Truyền hình trả tiền đang “ăn đong, chạy bữa”

Thuê bao và doanh thu sụt giảm, trong khi sự cạnh tranh của các dịch vụ xuyên biên giới gia tăng đã khiến truyền hình trả tiền tại Việt Nam đứng trước vô vàn khó khăn.
Truyền hình trả tiền sụt giảm doanh thu vì bị cạnh tranh gay gắt với truyền hình qua Internet. Ảnh: Đức Thanh Truyền hình trả tiền sụt giảm doanh thu vì bị cạnh tranh gay gắt với truyền hình qua Internet. Ảnh: Đức Thanh

Kiệt quệ vì giá bản quyền truyền hình

Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, Việt Nam có 36 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, trong đó có 20/36 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet. Tổng lượng thuê bao đạt 15,3 triệu, tăng 800.000 thuê bao so với năm 2018 (14,5 triệu thuê bao).

Đáng chú ý, lượng thuê bao tuy tăng, nhưng doanh thu của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền chỉ ước đạt 1.885 tỷ đồng. So với 8.000 tỷ đồng doanh thu của năm 2018, thì đây quả là một con số đáng lo.

Giá bản quyền truyền hình quốc tế tiếp tục tăng cao khiến nhiều nhà đài phải từ bỏ cuộc chơi, không những không tăng thêm nội dung hấp dẫn thu hút thuê bao, mà còn khiến thuê bao rời bỏ nhà đài, khiến doanh thu sụt giảm. Cụ thể, việc tăng giá bản quyền đã khiến VTVCab, NextTV, K+… cắt giảm kênh thời gian qua.

Bên cạnh đó, các giải thể thao vốn là nội dung kéo thuê bao nhiều nhất cũng tăng giá rất mạnh. Điển hình là King's Cup 2019 diễn ra trong tháng 6/2019 tại Thái Lan, chỉ có 4 trận đấu, trong đó có 2 trận đội tuyển Việt Nam tham dự, nhưng số tiền mà các đài truyền hình Việt Nam phải trả cho đơn vị đang nắm bản quyền phát sóng ở Thái Lan (Thairath TV) để được phát sóng các trận đấu ở King's Cup 2019 là 300.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng), cao gấp 6 lần so với mức 50.000 - 70.000 USD ở những giải King's Cup trước.

Trước đó, tháng 3/2019, K+ tuyên bố đã mua độc quyền bản quyền truyền hình Giải bóng đá Ngoại hạng Anh trong 3 mùa tới tại Việt Nam, sau khi Facebook từ bỏ. K+ từng mua bản quyền truyền hình Premier League tại Việt Nam trong 3 mùa giải 2013 - 2015 là 33,5 triệu USD. Giá bản quyền tăng lên 40 triệu USD trong giai đoạn 2016 - 2018. Con số mua bản quyền Ngoại hạng Anh 3 mùa 2019 - 2021 không được tiết lộ, nhưng chắc chắn, giá bản quyền mà K+ có được rất cao, gấp nhiều con số 40 triệu USD của 3 mùa trước.

Năm ngoái, giá bản quyền  phát sóng World Cup 2018 được VTV mua khoảng 14 triệu USD. Trước đó, giá phát sóng World Cup năm 2010 Việt Nam sở hữu được bản quyền chỉ 3 triệu USD, nhưng đã tăng lên 7 triệu USD kỳ World Cup 2014 và đến kỳ World Cup 2018 tăng lên trên 14 triệu USD.

Bản quyền ASIAD có tỷ lệ tăng thậm chí còn “khủng”. Với ASIAD 2014, bản quyền cho gói độc quyền trên một nền tảng phát sóng là 400.000 USD và không độc quyền là 200.000 USD. Nhưng đến kỳ ASIAD 2018 mà VOV/VTC sở hữu, mức giá gần 1,7 triệu USD, gấp hơn 4 lần. Còn nếu tính từ kỳ ASIAD 2006 đến kỳ ASIAD 2018, thì mức giá tăng từ con số 10.000 USD lên gần 1,7 triệu USD, tăng 170 lần.

