Nỗi lo vẫn bao trùm nhà đầu tư

(ĐTCK) Hoạt động bán tháo tiếp tục diễn ra trong phiên cuối tuần (2/8), kéo chứng khoán toàn cầu lao dốc không phanh do nhà đầu tư lo lắng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Sau phiên bán tháo ồ ạt cuối ngày thứ Năm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc kể từ ngày 1/9, ngoại trừ 250 tỷ USD hàng hóa đã đánh thuế 25% trước đó, phố Wall tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong phiên cuối tuần khi nhà đầu tư lo lắng viễn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu do tác động của cuộc chiến thương mại.

Hoạt động bán tháo tiếp tục diễn ra, nhất là ở nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn rất nhạy cảm với chiến tranh thương mại.

Về dữ liệu kinh tế, Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Sáu công bố bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ tháng trước có thêm 164.000 việc làm, phù hợp với dự báo.

Kết thúc phiên 2/8, chỉ số Dow Jones giảm 98,41 điểm (-0,37%), xuống 26.485,01 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 21,51 điểm (-0,73%), xuống 2.932,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 107,05 điểm (-1,32%), xuống 8.004,07 điểm.

Với 3 phiên lao dốc liên tiếp, phố Wall đã có tuần giảm mạnh sau khi hồi nhẹ trước đó. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones giảm 2,6%, S&P 500 giảm 3,10% và Nasdaq Composite giảm 3,92%. Đây là tuần tăng tồi tệ nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ tháng 12/2018.

Chứng khoán châu Âu cũng lao dốc không phanh trong phiên giao dịch cuối tuần khi nhà đầu tư phản ứng tiêu cực với đà leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Kết thúc phiên 2/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 177,81 điểm (-2,34%), xuống 7.407,06 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 380,71 điểm (-3,11%), xuống 11.872,44 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 198,41 điểm (-3,57%), xuống 5.359,00 điểm.

Phiên lao dốc cuối tuần cũng khiến chứng khoán châu Âu có tuần giảm mạnh. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giảm 1,88%, chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp, chỉ số DAX giảm 4,41%, chỉ số CAC 40 giảm 4,48%, sau khi hồi nhẹ trong tuần trước đó.

Chứng khoán châu Á cũng bị bán tháo đồng loạt trong phiên giao dịch cuối tuần qua khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc kể từ ngày 1/9 tới, không bao gồm 250 tỷ USD đã đánh thuế 25% trước đó. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản đóng cửa ở mức thấp nhất 6 tuần.

Kết thúc phiên 2/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 453,83 điểm (-2,11%), xuống 21.087,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 40,93 điểm (-1,41%), xuống 2.867,84 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 647,12 điểm (-2,35%), xuống 26.918,58 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,64% sau khi hồi nhẹ trước đó, chỉ số Hang Seng giảm tới 5,21%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp và chỉ số Shanghai Composite cũng giảm 2,60% sau khi hồi nhẹ tuần trước.

Giá vàng giao ngay lình xình và đóng cửa giảm nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần sau phiên khởi sắc hôm thứ Năm khi áp lực chốt lời. Trong khi đó, giá vàng tương lai do phiên thứ Năm đóng cửa trước câu Tweet của ông Trump nên tăng bù trong phiên cuối tuần với mức tăng nhảy vọt.

Kết thúc phiên 2/8, giá vàng giao ngay giảm 5,1 USD (-0,35%), lên 1.440,0 USD/ounce. Trong khi giá vàng giao tháng 8 tăng 24,7 (+1,74%), lên 1.445,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 25,1 USD (+1,75%), lên 1.457,5 USD/ounce.

Nhờ việc Fed giảm lãi suất và leo thang thương mại Mỹ - Trung, giá vàng đã tăng mạnh trở lại sau tuần điều chỉnh trước đó. Chốt tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,53%, giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 1,85% và giá vàng tương lai giao tháng 12 cũng tăng 1,77%.

Căng thẳng thương mại leo thang, cùng với việc Iran tiếp tục bắt tàu trở dầu nước ngoài thứ 3 trong 1 tháng khiến giới phân tích gần như đoán chắc giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới. Giới đầu tư cũng đặt kỳ vọng lớn vào đà tăng của giá vàng dù tỷ lệ ít hơn.

Cụ thể, trong 14 chuyên gia trả lời, có tới 13 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 93%, cao hơn rất nhiều so với mức 50% của tuần trước. Chỉ có duy nhất 1 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 7%, thấp hơn con số 19% của tuần trước và không có ai dự báo giá vàng đi ngang.

Tương tự, trong 870 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến, có 540 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 62%, nhỉnh hơn chút ít so với con số 61% của tuần trước; 229 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 25%, cao hơn so với mức 23% của tuần trước và 117 người dự báo giá đi ngang, chiếm 13%.

Sau khi lao dốc trong phiên thứ Năm sau tuyên bố áp thuế 10% với thêm 300 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc từ 1/9 tới, giá dầu thô đã hồi phục trở lại khi căng thẳng ở vùng vịnh gia tăng sau khi Iran bắt tàu trở dầu nước ngoài thứ 3 trong vòng 1 tháng.

Kết thúc phiên 2/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,71 USD (+3,07%), lên 55,66 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,39 USD (+2,25%), lên 61,89 USD/thùng.

Dù hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng phiên lao dốc hôm thứ Năm do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng khiến giá dầu thô quay đầu giảm trở lại trong tuần qua sau tuần hồi phục trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 0,96%, giá dầu thô Brent giảm 2,47%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục