Sau phiên phục hồi tích cực đầu tuần, phố Wall đã nhanh chóng quay đầu giảm trở lại trong phiên thứ Ba do ảnh hưởng từ sự sụt giảm của 2 cổ phiếu lớn Goldman Sachs và Johnson & Johnson khi 2 đại gia này công bố kết quả kinh doanh quý I/2017 kém khả quan.
Trong đó, cổ phiếu Goldman Sachs giảm tới 4,7%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 29/11/2016 sau khi công bố lợi nhuận không đạt kỳ vọng, còn doanh thu giảm.
Cổ phiếu Johnson & Jonhson cũng giảm 3,1%, mức giảm mạnh nhất trong 14 tháng sau khi công bố doanh thu giảm so với kỳ vọng.
Kết thúc phiên 18/4, chỉ số Dow Jones giảm 114,61 điểm (-0,56%), xuống 20.522,31 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,05 điểm (-0,26%), xuống 2.342,96 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 9,43 điểm (-0,16%), xuống 5.847,36 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, đồng loạt các thị trường chính trong khu vực này đã lao dốc mạnh ngay khi giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ lễ. Chứng khoán châu Âu lao dốc mạnh trong phiên thứ Ba khi Thủ tướng Anh bất ngờ kêu gọi bầu cử sớm, khiến chỉ số FTSE 100 tại Anh có phiên giảm tồi tệ nhất kể từ sau Brexit. Chứng khoán Pháp cũng giảm tới 1,6% khi nỗi lo về bất ổn chính trị gia tăng khi cuộc bầu cử Tổng thống tới gần.
Kết thúc phiên 18/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 180,09 điểm (-2,46%), xuống 7.147,50 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 108,56 điểm (-0,90%), xuống 12.000,44 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 80,85 điểm (-1,59%), xuống 4.990,25 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên có ngày giảm thứ 3 liên tiếp, cùng phiên tăng mạnh của phố Wall đầu tuần giúp chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Ba, thoát khỏi mức thấp nhất tháng.
Trong khi đó, chưa kịp phản ứng với những căng thẳng địa chính trị do nghỉ lễ, chứng khoán Hồng Kông đã ngay tức khác chiết khấu nỗi lo này khi mở cửa trở lại trong phiên thứ Ba với việc giảm mạnh 1,4%. Ngoài ra, chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh trong phiên thứ Ba còn do ảnh hưởng từ nỗi lo về sự tăng trưởng thiếu chắc chắn của kinh tế Trung Quốc.
Tương tự, chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng có phiê giảm thứ 3 liên tiếp do nỗi lo về tính bền vững của tăng trưởng kinh tế, cũng như các quy định thắt chặt hơn trên thị trường của Chính phủ Trung Quốc.
Kết thúc phiên 18/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 63,33 điểm (+0,35%), lên 18.418,59 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 337,12 điểm (-1,39%), xuống 23.924,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 25,57 điểm (-0,79%), xuống 3.196,60 điểm.
Giá vàng đã lấy lại đà tăng trong phiên thứ Ba khi nỗi lo bất ổn chính trị tại châu Âu giúp cho vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý này trở lại.
Kết thúc phiên 18/4, giá vàng giao ngay tăng 5,2 USD (+0,41%), lên 1.289,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 2,2 USD (+0,17%), lên 1.294,1 USD/ounce.
Dầu thô tiếp tục giảm trong phiên thứ Tư khi sản lượng dầu thô của Mỹ giảm thấp hơn dự báo. Giá dầu thô có lúc đã giảm xuống mức thấp nhất 11 ngày khi Chính phủ Mỹ cho biết, sản lượng dầu đá phiến của nước dự kiến sẽ tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm trong tháng 5.
Tuy nhiên, đà giảm đã được hãm bớt về cuối phiên khi có thông tin Ả Rập Xê út, nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất của OPEC đang hãm nguồn cung ra thị trường.
Kết thúc phiên 18/4, giá dầu thô Mỹ giảm 0,24 USD/thùng (-0,46%), xuống 52,41 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,47 USD (-0,86%), xuống 54,89 USD/thùng.