Nếu không mua bản quyền truyền hình, khách hàng sẽ rời bỏ, nhưng bỏ số tiền lớn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng thì vẫn lỗ. Điển hình là câu chuyện của K+, dù có trong tay bản quyền Ngoại hạng Anh 6 năm liên tiếp, từ 2013 - 2018, nhưng đến nay, K+ vẫn lỗ lũy kế tới hơn 3.070 tỷ đồng. Còn VTV cũng cho biết, tất cả các giải như EURO, World Cup mà VTV mua bản quyền đều lỗ nặng.

Theo ông Vũ Quang Huy, Giám đốc kênh VTC3 (Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC), việc mua bản quyền với giá cao đem đến nhiều rủi ro. Bỏ một số tiền lớn ra mua bản quyền không đồng nghĩa với việc bán được nhiều thuê bao. Nếu mua độc quyền thì càng tai hại, bởi có bao nhiêu tiền đều ném hết cho bên nắm bản quyền.

Ông Trần Văn Úy, Tổng giám đốc SCTV cũng cho biết, chi phí bản quyền các kênh quốc tế và các giải thể thao đỉnh cao ngày một tăng, trở thành gánh nặng đối với các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền, trong khi mức thu nhập và sẵn sàng chi trả của đại bộ phận người dân còn thấp. Nếu đầu tư vào bản quyền thì các đơn vị truyền hình trả tiền hầu như không còn ngân sách dành cho sản xuất nội dung riêng của mình nữa.

Khốn khổ vì cạnh tranh xuyên biên giới

Khó khăn chồng chất với dịch vụ truyền hình trả tiền. Lượng thuê bao lớn, nhưng doanh thu, lợi nhuận ngày càng teo tóp, ngoài chi phí tăng cao, còn do ARPU (doanh thu trung bình trên một thuê bao) ở mức thấp. Nhiều nhà đài hiện nay đang cung cấp mức giá thuê bao hàng tháng chỉ bằng 1 bát phở (từ 30.000 - 65.000 đồng/tháng). 

“APRU của truyền hình trả tiền ở Việt Nam rất thấp, trong khi các doanh nghiệp trong nước phải chi phí để đầu tư hạ tầng khá lớn, thị trường bị cạnh tranh mạnh, nên một số doanh nghiệp truyền hình không còn nhiều tiền để đầu tư vào các nội dung chuyên biệt”, ông Nguyễn Ngọc Lanh, Phó giám đốc VTC Digital cho biết.

Cũng theo ông Lanh, đây chưa phải là nguy cơ lớn nhất, mà sự đe dọa đến từ bên ngoài, đó là các dịch vụ truyền hình OTT (truyền hình qua Internet). Hiện dịch vụ truyền hình OTT có hiện tượng cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, chưa thực hiện trách nhiệm về thuế, cũng như các trách nhiệm tuân thủ các quy định quản lý nội dung khác.

“Các doanh nghiệp truyền hình của Việt Nam khi nhập khẩu một nội dung, mua bản quyền để phát sóng đều phải đóng thuế, khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng cũng nộp thuế. Trong khi các OTT bán dịch vụ vào Việt Nam không nộp thuế, không chịu sự kiểm duyệt nội dung, như vậy hoàn toàn không công bằng. Với một chương trình OTT có cài sẵn quảng cáo, khi họ phát vào Việt Nam, người Việt Nam phải xem những quảng cáo này, nhưng Việt Nam cũng không thu được đồng thuế nào từ các quảng cáo”, ông Trần Văn Úy bức xúc.

Trước thực trạng này, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền Việt Nam kiến nghị, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý bình đẳng giữa dịch vụ trong nước và ngoài nước, trong cả hai lĩnh vực nội dung số và truyền hình trả tiền.

Được biết, trong kế hoạch 6 tháng cuối năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Số liệu của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, ARPU của truyền hình tại Việt Nam ở mức thấp so với trung bình của khu vực và thế giới, khi chỉ 4 USD/thuê bao, trong khi các nước ASEAN từ 10-30 USD/thuê bao. Cụ thể, Singapore là 32 USD, Malaysia là 30 USD, Indonesia 11 USD, Thailand là 11 USD, Campuchia là 10 USD, Myanmar là 10 USD, Philippines cũng ở mức 9 USD.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục