Thực tế, các nền kinh tế mới nổi vẫn đang giữ tốc độ tăng trưởng nhanh gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển, tuy nhiên khoảng cách được dự báo ngày càng hẹp dần và tăng trưởng GDP của các nền kinh tế mới nổi sẽ ở mức thấp nhất một thập kỷ trong năm nay. Đáng chú ý, một số quốc gia thuộc nhóm này như Brazil, Nga và Mexico thậm chí có tăng trưởng thấp hơn cả các quốc gia phát triển.
Hiện tại, đa phần ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi cố gắng thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế bằng cách hạ thấp lãi suất, tạo môi trường tín dụng giá rẻ, mà gần đây nhất là hành động của Indonesia và Nam Phi. Đây là công cụ vẫn được các ngân hàng trung ương sử dụng, tuy nhiên, theo giới chuyên gia, điều này là không đủ để đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất và sản lượng hàng hóa đầu ra. Các nền kinh tế mới nổi cần giải pháp để giải quyết tận gốc vấn đề năng suất lao động kém, thiếu sáng tạo trong sản xuất và bước đi chậm chạp của quá trình cải tổ tại các quốc gia này.
Đáng chú ý, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bộc lộ nhược điểm “chí mạng” của các nền kinh tế mới nổi với sự phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu. Theo đó, tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất 7 năm qua, khi chỉ tăng 0,5% trong quý I/2019 và con số này năm 2019 được dự báo sẽ chỉ bằng phân nửa so với mức đạt được cách đây 2 năm.
Trong bối cảnh này, tăng trưởng kinh tế quý II/2019 của Trung Quốc ở mức thấp nhất trong gần 30 năm qua, trong khi Singapore chứng kiến quý II giảm tốc, ở mức thấp nhất kể từ năm 2012. Hàn Quốc cũng buộc phải hạ thấp dự báo tăng trưởng năm 2019 khi nền kinh tế toàn cầu đi xuống và xung đột thương mại với Nhật Bản căng thẳng hơn.
Một vấn đề khác gây khó khăn đối với các nền kinh tế mới nổi là việc Trung Quốc trở mình, tập trung động lực tăng trưởng kinh tế vào yếu tố tiêu dùng nội địa, gây nứt gãy trong chuỗi cung ứng tại các nền kinh tế mới nổi nói chung và tại khu vực châu Á nói riêng. Trong bối cảnh này, một số quốc gia đang nỗ lực gia tăng thị phần tại thị trường Đại lục, nhưng yếu tố này vẫn không đủ để cân bằng lại tổn thất.
Việc chậm chạp trong quá trình cải cách cũng là một hòn đá tảng kéo ghì bước tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt tại Mỹ Latin. IMF đã liên tục hạ các dự báo tăng trưởng đối với khu vực này, nhất là Mexico và Brazil trong năm 2019 vì các yếu tố chính trị, vĩ mô bất ổn, trong khi Argentina vẫn đang vật lộn để hồi phục sau khủng hoảng năm ngoái.
Trong bối cảnh này, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng hạ lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua, đồng thời giữ xu hướng này cho tới hết năm phần nào có thể giúp các nền kinh tế mới nổi thở phào trong ngắn hạn. Với việc Fed hạ lãi suất, ngân hàng trung ương các quốc gia mới nổi có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, hỗ trợ hoạt động đầu tư và tiêu dùng trong nước.
Thực tế, so với cách đây 10 năm, số lượng các quốc gia mới nổi thâm hụt ngân sách ở mức thấp hơn, trong khi quỹ dự trữ ngoại hối dồi dào và kiểm soát đồng nội tệ tốt hơn trước sức mạnh của USD. Tuy nhiên, những áp lực đối với khu vực này là hiện hữu, nhất là việc phải giải quyết vấn đề năng lực sản xuất, vốn là giá đỡ hỗ trợ nền kinh tế vững vàng hơn trước các biến động bên ngoài. Và chính sách tiền tệ nới lỏng trên toàn cầu đang tạo ra cơ hội tốt để làm việc này mà các nền kinh tế mới nổi không nên phung phí.