Chú trọng đảm bảo an ninh, an toàn trên thị trường
Luật Chứng khoán 2019, có hiệu lực từ 1/1/2021, đã quy định nhiều biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thị trường chứng khoán (TTCK) nhằm tạo cơ chế phòng ngừa, xử lý các rủi ro, sự cố...
Trong đó, Luật bổ sung cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) một số quyền thu thập thông tin nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi bị cấm.
Cụ thể, UBCK có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu đó hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm; yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý hành vi bị cấm.
Đồng thời, Luật quy định trách nhiệm phối hợp trong cung cấp thông tin phục vụ thanh kiểm tra, xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong thực thi các thẩm quyền này, Luật quy định rõ về việc bảo mật thông tin, mục đích sử dụng và trình tự, thủ tục yêu cầu và cung cấp thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng, viễn thông.
Luật Chứng khoán đã sửa đổi các hành vi bị cấm trong lĩnh vực chứng khoán cho phù hợp với Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung hành vi “cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán”.
Điểm đáng chú ý là các quy định mới tại Luật Chứng khoán nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK: mức phạt tiền tối đa đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng như thao túng thị trường, giao dịch nội bộ dựa trên khoản thu trái pháp luật là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức, 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân.
Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại Khoản 4, Điều 132, Luật Chứng khoán thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại Khoản 4, Điều 132 (3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân).
Ngoài việc bị xử phạt bằng tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu toàn bộ số lợi bất hợp pháp có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm và có thể bị áp dụng các biện pháp: cấm tham gia thị trường, cấm huy động vốn, cấm đảm nhận chức vụ…
Với các hành vi vi phạm khác, mức phạt tiền tối đa được nâng lên 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân từ mức hiện tại là 2 tỷ đồng đối với tổ chức và 1 tỷ đồng đối với cá nhân.
Các quy định mới về đảm bảo an ninh, an toàn TTCK, thanh tra, xử lý vi phạm trên TTCK sẽ nâng cao hiệu quả thực thi các quy định của Luật Chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được tăng quyền nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi bị cấm trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, việc bổ sung thẩm quyền thu thập thông tin trong thanh kiểm tra, xử lý vi phạm cũng như quy định chế tài xử phạt nặng, các hình thức xử lý bổ sung làm tăng cường hiệu quả công tác phát hiện, xác minh, chứng minh và xử lý các hành vi lạm dụng thị trường, đặc biệt là thao túng, giao dịch nội bộ; việc nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán sẽ tạo cơ sở quy định mức phạt cao hơn đối với các hành vi mang tính nghiêm trọng, ảnh hưởng tới thị trường, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, từ đó tạo tác dụng răn đe vi phạm.
Các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn TTCK còn giúp cơ quan quản lý có công cụ, biện pháp kịp thời xử lý, ứng phó sự cố đối với thị trường, giảm thiểu tác động, hậu quả; các biện pháp áp dụng đối với cá nhân, tổ chức còn có tác dụng phòng ngừa tái phạm, răn đe các đối tượng thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trên TTCK.
Hiện nay, UBCK đang triển khai xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán, trong đó có Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, Thông tư hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.
Nghị định xử phạt được xây dựng theo hướng kế thừa các quy định hiện hành tại Nghị định 108/2013/NĐ-CP và Nghị định 145/2013/NĐ-CP vẫn còn phù hợp với thực tiễn; sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm mới và chế tài xử phạt cho phù hợp với Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản pháp luật liên quan;
Đảm bảo khả năng bao quát, xử phạt hiệu quả các hành vi vi phạm trên TTCK, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, phù hợp với thực tiễn xử lý vi phạm cũng như tình hình hoạt động của TTCK hiện nay cũng như trong thời gian tới;
Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật, góp phần hoàn thiện khung pháp lý TTCK nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung; phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế, quốc tế của Việt Nam.
Tăng cường bảo vệ nhà đầu tư
Liên quan đến vi phạm quy định chào bán, phát hành chứng khoán, dự thảo Nghị định bổ sung hành vi và chế tài đối với vi phạm thực hiện chuyển nhượng chứng khoán chào bán riêng lẻ của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hành vi làm giả giấy tờ trong phát hành thêm; tăng mức phạt tiền đối với một số vi phạm về chào bán, phát hành; bổ sung các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các vi phạm quy định tại Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ.
Dự thảo Nghị định bỏ một số hành vi không còn quy định tại Luật Chứng khoán 2019 như hành vi không đưa chứng khoán đã chào bán ra công chúng vào giao dịch tập trung trong thời hạn 1 năm (Luật Chứng khoán 2019 quy định gắn chào bán ra công chúng với đăng ký giao dịch/niêm yết), hành vi thăm dò thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Đối với các vi phạm nghĩa vụ công ty đại chúng và quản trị công ty đại chúng, dự thảo Nghị định bổ sung, chia nhỏ các khung phạt tiền đối với hành vi chậm đăng ký công ty đại chúng theo thời gian chậm để xử lý phù hợp hơn với thực tiễn; bổ sung hành vi không nộp hồ sơ hủy tư cách đại chúng theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019.
Trên cơ sở quy định về các nghĩa vụ công ty đại chúng trong lĩnh vực chứng khoán và thực tiễn thực thi quy định pháp luật chứng khoán, hoạt động của các công ty đại chúng, dự thảo Nghị định sửa đổi các hành vi vi phạm quy định về quản trị công ty đại chúng theo hướng quy định chi tiết các hành vi vi phạm, làm rõ các hành vi có thể ảnh hưởng đến quyền của cổ đông như tổ chức đại hội đồng cổ đông, giao dịch giữa công ty với cán bộ quản lý hoặc với bên liên quan của cán bộ quản lý; quy định các hành vi làm rõ trách nhiệm của các thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành doanh nghiệp trong quản trị doanh nghiệp...
Với các vi phạm quy định mua lại cổ phiếu, chào mua công khai, dự thảo Nghị định sửa đổi, bỏ các hành vi liên quan đến cổ phiếu quỹ do Luật Chứng khoán 2019 không còn quy định về cổ phiếu quỹ (các cổ phiếu được tổ chức phát hành mua lại phải hủy và làm thủ tục giảm vốn); đồng thời bổ sung hành vi, chế tài và biện pháp khắc phục hậu quả liên quan đến hoạt động mua lại cổ phiếu của tổ chức phát hành; sửa đổi hành vi và tăng mức phạt tiền đối với một số vi phạm quy định về chào mua công khai.
Dự thảo Nghị định cũng tăng khung phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm quy định về niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán.