tích cực và khó khăn, hạn chế, UBCK đã đề ra một số mục tiêu và giải pháp trọng tâm: Một là, tập trung đưa các quy định chính sách mới của Luật Chứng khoán và văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, thúc đẩy tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách;

Hai là, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021 - 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển TTCK, thị trường vốn về dài hạn;

Ba là, hoàn thiện dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin phục vụ hoạt động giao dịch, thanh toán đảm bảo thị trường hoạt động ổn định, an toàn, trật tự và hỗ trợ triển khai thêm nhiều sản phẩm, nghiệp vụ mới;

Bốn là, đẩy nhanh việc cơ cấu lại TTCK, hoàn thiện bộ máy Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam;

Năm là, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trưởng hợp vi phạm đảm bảo thị trường vận hành ổn định, công khai, minh bạch;

Sáu là, đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo đánh giá của MSCI và FTSE.

Về các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bà có thể chia sẻ cụ thể hơn?

Trong năm 2021, việc Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi cùng có hiệu lực, đang và sẽ tạo ra môi trường đầu tư minh bạch hơn, thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư từ nước ngoài. Với các quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định hướng dẫn cùng với Nghị định 155/2020/NĐ-CP, không gian cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới sẽ được mở rộng hơn.

Cụ thể, tại Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, số lượng ngành, nghề tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được rút ngắn. Cùng với đó, danh mục quy định cụ thể các điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài (trong đó có điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ) trên cơ sở tổng hợp điều ước quốc tế, pháp luật chuyên ngành.

Trong khi đó, Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng theo hướng thống nhất với pháp luật đầu tư; bổ sung các quy định đặc thù về biện pháp kỹ thuật trong ứng xử với các tổ chức có trên 50% vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK (việc đăng ký mã số giao dịch của tổ chức kinh tế), nghĩa vụ công bố thông tin về room tại công ty đại chúng, tạo điều kiện tiếp cận thông tin tốt hơn cho nhà đầu tư ngoại về vấn đề này.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục