Truyền thông doanh nghiệp và bài học “Tăng Sâm giết người”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng Sâm không giết người, nhưng hết lần này đến lần khác có người đến nói với mẹ ông rằng Tăng Sâm giết người, khiến cho bà mẹ vốn rất tin yêu con cũng tin là thật.

Minh bạch thông tin, phản ứng nhanh chóng, kịp thời khi xuất hiện những thông tin tiêu cực, sai sự thực là điều doanh nghiệp cần chú trọng để tránh rủi ro hiệu ứng tâm lý “mẹ Tăng Sâm”, nhất là trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội.

Đầu năm nay, một người quen hỏi tôi: “Nghe đồn Ngân hàng A thua kiện ở nước ngoài, phải trả món nợ lớn nên ngân hàng sẽ mất vốn. Chuyện này thực hư ra sao?”. Với hiểu biết nhất định về đơn vị này, tôi tự tin trả lời: “Không có chuyện đó đâu”.

Mấy ngày sau, tôi lại nhận được tin nhắn từ một nhà đầu tư chứng khoán: “Ngân hàng A sắp mất vốn à? Thông tin này đang lan tràn trên một số diễn đàn của dân đầu tư chứng khoán”. Dù tin tưởng thông tin này không chính xác, nhưng tôi vẫn gọi cho lãnh đạo cấp cao của một công ty kiểm toán trong nhóm Big4 để kiểm chứng thì vị này cho biết, không nghe được thông tin gì về việc đó.

Tưởng rằng tin đồn này sẽ nhanh chóng lắng xuống, nhưng một tuần sau, lãnh đạo cấp trung một cơ quan truyền thông lại hỏi tôi, liệu việc Ngân hàng A thay đổi Tổng giám đốc có phải do thua kiện ở nước ngoài dẫn tới mất vốn?

Lần thứ ba nhận được đúng một câu hỏi từ ba người khác nhau khiến tôi bán tín, bán nghi, nên điện thoại hỏi lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng A và lãnh đạo cấp cao của cơ quan quản lý nhà nước để xác thực thông tin. Và câu trả lời là: “Không có chuyện này”.

Câu chuyện trên khiến tôi nhớ đến tích “Tăng Sâm giết người” trong sách “Cổ học tinh hoa”. Truyện kể rằng, thời Xuân Thu có ông Tăng Sâm người đất Phi, tính cách chân thật, hiền hậu, hiếu thảo. Ông này có bà mẹ là người trung tín, một bụng tin con. Một ngày, có người trùng tên với ông giết người. Có người hớt hải chạy đến báo mẹ Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Người mẹ điềm nhiên ngồi dệt cửi. Một lúc, lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Người mẹ không nói gì, vẫn điềm nhiên dệt cửi. Một lúc nữa, có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ sợ cuống cuồng, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.

Một việc, dù cho sai rõ mười mươi, nhưng cứ nói đi nói lại, tung luận điệu xuyên tạc mãi cũng khiến người ta bán tín, bán nghi.

Tăng Sâm không giết người, thế mà hết người này đến người khác đến nói với bà mẹ rằng Tăng Sâm giết người, khiến cho bà mẹ vốn rất tin tưởng con cũng nghĩ đó là thật. Một việc, dù cho sai rõ mười mươi nhưng cứ nói đi nói lại, tung luận điệu xuyên tạc mãi cũng khiến người ta bán tín, bán nghi, rồi cũng tin là có thật.

Trong thời đại bùng nổ Internet và mạng xã hội, mỗi người có cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin, từ các nguồn khác nhau. Mặt tích cực của sự bùng nổ thông tin là người ta có thể tiếp cận nhanh chóng với mọi thông tin, từ bất kỳ đâu trên thế giới; các thông tin, sự kiện cũng được phản ánh với góc nhìn đa chiều hơn.

Tuy vậy, mặt tiêu cực là trong rừng thông tin như vậy, có rất nhiều thông tin sai sự thực, thông tin bịa đặt được lan truyền. Những thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng không đứng ngoài dòng chảy này, nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi khi những thông tin tích cực được lan truyền nhanh chóng và rộng rãi trên các mạng xã hội, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề bởi các tin đồn sai sự thật được phát đi trên những kênh thông tin này.

Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet rất cao. Theo số liệu của We Are Social, tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có tổng cộng 77,93 triệu người dùng Internet, đạt tỷ lệ 79,1% trên tổng dân số. Số lượng người dùng Internet tại Việt Nam đã tăng thêm 5,3 triệu, tương ứng tăng 7,3% so với năm 2022.

Thống kê tình hình sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam vào tháng 1/2023 cho thấy, Việt Nam có 70 triệu người dùng mạng xã hội. Theo các tổ chức GWI và data.ai, sự phổ biến của mạng xã hội ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục gia tăng. Đầu năm 2023, số lượng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đạt 71% tổng dân số, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên sử dụng mạng xã hội đạt 89%.

Nhìn vào các số liệu trên để thấy, với sự phát triển mạnh mẽ của thông tin kỹ thuật số, của công nghệ thông tin, các doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tăng cường minh bạch, chủ động chia sẻ thông tin, phản ứng kịp thời khi xuất hiện tin giả, tin sai sự thực nhằm ngăn ngừa và hạn chế hậu quả của khủng hoảng truyền thông.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục