Theo kết quả cuộc bầu cử vòng 1 Tổng thống Pháp hôm Chủ nhật (23/4) được công bố ngày cho thấy, ứng viên ôn hòa Emmanuel Marcon và lãnh đạo phòng trào cực hữu, bà Marine Le Pen là 2 người chiến thắng để bước vào vòng bầu cử thứ 2 tổ chức vào ngày 7/5 tới. Trong đó, ông Marcon dẫn đầu khi giành được 23,9% số phiếu bầu, còn bà Le Pen giành được 21,4% số p hiêu bầu.
Sau kết quả bầu cử vòng 1 được công bố, Tổng thống Francois Hollande đã lên tiếng ủng hộ ứng viên Emmanuel Marcon trong vòng bầu cử thứ 2 và cảnh báo hậu quả nguy hiểm nếu bà Marine Le Pen chiến thắng.
Sau kết quả này, cùng những diễn biến sau đó, giới đầu tư phần nào đã rút được gánh lo về một cuộc khủng hoảng “Frexit” (Pháp sẽ rời EU giống như Anh), nên đã ồ ạt mua vào các tài sản có rủi ro, nhưng khả năng sinh lời cao như chứng khoán, giúp phố Wall hồi phục. Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tăng mạnh hơn 1% trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Sau khi nỗ lo về bất ổn chính trị tại châu Âu tạm qua đi, giới đầu tư phố Wall đang chờ đợi một tuần bận rộn với hơn 190 công ty trong S&P 500 công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2017, trong đó có những cái tên rất đáng chú ý là Alphabet, Microsoft.
Kết thúc phiên 24/4, chỉ số Dow Jones tăng 216,13 điểm (+1,05%), lên 20.763,89 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 25,46 điểm (+1,08%), lên 2.374,15 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 73,30 điểm (+1,24%), lên 5.983,82 điểm.
Dĩ nhiên, điểm khởi phát của thông tin quan trọng được giới đầu tư quan tâm là châu Âu cũng có một phiên giao dịch đầy hứng khởi. Các thị trường chứng khoán chính trong khu vực đã có 1 phiên thăng hoa, với mức tăng từ hơn 2% đến hơn 4%.
Kết thúc phiên 24/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 150,13 điểm (+2,11%), lên 7.264,68 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 406,41 điểm (+3,37%), lên 12.454,98 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 209,65 điểm (+4,14%), lên 5.268,85 điểm.
Cũng giống chứng khoán Âu, Mỹ, kết quả của vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp với việc ứng viên ôn hòa Emmanuel Macron giúp giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Á phần nào an tâm hơn, qua đó giúp chứng khoán Nhật Bản tiếp tục khởi sắc, chứng khoán Hồng Kông hồi phục trở lại. Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán Hồng Kông bị hãm lại do ảnh hưởng từ thị trường đại lục và các cổ phiếu bất động sản đại lục niêm yết trên sàn này lao dốc mạnh.
Nỗi lo về đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau một số biện pháp quản lý chặt chẽ của chính quyền các địa phương, cùng chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc khiến chứng khoán Trung Quốc đại lục nhanh chóng quay đầu giảm mạnh trong phiên đầu tuần mới sau khi có phiên hồi nhẹ cuối tuần trước.
Ngoài ra, việc Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải cho biết sẽ theo dõi sát giao dịch của các cổ phiếu bất động sản, xây dựng liên quan đến việc xây dựng khu kinh tế Hùng An khiến nhóm cổ phiếu này lao dốc mạnh, kéo thị trường lao theo trong phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên 24/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 255,13 điểm (+1,37%), lên 18.875,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 97,46 điểm (+0,41%), lên 23.139,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 43,62 điểm (-1,37%), xuống 3.129,53 điểm.
Việc các nhà đầu tư đổ dồn tiền vào chứng khoán đã khiến vai trò trú ẩn của vàng giảm xuống, đẩy giá kim loại quý này quay đầu giảm khá mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Kết quả cuộc bầu cử vòng 1 Tổng thống Pháp cũng “rút hết nhiên liệu” để vàng có thể chạy tiếp.
Kết thúc phiên 24/4, giá vàng giao ngay giảm 7,9 USD (-0,62%), xuống 1.276,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 8,5 USD (-0,66%), xuống 1.277,5 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh, nối tiếp đà lao dốc của tuần trước khi thiếu sự xác nhận của OPEC về việc sẽ mở rộng cam kết cắt giảm sản lượng. Trong khi Nga cho biết, có thể sẽ nâng sản lượng lên mức cao nhất 30 năm nếu cam kết chấm dứt.
Kết thúc phiên 24/4, giá dầu thô Mỹ giảm 0,39 USD/thùng (-0,79%), xuống 49,23 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,36 USD (-0,73%), xuống 51,60 USD/thùng.