Thị trường chứng khoán là tấm gương phản chiếu nền kinh tế. Theo ông, từ góc độ kinh tế vĩ mô, đâu là động lực cho thị trường chứng khoán phát triển?
|
TS. Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. |
Có 8 động lực Việt Nam cần củng cố, phát triển để thị trường tăng trưởng nhanh và bền vững:
Một là, đột phá về thể chế, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử hiệu quả, xây hệ thống pháp lý đồng bộ hoàn thiện;
Hai là, huy động, phân bổ, đầu tư, tích tụ hiệu quả nguồn vốn;
Ba là, đổi mới sáng tạo và công nghệ số;
Bốn là, phát triển và hoàn thiện nguồn lực con người;
Năm là, thúc đẩy hoạt động xuất - nhập khẩu;
Sáu là, thúc đẩy tiêu dùng, khơi thông phát triển thị trường trong nước; gia tăng phát triển tầng lớp trung lưu; phát triển tăng trưởng đô thị hóa và chú trọng chi tiêu của Chính phủ vào cơ sở hạ tầng;
Bảy là, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp, nhà nước cần đặc biệt quan tâm đến khối doanh nghiệp tư nhân, lấy đó làm động lực nâng cao chất lượng tăng trưởng;
Tám là, phát triển xanh, bền vững, kết hợp với kinh tế xã hội.
Cả tám động lực này nếu cùng được thúc đẩy phát triển sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường vốn.
Nếu chúng ta chỉ nhắc đến thị trường chứng khoán mà không đề cập đến những điều kiện vĩ mô để xây dựng, thiết lập đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, thì thị trường chứng khoán cũng không thể phát triển được.
Nhưng cùng lúc, bản thân thị trường vốn cũng phải vươn lên đóng góp cho việc hoàn thiện các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Vậy còn từ góc độ của thị trường chứng khoán, theo ông, cần khơi thông những ách tắc nào?
Thị trường chứng khoán ở nước ta ra đời hơn hai thập kỷ, song huy động vốn phần lớn vẫn qua kênh trái phiếu, huy động vốn qua phát hành cổ phiếu vẫn còn hạn chế.
Song thực tế, khi doanh nghiệp muốn huy động trái phiếu lại vướng phải thủ tục, điều kiện xin phép chấp thuận tương đối phức tạp. Đến khi phát hành, các yêu cầu về công bố thông tin cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Mặt khác, văn hóa của doanh nghiệp Việt là thích vay vốn dài hạn từ ngân hàng hơn là huy động vốn từ cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây đã tốt hơn nhưng vẫn chưa thực sự phát triển.
Để có thể tháo gỡ được những rào cản này, về phía cơ quan quản lý, nên giảm thiểu dần những điều kiện, thủ tục phát hành phức tạp và dần thay bằng cơ chế minh bạch hóa các hoạt động doanh nghiệp.
Trên thế giới, doanh nghiệp thua lỗ vẫn được phép phát hành trái phiếu, miễn là đảm bảo điều kiện minh bạch thông tin, do vậy, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Còn ở nước ta, việc quản lý doanh nghiệp để bảo vệ nhà đầu tư là điều cần thiết, nhưng nếu quản lý quá chặt chẽ, cứng nhắc sẽ dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, vai trò huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán theo đó sẽ bị cản trở.
Ngoài ra, nước ta nên mở rộng các lĩnh vực được tham gia gọi vốn, đa dạng hóa sản phẩm để thị trường chứng khoán có thể trở thành kênh dẫn vốn cho nhiều lĩnh vực khác nhau.
Cụ thể, không chỉ gọi vốn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, mà thị trường chứng khoán cũng nên là kênh gọi vốn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…, tức là thị trường chứng khoán phải đóng góp và hoàn thiện cả 8 động lực tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, chúng ta nên hình thành thị trường vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, vì đổi mới sáng tạo và công nghệ số luôn đòi hỏi rất nhiều vốn. Bên cạnh đó là những loại hình quỹ đầu tư riêng lẻ, phù hợp với đầu tư cơ sở hạ tầng và đổi mới sáng tạo. Làm sao để thị trường chứng khoán phải trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho hai mảng đó.
Đặc biệt, muốn thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn dài hạn, bản thân các chính sách tài chính, ngân hàng phải có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa, từng bước theo các nguyên tắc thị trường. Nếu nước ta vẫn áp dụng trần tín dụng, lãi suất, vốn chưa được tự do hóa thì các chuẩn mực thị trường vốn rất khó phát triển.