Room tín dụng chứng khoán còn nhiều sao phải nới?

(ĐTCK) Cả bên đi vay và cho vay đều mong muốn được nới room tín dụng với lĩnh vực chứng khoán, dù toàn thị trường mới chỉ sử dụng 0,37% trên tổng room cho phép là 5%.
Room tín dụng chứng khoán còn nhiều sao phải nới?

Trần tín dụng bộc lộ bất cập

Do khẩu vị rủi ro của các ngân hàng khác nhau nên trần tín dụng đối với cho vay lĩnh vực chứng khoán đang bộc lộ bất cập cả với bên cho vay là ngân hàng và bên đi vay là công ty chứng khoán.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhìn nhận, có ngân hàng chấp nhận rủi ro thấp nên tuy room cho vay chứng khoán còn nhiều nhưng vẫn không cho vay.

Nếu công ty chứng khoán gõ cửa ngân hàng này vay thì đương nhiên là thất bại. Thế nhưng, không ít ngân hàng có khẩu vị rủi ro cao hơn, nên tuy đã cho vay kịch trần cho phép vẫn muốn cho vay thêm nhưng không thể được. Đây là bất cập đang tồn tại.

Dưới góc độ của bên đi vay, tổng giám đốc một công ty chứng khoán niêm yết trên HOSE cho biết: “Với trần room tín dụng cho vay lĩnh vực chứng khoán như hiện nay, có những thời điểm, chúng tôi gõ cửa ngân hàng vay vốn nhưng không được.

Điều này gây khó khăn cho hoạt động của chúng tôi, vì vốn đi vay là nguồn chính đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh doanh của công ty.

Chúng tôi tìm hiểu thì được biết, có ngân hàng còn nhiều room cho vay chứng khoán, nhưng họ không cho vay thêm. Có ngân hàng dù muốn cho công ty chứng khoán vay thêm, nhưng đã cạn room được phép. Điều này khiến cho bên đi vay gặp khó”.

Quan sát từ thực tế cho thấy, có những trường hợp ngân hàng còn room cho vay chứng khoán, ngân hàng sẵn sàng cho vay, nhưng đặt ra các điều kiện ngặt nghèo, khiến cả công ty chứng khoán lẫn nhà đầu tư đều… không thích và gần như không thể đáp ứng.

Chẳng hạn, ngân hàng muốn thông qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán để phong tỏa chứng khoán của nhà đầu tư được mua từ nguồn vốn vay ngân hàng; trên cơ sở đó, khi ngân hàng mở phong tỏa thì nhà đầu tư mới được bán để an toàn cho phía ngân hàng.

Thế nhưng, nhà đầu tư thường không chấp nhận điều đó, vì họ muốn chủ động việc giao dịch cổ phiếu để chớp thời cơ, giảm thiểu rủi ro khi tham gia thị trường, chứ không muốn quyết định giao dịch cổ phiếu bị phụ thuộc vào chủ thể khác. Đây cũng là một rào cản khiến cho bên đi vay và bên cho vay khó gặp nhau...

Kỳ vọng làm mới quy định về dòng tín dụng vào chứng khoán

Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, tín dụng từ ngân hàng vào chứng khoán còn rất thấp là do đặc thù quy định pháp lý của 2 bên.

Chẳng hạn, về phía ngân hàng, do chứng khoán được xếp vào ngành kinh doanh rủi ro cao, nên nếu cho vay, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro tương ứng, khiến lãi suất cho vay cũng ở mặt bằng cao hơn thông thường.

Nếu cho vay đầu tư chứng khoán được ngành ngân hàng đưa ra khỏi nhóm rủi ro cao, sẽ giúp dòng chảy vốn dễ dàng hơn giữa 2 chủ thể.

Cũng theo ông Hà, qua thời gian, các công ty chứng khoán Top 10 đã xây dựng hệ thống quản trị rủi ro chặt chẽ và đạo đức kinh doanh cũng được nâng lên nhiều so với 10 năm trước, nên kênh đầu tư chứng khoán không còn những rủi ro tiềm tàng lớn như trước nữa.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhiều công ty chứng khoán, ngân hàng mong đợi tăng room tín dụng đối với cho vay lĩnh vực chứng khoán.

“Tôi đề nghị nâng tỷ lệ room tín dụng cho vay lĩnh vực chứng khoán từ tối đa 5% hiện tại lên 10%”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán niêm yết nói và cho rằng, không nên nhìn vào tỷ lệ 10% mà nhà quản lý, ngân hàng quan ngại rủi ro, bởi tuy room nới lên như vậy nhưng trên thực tế có những ngân hàng cho vay giao dịch chứng khoán không đáng kể, chứ không phải tổ chức tín dụng nào cũng cho vay kịch room cho phép.

Mặt khác, rủi ro chính của việc nới room tín dụng đối với cho vay chứng khoán nằm ở phía công ty chứng khoán, chứ không phải ngân hàng.

Với đồng vốn cho nhà đầu tư vay, hơn ai hết, công ty chứng khoán đã và đang thực thi nhiều lớp quản trị rủi ro để đảm bảo thu hồi vốn. Do đó, việc nới room tín dụng đối với cho vay chứng khoán là cần thiết, bởi thực chất hoạt động này không nhiều rủi ro.

Mặt khác, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua cú sốc do tác động của dịch bệnh Covid-19 cho thấy, hệ thống quản lý giao dịch ký quỹ (margin) nói riêng, quản trị rủi ro nói chung của các công ty chứng khoán thể hiện sự chắc tay trong xử lý các tình huống phát sinh, nên không bị mất vốn, tình hình tài chính vẫn an toàn, lành mạnh.

Đợt kiểm thử lớn này là một trong những căn cứ để nhà quản lý không chỉ xem xét cho phép nới room tín dụng cho vay lĩnh vực chứng khoán, mà còn trao quyền chủ động nhiều hơn cho công ty chứng khoán trong lựa chọn danh mục cổ phiếu, cũng như tỷ lệ cho vay margin cụ thể.

Không chỉ bên đi vay, bên cho vay cũng có ý kiến mong muốn gia tăng tín dụng cho vay đối với lĩnh vực chứng khoán trong thời gian tới cho phù hợp với sự gia tăng quy mô của thị trường, cũng như đáp ứng nhu cầu của cả 3 bên: ngân hàng, công ty chứng khoán, nhà đầu tư.

“Là ngân hàng, chúng tôi nhận thấy, với những công ty chứng khoán làm ăn đàng hoàng, không chộp giật, không có điều tiếng làm giá, quản trị rủi ro tốt, lãnh đạo uy tín, thì chính ngân hàng chúng tôi thích cho họ vay hơn là cho vay lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng. Thực tế, hoạt động thu hồi vốn vay từ khách hàng là công ty chứng khoán thời gian qua rất tốt. Việc tăng room tín dụng cho vay với lĩnh vực chứng khoán sẽ giúp cho các ngân hàng có sự linh hoạt và chủ động hơn trong cho vay lĩnh vực này”, lãnh đạo một ngân hàng niêm yết chia sẻ.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục