Trút bỏ nỗi lo, giới đầu tư xuống tiền bắt đáy

(ĐTCK) Việc Trung Quốc không phá giá tiếp đồng nhân dân tệ, cùng thông tin Tổng thống Trump đang lên kế hoạch tổ chức một phái đoàn để đám phán tiếp với Trung Quốc trong tháng 9 đã xoa dịu nỗi lo, thúc đẩy giới đầu tư tích cực bắt đáy trong phiên thứ Ba (6/8).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Trong phiên thứ Hai (5/8), việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất 1 thập kỷ so với đồng USD đã kích hoạt lệnh bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

Tuy nhiên, trong phiên thứ Ba, sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, Bắc Kinh đã có động thái, đẩy tỷ giá đồng nhân dân tệ với USD hồi nhẹ trở lại. Động thái này phát đi tín hiệu rằng Bắc Kinh muốn giữ đồng nhân dân tệ ổn định và tăng dần. Tuy nhiên, nó cũng chỉ ra rằng, mọi thứ cũng có thể thay đổi một cách nhanh chóng, khó lường.

Ngoài ra, Cố vấn Nhà trắng Larry Kudlow cho biết, Tổng thống Donald Trump đang lên kế hoạch tổ chức một phái đoàn để đàm phán tiếp với Trung Quốc vào tháng 9.

Những thông tin trên đã xoa dịu nỗi lo bao trùm giới đầu tư trong 2 phiên vừa qua, kích thích nhà đầu tư mạnh dạn bắt đáy trong phiên thứ Ba, giúp cả 3 chỉ số chính của phố Wall có phiên hồi phục mạnh với thanh khoản cao mới mức trung bình 20 phiên gần nhất.

Về thông tin kinh tế, theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, cơ hội việc làm, thước đo nhu cầu lao động giảm 36.000 xuống 7,3 triệu cơ hội trong tháng 6. Kể từ khi đạt đỉnh lịch sử 7,6 triệu cơ hội cuối năm 2018, cơ hội việc làm đã ổn định trở lại trong năm 2019.

Con số mới công bố này củng cố thêm khả năng Fed sẽ tiếp tục có đợt giảm lãi suất nữa trong tương lai.

Kết thúc phiên 6/8, chỉ số Dow Jones tăng 311,78 điểm (+1,21%), lên 26.029,52 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 37,03 điểm (+1,30%), lên 2.881,77 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 107,23 điểm (+1,39%), lên 7.833,26 điểm.

Trong khi đó, đóng cửa trước phố Wall, nên nỗi lo về cuộc chiến thương mại leo thang vẫn ám ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu, khiến các chỉ số chính của khu vực này tiếp tục giảm điểm, dù có lúc đã nỗ lực hồi phục trở lại.

Kết thúc phiên 6/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 52,16 điểm (-0,72%), xuống 7.171,69 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 90,55 điểm (-0,78%), xuống 11.567,96 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 6,89 điểm (-0,13%), xuống 5.234,65 điểm.

Cũng giống như chứng khoán châu Âu, chứng khoán châu Á tiếp tục sụt giảm trong phiên thứ Ba khi nỗi lo về một cuộc chiến thương mại bước vào giai đoạn nguy hiểm, có thể vượt tầm kiểm soát ám ảnh nhà đầu tư. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1.

Kết thúc phiên 6/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 134,98 điểm (-0,65%), xuống 20.585,31 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 43,94 điểm (-1,56%), xuống 2.777,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 175,08 điểm (-0,67%), xuống 25.976,24 điểm.

Vai trò trú ẩn an toàn của nhà đầu tư vẫn ở mức cao trước cuộc chiến thương mại leo thang đến mức nguy hiểm giúp giá vàng tiếp tục tăng trong phiên thứ Ba, lên mức cao nhất 6 năm.

Kết thúc phiên 6/8, giá vàng giao ngay tăng 10,6 USD (+0,72%), lên 1.474,0 USD/ounce. Trong khi giá vàng giao tháng 8 tăng 7,8 (+0,53%), lên 1.472,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 7,7 USD (+0,52%), lên 1.484,2 USD/ounce.

Trái ngược với giá vàng, chiến tranh thương mại leo thang khiến nỗi lo nhu cầu sụt giảm đã đẩy giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên thứ Ba, trong đó giá dầu thô Brent xuống mức thấp nhất gần 7 tháng.

Kết thúc phiên 6/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,06 USD (-1,94%), xuống 53,63 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,87 USD (-1,45%), xuống 58,94 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục