Việc dòng tiền nội nhập cuộc mạnh mẽ sau khi nhiều cổ phiếu rớt quá sâu trong một thời gian ngắn, giúp chỉ số VN-Index có đợt phục hồi ấn tượng trong ba tuần đầu tháng 4 đã gây bất ngờ ngay cả với nhiều người trong giới tài chính.
Tuy nhiên, không phải cứ nhìn vào khoảng cách đáy tháng 3 và mức giá cao nhất của các cổ phiếu đạt được trong tháng 4 để cho rằng tất cả các nhà đầu tư đều có lãi lớn tới 40 - 50%.
Bắt đúng đáy đa phần là các tổ chức phát hành mua cổ phiếu quỹ, các chủ doanh nghiệp mua vào cổ phiếu...
Nhà đầu tư cá nhân, tự doanh công ty chứng khoán phần lớn lãi 10 - 15%/vòng đầu tư. Tuy nhiên, so với trước dịch, mức giá bình quân hiện nay của các cổ phiếu vẫn thấp hơn rất nhiều.
Ông Vũ Đức Tiến.
Trong bối cảnh khối ngoại liên tục bán ròng, đây vẫn là vấn đề đáng suy ngẫm.
Bởi thị trường không có dòng tiền mới sẽ khó có thể duy trì được lực tăng trưởng bền vững, nội lực của chúng ta cũng không thể là vô tận.
Trong khi đó, sức khỏe doanh nghiệp, thực lực của nền kinh tế - nền tảng của thị trường chứng khoán dự báo sẽ còn những diễn biến rất phức tạp.
Nhìn vào các gói cứu trợ mà chính phủ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc tung ra, chúng ta có thể mường tượng hệ lụy tiêu cực lâu dài của đại dịch.
Trong nước, Chính phủ đã tung ra nhiều gói hỗ trợ đến các chủ thể trong nền kinh tế, câu hỏi đặt ra là các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có nên được hỗ trợ không? Nếu có, làm cách nào để được hỗ trợ?
Thẳng thắn mà nói, chỉ khi nhà đầu tư có niềm tin, khi dòng tiền ở lại thị trường, chứng khoán sẽ phát huy đúng chức năng là kênh dẫn vốn trung và dài hạn với doanh nghiệp, với nền kinh tế.
Việt Nam đang là điểm sáng trên toàn cầu về khả năng kiểm soát dịch bệnh, cùng với đó là nền kinh tế vĩ mô ổn định và còn nhiều triển vọng tăng trưởng.
Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư chứng khoán nên được mở rộng kênh tiếp cận nguồn vốn trong các gói hỗ trợ, thông qua cổng trực tiếp là các công ty chứng khoán. Các nhà đầu tư cũng cần được hỗ trợ, cần được bảo vệ để vượt qua khó khăn đại dịch.
Thực tế hiện nay, các công ty chứng khoán không được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ ngân hàng. Vì vậy, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại việc này, thông qua việc điều chỉnh cơ chế chính sách và điều chỉnh định nghĩa về đối tượng được hỗ trợ vay vốn.
Về phía ngành chứng khoán, cần khẳng định rằng, dòng vốn cho vay margin rất quan trọng với nhà đầu tư, với thị trường.
Lúc thị trường khó khăn, nhà đầu tư cần nhà quản lý xem xét khả năng nới lỏng chính sách. Chẳng hạn, nếu thị trường chứng khoán giảm sâu vì ảnh hưởng của đại dịch, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên xem xét nới tỷ lệ cho vay margin từ tối đa 50% hiện nay lên 60% để công ty chứng khoán và nhà đầu tư có không gian rộng hơn, tự chủ hơn trong các quyết định giao dịch.
Một giải pháp khác là cần trao đổi, gặp gỡ, cung cấp thêm thông tin cho các quỹ đầu tư lớn. Trước khi xảy ra đại dịch, nền kinh tế Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam được các nhà đầu tư ngoại đánh giá rất triển vọng.
Tuy nhiên, khi đại dịch xảy ra, họ bán ròng khá mạnh, có thể vì lý do phòng vệ rủi ro, hoặc cũng có thể vì lý do nhà đầu tư ở chính quốc rút vốn.
Trong bối cảnh này, nên chăng, các nhà quản lý cần tăng cường gặp gỡ các quỹ lớn, lắng nghe họ và giải thích cho họ để giữ lại niềm tin vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Gần đây, Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết đã đề xuất và kiến nghị với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về khả năng cho phép Tổng công ty nghiên cứu, sử dụng nguồn lực tài chính của mình để mua vào cổ phiếu.
Nếu điều này được thực hiện sẽ tạo tâm lý rất tích cực cho thị trường, cho nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế. Chỉ khi nhà đầu tư có niềm tin, dòng tiền được giữ lại thị trường, mới hy vọng sẽ có những dòng tiền mới, nhà đầu tư mới gia nhập để góp phần khơi thông kênh dẫn vốn, tiếp sức cho doanh nghiệp và nền kinh tế.