Cắt quyền doanh nghiệp quyết nới room, ý kiến đồng thuận tăng lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc trao quyền doanh nghiệp quyết nới room và nới ở mức nào vẫn đang là chủ điểm “nóng” vì có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng ý kiến đồng thuận có dấu hiệu tăng lên.
Cắt quyền doanh nghiệp quyết nới room, ý kiến đồng thuận tăng lên

Nới room chưa đạt như kỳ vọng

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 55/2009/QÐ-TTg về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được phép mua, bán chứng khoán trên TTCK Việt Nam được nắm giữ tối đa 49% tổng số cổ phiếu của công ty cổ phần đại chúng, mà không phụ thuộc vào doanh nghiệp có cho phép hay không.    

Nói cách khác, với quy định này, mặc nhiên các doanh nghiệp không nằm trong danh mục ngành nghề hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tối đa 49% thì nhà đầu tư ngoại tự động được phép sở hữu tỷ lệ cổ phần tại doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam kịch khung cho phép.   

Ðến năm 2015, Nghị định 60/2015/NÐ-CP sửa đổi Nghị định 58/2012/NÐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 1/9/2015, trao quyền cho doanh nghiệp định đoạt việc nới room.

Với bước thử nghiệm cơ chế mới, nhà hoạch định chính sách kỳ vọng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp cởi mở hơn trong việc nới room, thậm chí lên mức 100% đối với các doanh nghiệp không hạn chế đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, chính sách đã không mang lại kết quả như kỳ vọng. Thực tế, bức tranh nới room cho nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam không ghi nhận sự “đổi màu” đáng kể nào, ngoại trừ lượng nhỏ doanh nghiệp đẩy tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100%.

Thậm chí, có những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài quyết định siết room, điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài xuống dưới 49%.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), trong năm 2019, trong số 376 công ty niêm yết trên Sở có 23 công ty hạn chế bớt sở hữu nước ngoài (điều chỉnh room xuống dưới 49%).

Ðể khắc phục bất cập trên, đồng thời với lý do kinh nghiệm nhiều nước không trao cho cổ đông được quyền xác lập tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài, tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đề xuất cắt quyền cho doanh nghiệp được định đoạt room như quy định hiện hành.

Ý kiến ủng hộ tăng lên

Cách đây gần 1 tháng, khi UBCK công khai ý tưởng cắt quyền cho doanh nghiệp định đoạt việc nới room vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận, thì gần đây, theo ghi nhận của phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, không ít ý kiến ủng hộ ý tưởng cải cách chính sách của UBCK.

Tương tự như ý kiến của một số chuyên gia pháp lý, nhà đầu tư, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán cho rằng, đề xuất cắt quyền cho doanh nghiệp định đoạt việc nới room là hợp lý và khả thi.

Ý kiến ủng hộ cho rằng, trong 5 năm trao quyền cho doanh nghiệp định đoạt việc nới room không mang lại kết quả như kỳ vọng do lượng doanh nghiệp nới room lên 100% còn ít, đồng thời xuất hiện động thái doanh nghiệp khóa room ở tỷ lệ thấp dưới 49% (bước lùi so với cơ chế đã áp dụng cách đây 11 năm tại Quyết định 55/2009/QÐ-TTg).

Trong không ít trường hợp, việc định đoạt nới room do một nhóm cổ đông lớn quyết định, không đúng với mong muốn của tất cả các nhóm cổ đông khác tại doanh nghiệp, vì quyết định đó chưa hoàn toàn vì chiến lược phát triển của doanh nghiệp, mà vì lợi ích, toan tính của nhóm cổ đông lớn.

Mặt khác, việc trao quyền cho doanh nghiệp định đoạt nới room ở một khía cạnh nào đó là mở đường cho doanh nghiệp tạo xung đột với chiến lược thu hút dòng vốn ngoại trên bình diện của toàn bộ nền kinh tế.

Lý do là bởi có những doanh nghiệp không thuộc danh mục ngành nghề không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần, theo quy định của pháp luật, đối tượng nhà đầu tư này được phép sở hữu đến 100%, nhưng vì doanh nghiệp không nới room nên quyền này của khối ngoại không thể thực hiện.

Ðiều đó mâu thuẫn với nỗ lực cải thiện khả năng thu hút dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam qua TTCK.

Theo phó tổng giám đốc một công ty đang niêm yết trên HOSE, pháp luật cho phép nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu đến 100% cổ phần tại doanh nghiệp Việt Nam, nhưng chỉ vì công ty không mở, mà đôi khi quyết định này chỉ do một nhóm cổ đông định đoạt, nên quy định trên bị… vô hiệu.

Do đó, việc không tiếp tục trao quyền cho doanh nghiệp quyết định nới room sẽ khắc phục tình trạng này, qua đó cải thiện thanh khoản cho cổ phiếu, tốt hơn cho các nhóm cổ đông ở công ty, nhất là cổ đông nhỏ lẻ, từ đó tạo hiệu ứng tốt hơn cho TTCK cũng như nền kinh tế.

Doanh nghiệp có 2 năm để thông báo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài

Liên quan đến việc thông báo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán quy định, công ty đại chúng có trách nhiệm xác định ngành nghề kinh doanh và thực hiện thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng.

Các công ty đại chúng chưa thực hiện báo cáo Ủy ban Chứng khoán nhà nước về tỷ lệ sở hữu nước ngoài phải thực hiện thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực. Trường hợp các công ty đại chúng đã có tỷ lệ sở hữu nước ngoài vượt quá quy định, công ty đại chúng và các tổ chức, cá nhân có liên quan phải bảo đảm không làm tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty.

Không nên tiếp tục trao quyền cho doanh nghiệp tự quyết việc nới room

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chuyên gia chứng khoán

Ðể đi đến quyết định nên hay không nên trao quyền cho doanh nghiệp tự quyết việc nới room, cần phân tích mặt lợi và không lợi của cơ chế này. Về mặt tích cực, việc trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp là giúp họ tự chủ trong lựa chọn phương án nới room sao cho có lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, mặt không tích cực là các doanh nghiệp sử dụng quyền này đôi khi vì động cơ ngắn hạn, chứ không phải vì lợi ích căn cơ, dài hạn của doanh nghiệp, nhất là chưa hoàn toàn xuất phát từ lợi ích của tất cả các cổ đông.

Mặt khác, quyết định nới room trong không ít trường hợp do nhóm cổ đông lớn định đoạt, phục vụ cho lợi ích của họ. Việc trao quyền cho doanh nghiệp nới room còn tạo ra tình trạng xung đột lợi ích giữa doanh nhân và nhóm cổ đông với lợi ích của nền kinh tế.

Việc thu lại quyết cho doanh nghiệp tự quyết việc nới room buộc doanh nghiệp phải tuân thủ chuẩn mực theo nghị định của Chính phủ. Trong khi đó, nhìn trên khía cạnh lợi ích tổng thể nền kinh tế, chủ quyền quốc gia, thì vai trò của Chính phủ làm tốt hơn doanh nghiệp, vì có tính khách quan hơn, đồng thời mới hiện thực hóa được mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp, TTCK, cũng như nền kinh tế gia tăng hội nhập quốc tế sâu rộng, từ đó rộng mở chào đón dòng vốn ngoại, ngoại trừ một số lĩnh vực liên quan đến an ninh, quốc phòng cần phải hạn chế.

Từ những cân nhắc trên, việc không tiếp tục trao quyền cho doanh nghiệp định đoạt việc nới room phù hợp hơn, mang lại lợi ích tổng thể hơn cho nền kinh tế.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục