Truyền hình trả tiền bắt đầu cạnh tranh sòng phẳng

0:00 / 0:00
0:00
Nghị định 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình sẽ tạo sân chơi bình đẳng, sòng phẳng cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Truyền hình trả tiền bắt đầu cạnh tranh sòng phẳng

OTT TV ngày càng phát triển

Báo cáo mới nhất của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy sự bão hòa của dịch vụ truyền hình truyền thống, khi thuê bao và doanh thu dịch vụ đã chững lại, trong khi dịch vụ truyền hình trên mạng Internet (OTT TV) có dư địa tăng trưởng lớn.

Dự kiến doanh thu cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cả năm 2022 đạt khoảng 9.300 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 9.200 tỷ đồng của năm 2021. Trong khi đó, doanh thu dự kiến của OTT TV trong nước trong năm 2022 dự báo đạt 740 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với khoảng 200 tỷ đồng của năm 2021.

Việt Nam hiện có 38 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (tăng 1 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2021). Bên cạnh các doanh nghiệp đã được cấp phép và hoạt động theo pháp luật, thị trường truyền hình trả tiền trong nước đang có sự tham gia của một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới, như Netflix, AppleTV, WeTV, IQIYI…

Hiện nay, OTT TV chiếm 20% thị trường, đạt xấp xỉ 3,6 triệu thuê bao, với doanh thu gần 190 tỷ đồng và đang tăng trưởng mạnh. OTT TV, ngoài các kênh chương trình, còn cung cấp tới 20.000 giờ nội dung truyền hình theo yêu cầu (VOD), trong đó, phim các loại chiếm đến 60% thời lượng.

Sự dịch chuyển thói quen xem truyền hình trả tiền truyền thống sang truyền hình trên Internet (IPTV, OTT) và sự góp mặt của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đang làm tăng mức độ cạnh tranh của truyền hình trả tiền.

Báo cáo từ Akamai cho thấy, Việt Nam có tới 36 triệu người dùng OTT TV trong số 180 triệu người dùng của toàn bộ Đông Nam Á. Thị trường OTT TV Đông Nam Á sẽ đạt trị giá 54 tỷ USD vào năm 2026 - một con số rất đáng để các doanh nghiệp truyền hình trả tiền quan tâm.

Cạnh tranh bình đẳng trên sân chơi

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2016/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Nghị định này khẳng định quan điểm quản lý dịch vụ OTT TV là doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới bình đẳng như doanh nghiệp trong nước. Theo đó, doanh nghiệp OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam phải được cấp phép và hoạt động như các doanh nghiệp Việt Nam.

Như vậy, sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và nền tảng OTT xuyên biên giới sẽ “cùng mặt bằng”, khi doanh nghiệp ngoại buộc phải tuân thủ luật chơi của Việt Nam trong cấp phép, đóng phí, thuế, biên tập nội dung…

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc thiết lập nền tảng pháp lý để các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam không phải là Việt Nam gây khó khăn cho các công ty xuyên biên giới, cũng không phải là vấn đề quan hệ song phương giữa Việt Nam với nước này, nước khác, mà chính là để tạo sân chơi công bằng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước; xóa bỏ định kiến rằng, quản lý nhà nước đang bảo hộ ngược doanh nghiệp nước ngoài do thiếu quy định khả thi để quản lý họ.

Ở một góc độ khác, với chính sách mới, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền Việt Nam cũng phải thay đổi. Chuyển đổi số để cạnh tranh với OTT TV là vấn đề sống còn trong thời gian tới.

Ông Đinh Đắc Vĩnh, Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, trong nhiều năm qua, sự bùng nổ của các nền tảng trực tuyến OTT, mạng xã hội đã ảnh hưởng đến các đài, buộc họ phải vào cuộc chuyển đổi số, sử dụng nền tảng OTT.

Theo ông Vĩnh, các nền tảng như Facebook, YouTube… dù mới xuất hiện, nhưng chiếm tới 80% doanh thu và chỉ còn 20% doanh thu dành cho đơn vị trong nước. Tại VTV, dù có kho nội dung phong phú nhất, nhưng tính tới tháng 8/2022, ứng dụng VTV Go mới có hơn 27 triệu cài đặt. Trong khi đó, Facebook có khoảng 70 triệu người dùng Việt Nam.

“Các đài cần hợp tác trong việc phát triển nội dung và các nền tảng phân phối, quản trị, điều hành. Cần hình thành liên minh và tạo ra hệ thống thông tin chính thống của Việt Nam để cạnh tranh được với các nền tảng nước ngoài”, ông Vĩnh đề xuất.

Theo ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media, OTT TV Việt Nam sẽ gặp nhiều áp lực cạnh tranh với OTT ngoại, nhưng đó cũng là cơ hội cho OTT TV Việt Nam khi nhu cầu bản quyền đối với nội dung Việt rất lớn và các OTT TV nước ngoài sẵn sàng trả giá tốt, để lấy được những sản phẩm chất lượng.

“Khoảng 1 - 2 năm nữa, các OTT TV nước ngoài sẽ bỏ tiền đầu tư sản xuất phim Việt tại Việt Nam, giống như đã làm tại các thị trường đi trước như Hàn Quốc, Trung Quốc… Viettel Media có thể sẽ bán một số nội dung cho OTT TV ngoại và họ cũng đang có kế hoạch cho những việc như vậy. Đó là cơ hội cho ngành sản xuất”, ông Hải dự báo.

Còn ông Lương Quốc Huy, Phó tổng giám đốc SCTV đề xuất, Nhà nước cần xây dựng quy hoạch phát triển thị trường truyền hình trả tiền phù hợp. Quy hoạch thị trường truyền hình trả tiền cần quy định về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chiếm thị phần khống chế trên một loại hình dịch vụ (cáp, vệ tinh, IPTV) để có cơ chế kiểm soát thị trường thông qua kiểm soát giá thành, tránh tình trạng phá giá, bán dưới giá thành, gây đổ vỡ thị trường...

Theo đó, quy hoạch cần đưa ra các cơ chế, chính sách kiểm soát giá cước, khuyến mại của các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền hay kiểm soát giá thành của các doanh nghiệp viễn thông khi cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nhằm kiểm soát việc bù chéo, phá giá dịch vụ truyền hình trả tiền, cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác.

Có thể thấy, với sự tăng trưởng nhanh chóng, OTT TV sẽ là một “trận địa” mới của truyền hình trả tiền. Các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược đầu tư đúng đắn để cạnh tranh với các nhà cung cấp xuyên biên giới vốn giàu tiềm lực tài chính, công nghệ và quản trị.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục