Nới tín dụng vào chứng khoán: Cần đúng cách, đúng chỗ

(ĐTCK) Ngành chứng khoán mong muốn ngành ngân hàng tăng hạn mức tín dụng cho vay kinh doanh chứng khoán, nhưng giải pháp bổ sung dòng tiền này cần kèm theo sự nới lỏng một số quy định của chính ngành chứng khoán về cho vay giao dịch ký quỹ.
Nới tín dụng vào chứng khoán: Cần đúng cách, đúng chỗ

Đề xuất tăng hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán

Bộ Tài chính đang nghiên cứu đề xuất tăng hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán và cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nếu đủ điều kiện được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), dư nợ của ngân hàng cho vay kinh doanh chứng khoán đang ở mức thấp (30.452 tỷ đồng, chiếm 0,37% trong tổng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng), tỷ lệ nợ xấu phát sinh từ cho vay chứng khoán rất thấp so với mặt bằng chung.

Do vậy, rủi ro từ việc cho vay kinh doanh chứng khoán đối với hệ thống ngân hàng thương mại là không lớn.

Từ thực tế trên, UBCK đề xuất Bộ Tài chính kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng hạn mức tín dụng 5% cho vay kinh doanh chứng khoán quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đồng thời, áp dụng các giải pháp quản lý khác để tăng cường chất lượng tín dụng và tránh rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Nếu kiến nghị này được thực hiện, các công ty chứng khoán sẽ có thêm nguồn tiền để cho nhà đầu tư vay giao dịch ký quỹ (margin).

Dư địa cho vay margin còn nhiều

Theo số liệu thống kê của UBCK, tính đến hết quý I/2020, dư nợ margin ước đạt 50.000 tỷ đồng, giảm 14% so với đầu năm. Trong đó, hầu như các công ty chứng khoán có dư nợ margin cao đều có dư nợ giảm trong quý I.

Nới tín dụng vào chứng khoán: Cần đúng cách, đúng chỗ ảnh 1

Dư nợ cao nhất sàn chứng khoán thuộc về Công ty Chứng khoán Mirae Asset với giá trị 7.174 tỷ đồng, giảm 2,9% so với đầu năm. Đứng thứ hai là Công ty Chứng khoán SSI, dư nợ margin 4.009 tỷ đồng, giảm 25,2% so với đầu năm.

Trong khi đó, tỷ lệ cho vay/vốn chủ sở hữu cao nhất thuộc về Công ty Chứng khoán MB (MBS), đạt 120%; thứ hai là Mirae Asset với tỷ lệ 115,2%; thứ ba là Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) với tỷ lệ 113,3% …

Nhìn chung, tỷ lệ cho vay margin của các công ty chứng khoán thấp hơn đáng kể tỷ lệ tối đa theo quy định là 200%, tức còn không ít dư địa để tiếp tục cho nhà đầu tư vay.

Dư nợ cho vay ở các công ty chứng khoán giảm trong 3 tháng đầu năm do biến động thị trường tiêu cực cũng như tâm lý thận trọng của nhà đầu tư hơn là thiếu nguồn tín dụng.

Cần nới điều kiện margin

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, giao dịch margin đang có một số hạn chế, đó là quy định tổng mức cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán đối với một khách hàng không vượt quá 3% vốn chủ sở hữu, đồng thời tổng số chứng khoán cho vay giao dịch ký quỹ không được vượt quá 5% tổng số chứng khoán niêm yết của một tổ chức niêm yết.

Chính vì hạn chế tỷ lệ cho vay một mã cổ phiếu như trên nên hiện tượng hết “room” cho vay đối với các mã cổ phiếu cụ thể liên tục diễn ra, đặc biệt là giai đoạn thị trường tăng mạnh, cổ phiếu có sức hút dòng tiền.

Ngoài ra, theo quy định, khoản vay margin có kỳ hạn tối đa là 3 tháng, có thể gia hạn nhưng mỗi lần không quá 3 tháng, điều này có thể khiến nhà đầu tư phải bán ra chứng khoán để trả nợ khi khoản vay đáo hạn, nếu không đàm phán được việc gia hạn.

Có thể thấy, không phải công ty chứng khoán thiếu nguồn lực để cho vay, mà nhà đầu tư đang bị ràng buộc bởi các điều khoản giới hạn việc cho vay.

