Cổ phiếu phân bón chưa hạ nhiệt vì giá phân bón vẫn cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ đầu năm 2021, giá phân bón toàn cầu tăng mạnh là động lực giúp phần lớn các doanh nghiệp làm ăn có lãi, qua đó kéo giá cổ phiếu tăng bứt phá.
Cổ phiếu phân bón chưa hạ nhiệt vì giá phân bón vẫn cao

Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 9/8 đến 13/8, VN-Index tăng 15,6 điểm, tương đương 1,16% lên 1.357,05 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 16% lên 119.160 tỷ đồng, khối lượng tăng 13,8% lên 3.696 triệu cổ phiếu.

HNX-Index tăng 11,5 điểm, tương đương 3,53% lên 336,96 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 14,3% lên 19.090 tỷ đồng, khối lượng tăng 19,5% lên 798 triệu cổ phiếu.

Đóng góp cho đà tăng của thị trường trong tuần cần kể đến VHM, VIC, VNM và VPB khi 4 mã này góp tổng cộng hơn 20 điểm cho VN-Index. Trong khi VCB, VIB, SAB lấy đi của VN-Index 5,6 điểm.

Trong tuần, nhóm thủy sản, bất động sản là các nhóm tăng mạnh, nhưng sự chú ý của giới đầu tư một lần nữa đổ dồn vào nhóm phân bón.

Cổ phiếu phân bón chưa "hạ nhiệt"

Mã chứng khoán

Niêm yết

Giá đóng cửa ngày 6/8 (VNĐ)

Giá đóng cửa ngày 13/8 (VNĐ)

Chênh lệch (%)

PMB

HNX

9.000

12.500

38,89

PSE

HNX

10.400

14.000

34,62

PCE

HNX

12.800

17.100

33,59

SFG

HOSE

9.600

12.100

26,04

PSW

HNX

9.380

11.500

22,60

DPM

HOSE

29.000

34.750

19,83

DCM

HOSE

21.200

23.450

10,61

LAS

HNX

15.400

16.600

7,79

BFC

HOSE

35.500

38.100

7,32

Tăng tới 38,89%, mã PMB của CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí miền Bắc là cổ phiếu phân bón tăng mạnh nhất tuần. Ba phiên đầu tuần, PMB bật tăng chạm trần và duy trì đà tích cực trong các phiên tiếp theo giúp giá cổ phiếu tăng từ 9.000 đồng /CP (giá đóng cửa ngày 6/8) lên 12.500 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 13/8).

Tuy nhiên, trái ngược với sức tăng của cổ phiếu, kết quả kinh doanh trong quý II của PMB không thật sự khả quan khi lãi ròng chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, giảm 44,4% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là tổng sản lượng tiêu thụ các mặt hàng trong quý giảm 18% mà giá vốn hàng bán lại tăng tới 11,5%. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này vẫn đạt 916 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13,4% và 14,8 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 48% so với 6 tháng đầu năm 2020.

Mã PSE của CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ cũng tăng 34,62% trong tuần và có 2 phiên tăng trần đến 9,70%. Quý II, doanh thu thuần của PSE đạt 711,8 tỷ đồng, tăng 28%. Nhờ tiết giảm đối đa chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, PSE báo lãi gần 7 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế nửa đầu năm, lãi ròng của PSE đạt hơn 13,1 tỷ đồng, gấp hơn 2,4 lần cùng kỳ và vượt 46% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm.

Mã PCE của CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí miền Trung là đơn vị thứ 3 (sau PMB và PSE) thuộc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) nối tiếp đà tăng mạnh. Theo đó, PCE có 4 phiên đầu tuần tăng, đặc biệt, phiên 11/8 tăng hết biên độ 10% và cổ phiếu chỉ hạ nhiệt giảm 5,5% vào phiên cuối tuần. Kết quả, PCE đã tăng 33,59% đưa cổ phiếu từ 12.800 đồng/CP lên 17.100 đồng/CP.

Trong quý II, doanh thu thuần và lãi ròng của PCE đạt 835,8 tỷ đồng và 10,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 29,1% và 103,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong nửa đầu năm, doanh thu thuần Công ty tăng 32,2% lên 1.317 tỷ đồng; lãi ròng tăng mạnh 102,34% lên 18,4 tỷ đồng. PCE cho biết nguyên nhân chủ yếu là do giá phân bón tăng kỷ lục và nhờ một phần tích lũy từ năm 2020 chuyển sang.

Tuần qua, sắc tím đã trở lại với mã SFG của CTCP Phân bón Miền Nam kể từ phiên ngày 22/6. Cụ thể, SFG sở hữu 3 phiên đầu tuần tăng trần và 2 phiên cuối tuần tăng nhẹ giúp cổ phiếu tăng tổng cộng 26,04%. Nhìn chung, kết quả kinh doanh quý II của SFG không có nhiều biến động so với cùng kỳ với doanh thuần đạt 584,2 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 9,6 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của SFG đạt 994,8 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Song nhờ tiết giảm được chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp, lãi ròng SFG đạt hơn 12 tỷ đồng, gấp 4,6 lần cùng kỳ. Trong quý III, Công ty đã đặt ra chỉ tiêu tổng doanh thu đạt 250 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1 tỷ đồng, tăng lần lượt 104% và 243% so với quý III/2020.

Bên cạnh đó, mã DPM của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP cũng tăng 19,83% trong tuần giao dịch. Quý II, doanh nghiệp này đem về 2.931 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 34% so cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, lãi ròng của DPM đạt 684 tỷ đồng, tăng 126%. Tính chung nửa đầu năm, DPM lãi sau thuế 855 tỷ đồng, tăng 110% và vượt 139% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Ngoài ra, thị trường cũng chứng kiến sự tăng trưởng của các mã như DCM (+10,61%), PSW (+22,60%), LAS (+7,79%), BFC (7,32%)... Tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị này cũng ghi nhận phần lớn là tăng trưởng 2 chữ số.

Riêng LAS, nhờ tiết giảm mạnh chi phí tài chính và chi phí bán hàng, Công ty đã chuyển từ khoản lỗ 15,8 tỷ đồng sang lãi hơn 28 tỷ đồng trong quý II. Lũy kế nửa đầu năm, lợi nhuận trước thuế của LAS đạt gần 67 tỷ đồng, vượt tới 86% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Kết quả, LAS thu về gần 53 tỷ đồng lãi ròng, con số vô cùng tích cực so với khoản lỗ 10,8 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2020.

Hưởng lợi giá phân bón toàn cầu, LAS đã chuyển từ lỗ sang lãi trong quý II/2021.

Hưởng lợi giá phân bón toàn cầu, LAS đã chuyển từ lỗ sang lãi trong quý II/2021.

Kỳ vọng vào nhu cầu thị trường

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta sử dụng khoảng trên 10 triệu tấn phân bón mỗi năm. Năm 2020, sử dụng 10,23 triệu tấn, trong đó 7,6 triệu tấn phân bón vô cơ và 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ. Mặt khác, cả nước có 841 nhà máy sản xuất phân bón với công suất gần 30 triệu tấn/năm, như vậy, công suất sản xuất trong nước gấp 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ.

Tại Hội nghị đề xuất giải pháp bình ổn thị trường phân bón diễn ra ngày 11/8 mới đây, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2021, các nhà máy trong nước đã sản xuất được 2,5 triệu tấn phân bón, tăng gần 200.000 tấn so với cùng kỳ. Năm 2020, nước ta nhập khẩu 3,97 triệu tấn, nhưng 7 tháng đầu năm 2021 Việt Nam đã nhập 3,1 triệu tấn, tăng 6.700 tấn so với cùng kỳ.

“Số liệu trên cho thấy, năng lực sản xuất trong nước vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Do đó, không có sự chênh lệch cung cầu và đây không phải là nguyên nhân đẩy giá phân bón tăng cao”, Cục trưởng Hoàng Trung khẳng định.

Về vấn đề phân bón tăng giá, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương từng lý giải, sau khi đại dịch Covid-19 có dấu hiệu được kiểm soát, một số nước trên thế giới đã bắt đầu phát triển mạnh hơn nền nông nghiệp, do đó, nhu cầu sử dụng phân bón tăng lên trên toàn cầu.

Ngoài ra, các nguyên liệu đầu vào tăng cũng rất cao, chẳng hạn lưu huỳnh tăng trên 200% so với thời điểm thấp nhất năm 2019, amoniac cũng tăng trên 200% kéo theo đó, đạm, DAP,.. cũng tăng. Mặt khác, giá dầu thế giới tăng khiến giá cước vận tải tăng, lượng container trở nên khó huy động trong quá trình vận chuyển. Cũng không loại trừ một số khả năng khác như quá trình điều phối, lưu thông trên thị trường bị ảnh hưởng.

“Đặc biệt, nước ta nằm gần Trung Quốc - quốc gia nông nghiệp rất lớn trên thế giới. Trong thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc khá nhanh nhạy với thị trường nên đã sớm hạn chế việc xuất khẩu phân bón. Do đó, nước ta có thể thiếu cục bộ phân bón trong một số giai đoạn”, ông Nguyễn Văn Thanh đưa ra nhận định.

Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA), nhu cầu tiêu thụ phân bón toàn cầu năm 2021 dự kiến đạt 194,9 triệu tấn chất dinh dưỡng, tăng 1,8% so với năm 2020.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2024, nhu cầu phân bón toàn cầu dự kiến tăng trưởng với tốc độ trung bình xấp xỉ 0,9%/năm, đạt 198,5 triệu tấn chất dinh dưỡng vào năm 2024. Tiêu thụ phân bón nhóm phốt pho được dự báo hồi phục nhanh hơn (tăng 1,1%/năm), trong khi phân Ni-tơ đạt tăng 0,9%/năm và phân Kali là tăng 0,8%/năm.

Trước tình hình đó, Chứng khoán FPT (FPTS) đánh giá hầu hết các doanh nghiệp phân bón nội địa đều được hưởng lợi trong năm 2021.

“Chúng tôi đưa ra khuyến nghị “khả quan” đối với ngành phân bón Việt Nam năm 2021. Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành, có năng lực cạnh tranh và tình hình tài chính tốt (DPM), hoặc doanh nghiệp có triển vọng xuất khẩu sản phẩm ra các nước khu vực Châu Á (DCM và BFC).

Chính sách thuế GTGT nếu được đề xuất và Quốc hội thông qua trong năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp nội địa đều được hưởng lợi (trong đó LAS được hưởng lợi lớn nhất)”, FPTS nhận định.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