Nới không gian hoạt động, mong mỏi của công ty chứng khoán
Sau 20 năm thị trường chứng khoán trong nước đi vào vận hành, nhiều tổ chức kinh doanh chứng khoán như Công ty Chứng khoán VNDirect, Công ty Chứng khoán Bảo Việt... bày tỏ mong muốn nhà quản lý mở rộng không gian hoạt động để các công ty chứng khoán chủ động và triển khai đa dạng hơn các hoạt động đầu tư, kinh doanh, phát triển sản phẩm...
Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, đáp ứng phần nào những mong muốn đó, tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán đã mở ra cơ chế cho phép công ty chứng khoán được chào bán sản phẩm tài chính.
Theo đó, để được chào bán sản phẩm tài chính, công ty chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện như: được cấp phép nghiệp vụ tự doanh; tuân thủ nghĩa vụ thanh toán của sản phẩm; có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu đạt tối thiểu 1.000 tỷ đồng theo báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán; không bị đặt trong tình trạng tạm ngừng hoạt động, đình chỉ hoạt động hoặc trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản; không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán trong 6 tháng gần nhất tính đến ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được hồ sơ...
Ngoài ra, để được chào bán sản phẩm tài chính, công ty chứng khoán còn phải đáp ứng điều kiện: báo cáo tài chính kỳ gần nhất đã được kiểm toán không có ngoại trừ, trường hợp ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán; tổ chức phát hành có tài liệu giải trình hợp lý và có xác nhận của tổ chức kiểm toán về ảnh hưởng của việc ngoại trừ.
Đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị, hoặc chủ sở hữu công ty cũng phải thông qua việc chào bán sản phẩm tài chính, chấp thuận quyền của người sở hữu sản phẩm tài chính, các nghĩa vụ của công ty chứng khoán đối với người sở hữu sản phẩm tài chính trong trường hợp công ty chứng khoán bị mất khả năng thanh toán, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản...
Để cơ chế mới không phải là quy định “treo”
Việc Ban soạn thảo đưa vào cơ chế mới mở đường cho các công ty chứng khoán chào bán sản phẩm tài chính được chính người trong cuộc và nhiều thành viên thị trường kỳ vọng sẽ nới rộng không gian hoạt động cho các công ty chứng khoán, vốn lâu nay bị bó hẹp trong các mảng hoạt động chính như môi giới, tự doanh, ngân hàng đầu tư.
Dẫu vậy, một số công ty chứng khoán vẫn e ngại cách thiết kế chính sách “mới mà không mới” tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán.
Cụ thể, cơ chế mới vẫn theo nguyên tắc “chọn - cho”, nghĩa là dự thảo quy định công ty chứng khoán chỉ được phát hành sản phẩm tài chính khi Bộ Tài chính có hướng dẫn về sản phẩm, hồ sơ, trình tự, thủ tục chào bán sản phẩm tài chính, chứng khoán cơ sở, hạn mức chào bán sản phẩm tài chính, báo cáo và công bố thông tin của tổ chức phát hành; báo cáo và công bố thông tin của ngân hàng lưu ký...
Phó chủ tịch hội đồng quản trị một công ty chứng khoán thẳng thắn, quy định trên chỉ có ý nghĩa định ra nguyên tắc khung cho công ty chứng khoán phát hành sản phẩm tài chính. Một khi Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn chi tiết cho việc tổ chức triển khai thì đó chỉ là quy định... “treo”.
Dẫu vậy, chia sẻ nỗ lực của cơ quan hoạch định chính sách, tổng giám đốc một công ty chứng khoán đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhìn nhận, chứng khoán là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên phải chấp nhận việc chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính thì công ty chứng khoán mới được phát hành sản phẩm tài chính.
Có nghĩa là, Bộ Tài chính cho phép triển khai sản phẩm gì thì công ty chứng khoán mới được làm.
Còn cách thiết kế chính sách theo hiểu “chọn - bỏ”, có nghĩa là những gì cấm thì công ty chứng khoán không được phép triển khai, vừa không phù hợp với cơ chế quản lý thị trường chứng khoán theo phương thức kinh doanh có điều kiện, vừa khiến Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gặp khó khăn trong quản lý hoạt động của khối công ty chứng khoán, đồng thời gia tăng rủi ro với thị trường chứng khoán, cũng như hoạt động của khối công ty chứng khoán.
Để cơ chế cho phép công ty chứng khoán được chào bán sản phẩm tài chính sớm đi vào cuộc sống, thực tiễn thị trường đang đòi hỏi Bộ Tài chính cần nhanh chóng đưa ra các hướng dẫn cho phép công ty chứng khoán được phát hành các sản phẩm tài chính phù hợp với nhu cầu của thị trường, cũng như thông lệ và chuẩn mực quốc tế sau khi nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán có hiệu lực.
Bộ Tài chính cần tránh tình trạng chậm trễ trong việc đưa ra hướng dẫn khiến công ty chứng khoán không thể phát hành các sản phẩm tài chính mặc dù về lý thuyết Luật Chứng khoán, cũng như nghị định hướng dẫn luật cho phép...
Nên trao quyền cho UBCK hướng dẫn chào bán sản phẩm tài chính
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB).
Sau 20 năm phát triển cùng thị trường chứng khoán, mở rộng không gian đầu tư, kinh doanh cho công ty chứng khoán là vấn đề đang đặt ra cấp thiết.
Điều này giúp cho họ linh hoạt, năng động hơn trong chớp thời cơ kinh doanh mới, đồng thời giảm thiểu các rủi ro hoạt động trong một môi trường có nhiều biến động cả ở khía cạnh trong nước lẫn quốc tế.
Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán mở ra cơ chế cho phép công ty chứng khoán được chào bán sản phẩm tài chính là một bước cởi mở về chính sách.
Tuy nhiên, dự thảo quy định công ty chứng khoán chỉ được phát hành sản phẩm này khi Bộ Tài chính có hướng dẫn về sản phẩm, hồ sơ, trình tự, thủ tục chào bán sản phẩm tài chính... là chưa được hợp lý, cần xem xét sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, cũng như bối cảnh của quy định pháp lý mới.
Theo đó, tại Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Quốc hội đã trao nhiều quyền hơn cho UBCK trong điều hành, phát triển thị trường để phù hợp với tính chất biến động nhanh chóng của bối cảnh trong nước và quốc tế.
Bởi vậy, dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán cũng cần tiếp nối tinh thần này bằng cách thay vì Bộ Tài chính, cần trao quyền cho UBCK hướng dẫn về sản phẩm; hồ sơ, trình tự, thủ tục chào bán sản phẩm tài chính...
Điều này vừa giúp cho việc quyết định chính sách giảm bớt các khâu, tiết kiệm thời gian, vừa phù hợp với thực tiễn, bởi với tư cách là cơ quan chuyên quản về thị trường chứng khoán, hơn ai hết, UBCK nắm biến động hàng ngày, hàng giờ về thị trường; thấu hiểu sức khỏe của từng công ty chứng khoán, nên biết ở thời điểm nào thì cho phép công ty chứng khoán chào bán sản phẩm tài chính là tốt cho công ty chứng khoán lẫn thị trường, nhà đầu tư.