Những người hiểu rõ nhu cầu của nhà đầu tư cho rằng, cơ quan quản lý nên nới lỏng quy định về cho vay margin đối với từng mã cổ phiếu, trong đó phân loại theo vốn hoá, theo chất lượng tài chính doanh nghiệp để tăng tỷ lệ cho vay lên trên 5% số cổ phiếu của công ty niêm yết, qua đó bổ sung dòng tiền vào thị trường trong giai đoạn sóng tăng.

Một vấn đề khác là các cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM chưa được phép margin, dù vốn hoá lớn, chất lượng tài sản tốt và thanh khoản cao như BCM của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP, ACV của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP, DVN của Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP, VGI của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel…, khiến sàn UPCoM giảm sức hấp dẫn và cản trở khả năng cho vay của công ty chứng khoán.

Như vậy, bên cạnh việc yêu cầu ngân hàng tăng tỷ lệ cho vay đối với công ty chứng khoán, ngành chứng khoán nên nới điều kiện margin để tăng tiện ích cho nhà đầu tư, bổ sung dòng tiền cho thị trường. Đó mới là điểm nhà đầu tư cần nhất.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS)

Nới tín dụng vào chứng khoán: Cần đúng cách, đúng chỗ ảnh 2

Nới dòng tín dụng lên trên mức tối đa 5% vốn điều lệ của các ngân hàng vào chứng khoán có thể coi là một đề xuất trong hoạt động hỗ trợ chung các ngành nghề chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Theo tôi, đề xuất này là hợp lý trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành nhiều gói hỗ trợ đến những ngành nghề cũng như người lao động gặp khó khăn trong thời gian vừa qua.

Trên thực tế, dòng vốn cho vay margin từ các công ty chứng khoán (gồm cả vốn tự có và vốn vay ngân hàng) đóng vai trò quan trọng đối với nhà đầu tư và thị trường chứng khoán. Kể từ khi tín dụng chứng khoán được quy định trong Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước tới nay, quy mô thị trường đã lớn hơn nhiều. Bên cạnh đó, nhận thức của nhà đầu tư về việc sử dụng margin đã cao hơn và hệ thống kiểm soát rủi ro của các công ty chứng khoán cũng chặt chẽ hơn nhiều, vì thế tỷ lệ nợ xấu phát sinh từ cho vay chứng khoán rất thấp.

Nếu đề xuất được chấp thuận, tín dụng chứng khoán nâng lên, từ đó sẽ có thêm nguồn tiền mới để hỗ trợ nhà đầu tư và thị trường không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn.

Ông Huỳnh Anh Tuấn , Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Everest

Nới tín dụng vào chứng khoán: Cần đúng cách, đúng chỗ ảnh 3

Đề nghị nới tín dụng chứng khoán của Bộ Tài chính là tin tốt cho thị trường bởi vì nhu cầu vay vốn của các công ty chứng khoán khá lớn, nhưng do chứng khoán thuộc nhóm vay có rủi ro cao nên nhiều ngân hàng thương mại không muốn cho vay, nhất là khi các công ty thường không có tài sản đảm bảo.

Nếu Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ lệ rủi ro với khoản vay của công ty chứng khoán, điều này sẽ mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho công ty chứng khoán nhiều hơn.

Dư nợ margin giảm trong quý I/2020 chủ yếu do biến động giá xuống của thị trường, nhà đầu tư bị ép bán ra, cũng như vốn hoá thị trường giảm mạnh đã ảnh hưởng tới khoản vay.

Tuy nhiên, thị trường quay trở lại tăng điểm như hiện nay, nhu cầu margin lại tăng, khiến nhu cầu huy động vốn của công ty chứng khoán tăng.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI)

Nới tín dụng vào chứng khoán: Cần đúng cách, đúng chỗ ảnh 4

Đề xuất nới room tín dụng chứng khoán của Bộ Tài chính mang yếu tố kỹ thuật nhiều hơn là hiệu quả thực tế, bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng cho ngành chứng khoán còn khá lớn, hiện chỉ đạt khoảng 0,37%, trong khi quy định cho phép 5%.

Thay vì tăng hạn mức tín dụng, có thể thực hiện các giải pháp để tăng sự tham gia của nhà đầu tư.

Đối với nhà đầu tư trong nước, cần có giải pháp khuyến kích tăng tỷ lệ mở tài khoản, hút dòng tiền nội.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, cần có giải pháp để dòng tiền quay trở lại mua ròng sau giai đoạn rút ra. Trong đó, giải pháp thiết thực nhất là tăng thêm tiện ích, sản phẩm mới như giao dịch T+0, bán khống.

Luật Chứng khoán mới sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới, Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam đã được Bộ Tài chính phê duyệt với lộ trình 3 bước, doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh và tiếng Việt giúp nhà đầu tư tiếp cận thông tin tốt hơn được khuyến khích…

Nếu thực hiện tốt các quy định mới thì Việt Nam có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nên cho phép cấp thêm margin đối với các công ty có nền tảng tốt và thanh khoản cao, bao gồm các mã trên sàn UPCoM.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chuyên gia chứng khoán

Nới tín dụng vào chứng khoán: Cần đúng cách, đúng chỗ ảnh 5

Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 1/2/2015.

Theo đó, Thông tư quy định các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu quá 5% vốn điều lệ. Đây là quy định cứng từ khá lâu và có thể không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

Hơn nữa, với quy mô ngày càng lớn của thị trường chứng khoán thì nhu cầu vốn vay có cầm cố cổ phiếu ngày càng lớn, trong khi việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng gặp khó khăn.

Trong khi đó, cổ phiếu có tính thanh khoản cao nên việc bán ra để đảm bảo cho khoản vay tương đối dễ dàng. Mặt khác, ngành ngân hàng đang dư thừa thanh khoản, bởi không dễ gì giải ngân tín dụng thời điểm này. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tốt có nhu cầu vay vốn và mong muốn đảm bảo bằng cổ phần lại bị hết “room”, khiến cho cả hai phía đều gặp khó.

Dư nợ của ngành ngân hàng cho vay kinh doanh chứng khoán hiện chỉ chiếm 0,37% tổng dư nợ tín dụng và tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp.

Hiện chưa có đề xuất con số thay thế cho con số 5% nên chưa lượng hóa được lượng tiền sẽ được nới room là bao nhiêu và cũng không thể cho rằng tất cả room tín dụng chứng khoán được nới sẽ chảy vào thị trường niêm yết, nhưng đây là thông tin tích cực với nhà đầu tư.

Thực tế, quy mô kinh tế hiện khá lớn nên dòng tiền trên thị trường rất nhiều, chỉ cần một lượng nhỏ chảy vào thị trường chứng khoán cũng đủ giúp thị trường khởi sắc.

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Úc tại Việt Nam

Nới tín dụng vào chứng khoán: Cần đúng cách, đúng chỗ ảnh 6

Hạn mức tín dụng cho chứng khoán là 5%, nghĩa là được phép “bơm” 400.000 tỷ đồng, nhưng thực tế hiện chỉ đạt khoảng 30.000 tỷ đồng, tức 0,37% tổng dư nợ. Như vậy, “room” tín dụng chứng khoán vẫn còn rất nhiều.

Trong khi đó, định hướng của Ngân hàng Nhà nước rất rõ ràng, các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế bằng chính sách tiền tệ, “cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất” là trọng tâm của chính sách.

Trước đó, Thống đốc khẳng định, chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế, nhưng không phải là “nới lỏng điều kiện cho vay”. Cơ cấu nợ để doanh nghiệp có điều kiện giảm tình trạng căng thẳng dòng tiền, giảm lãi suất để hỗ trợ gánh nặng chi phí chứ không phải tăng tiền.

Nếu tăng tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán, rủi ro sẽ cao hơn đối với hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Thực tế, phần lớn các ngân hàng đang giảm lãi suất huy động, nhưng cũng không ngoại trừ một số ít ngân hàng chịu sức ép thanh khoản do nợ xấu bắt đầu tăng khiến họ phải đẩy lãi suất huy động lên.

Nếu xảy ra cái vòng luẩn quẩn nợ xấu - thanh khoản - lãi suất huy động thì lãi suất cho vay khó có thể giảm. Khi đó, để hỗ trợ nền kinh tế thì ngân hàng phải “cắt sâu vào thịt” của mình, thậm chí có thể ngắc ngoải, hệ luỵ còn lớn hơn rất nhiều.

Chính vì vậy, thay vì chờ chính sách hỗ trợ, điều kiện tiên quyết để “bật mạnh” là tái cấu trúc cho điều kiện thị trường mới, cải thiện năng lực để có sức đón nhận những làn sóng dịch chuyển đầu tư.

Hạc Hiên - Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục