Thất vọng với Fed, giới đầu tư ồ ạt bán tháo

(ĐTCK) Dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất như kỳ vọng, nhưng tuyên bố sau đó của ông Chủ tịch Fed khiến giới đầu tư thất vọng ồ ạt bán ra, đẩy phố Wall lao dốc cuối phiên thứ Tư (31/7).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Trong phiên thứ Tư, các chỉ số chính của phố Wall chủ yếu lình xình để chờ đợi thông tin chính thức sau cuộc họp của Fed kết thúc vào chiều thứ Tư theo giờ Mỹ.

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Fed đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 1 thập kỷ như dự đoán, nhưng mức giảm chỉ ở mức 0,25% so với mức 0,5% như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư.

Tuy nhiên, điều làm giới đầu tư thất vọng là phát biểu sau cuộc họp, ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed cho biết, động thái cắt giảm lãi suất lần này không phải khởi đầu cho một chu kỳ giảm lãi suất kéo dài, nhưng cũng không nói rằng, đây là lần cắt giảm duy nhất.

Sau phát biểu của ông Powell, giới đầu tư thất vọng và ồ ạt bán tháo, đẩy các chỉ số chính của phố Wall lao dốc mạnh cuối phiên, nhưng may mắn thoát được mức điểm thấp nhất ngày.

Kết thúc phiên 31/7, chỉ số Dow Jones giảm 333,75 điểm (-1,23%), xuống 26.864,27 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 32,80 điểm (-1,09%), xuống 2.980,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 98,19 điểm (-1,19%), xuống 8.175,42 điểm.

Phiên lao dốc cuối tháng đã khiến đà tăng trong tháng 7 của phố Wall bị hụt đi khá nhiều. Cụ thể, trong tháng 7, Dow Jones tăng 0,99%, S&P 500 tăng 1,31% và tốt nhất là Nasdaq tăng 2,11%.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu đóng cửa trước cuộc họp báo của Chủ tịch Fed nên chịu tác động chủ yếu từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vừa công bố. Trong đó, chứng khoán Anh tiếp tục giảm mạnh, trả lại hết những gì đã có trong phiên giao dịch thứ Hai (29/7), còn chứng khoán Đức và Pháp hồi phục nhẹ sau phiên lao dốc hôm thứ Ba nhờ kết quả kinh doanh tích cực của BNP Paribas, Credit Suisse, Puma, Adidas, L'Oreal... Tuy nhiên, mức tăng không lớn khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi thông tin chính thức từ Fed.

Kết thúc phiên 31/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 59,99  điểm (-0,78%), xuống 7.586,78 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 41,80 điểm (+0,34%), lên 12.189,04 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 7,84 điểm (+0,14%), lên 5.518,90 điểm.

Chốt tháng 7, trong khi chỉ số FTSE100 tăng 2,17%, thì DAX lại giảm 1,69% và CAC 40 giảm 0,36%.

Chứng khoán châu Á cũng chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ Tư, nhưng không phải đến từ phát biểu của ông Powell vì đóng cửa trước, mà đến từ câu Tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó về đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Kết thúc phiên 31/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 187,78 điểm (-0,86%), xuống 21.521,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 19,83 điểm (-0,67%), xuống 2.932,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 368,75 điểm (-1,31%), xuống 27.777,75 điểm.

Dù giảm liên tiếp 2 phiên cuối tháng, nhưng chốt tháng 7, Nikkei 225 vẫn tăng 1,15%, tháng tăng thứ 2 liên tiếp, trong khi Hang Seng và Shanghai lại quay đầu giảm 2,68% và 1,56%.

Cũng thất vọng với phát biểu của ông Powell, giới đầu tư trên thị trường vàng đồng loạt bán tháo cuối phiên khiến giá vàng lao dốc mạnh.

Kết thúc phiên 31/7, giá vàng giao ngay giảm 17 USD (-1,19%), xuống 1.413,4 USD/ounce. Trong khi giá vàng giao tháng 8 đóng cửa trước nên chỉ giảm 3,6 USD (-0,25%), xuống 1.426,1 USD/ounce, nhưng mở cửa phiên 1/8 cũng lao mạnh.

Dù lao dốc phiên cuối tháng, nhưng chốt tháng 7, giá vàng giao ngay vẫn giữ được mức tăng 0,32% và giá vàng tương lai tăng 0,88%.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng do lượng hàng tồn kho dầu thô của Mỹ giảm trong tuần trước.

Kết thúc phiên 31/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,53 USD (+0,90%), lên 58,58 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,15 USD (+0,69%), lên 65,17 USD/thùng.

Chốt tháng 7, giá dầu thô Mỹ tăng nhẹ 0,19%, tháng tăng thứ 2 liên tiếp, trong khi giá dầu thô Brent giảm 2,07%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục