Fed tăng lãi suất, các quốc gia châu Á “bơi” trong biển nợ

(ĐTCK) 20 năm sau khủng hoảng tài chính châu Á và một thập kỷ kể từ khi thắt chặt tín dụng toàn cầu, châu Á đang bơi trong biển nợ và đối diện với nhiều rủi ro xuất phát từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất.
Fed tăng lãi suất, các quốc gia châu Á “bơi” trong biển nợ

Các khoản nợ tại châu Á hiện diện ở mọi bộ phận: doanh nghiệp, ngân hàng, chính phủ, hộ gia đình và thổi phồng mọi thứ, từ giá thép tại Thượng Hải cho tới giá bất động sản ở Sydney. Khi Fed tiến hành nâng lãi suất, điều này đồng nghĩa với việc các khoản nợ lại trở thành mối lo lớn, do đồng USD mạnh lên, khiến giá trị quy đổi ra nội tệ của các khoản nợ cũng tăng theo hoặc khiến các ngân hàng bản địa phải nâng lãi suất đồng nội tệ...

S&P Global Ratings ước tính, có khoảng gần 1.000 tỷ USD các khoản nợ doanh nghiệp mà tổ chức này xếp hạng sẽ tới hạn vào năm 2021, trong đó 63% là các khoản nợ bằng USD và 7% bằng euro. Thực tế, vẫn tồn tại các bệ đỡ cho các khoản nợ khổng lồ này. Cụ thể, chính phủ các nước nâng cao quỹ dự trữ tiền tệ, gia tăng sức hấp dẫn của thị trường trái phiếu, coi đây là nguồn tài chính thay thế. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất đang ở mức thấp và tình trạng nới lỏng tiền tệ vẫn đang bao trùm toàn bộ khu vực, giúp giảm bớt chi phí dịch vụ.

Tuy nhiên, đà tăng của các khoản nợ vẫn là đáng lo ngại, bởi khu vực này hiện đang đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các nền kinh tế châu Á sẽ tiếp tục phát triển trên mức 5% trong năm 2017, 2018, so với trung bình 3,5% toàn cầu.

Dưới đây là cái nhìn về các khoản nợ của một số nền kinh tế lớn nhất.

Trung Quốc

Hàng nghìn tỷ USD trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ là tin tốt vì giá trị thực của số trái phiếu này đang tăng, nhưng các khoản nợ vẫn là nỗi lo. Tổng các khoản nợ của Trung Quốc đã đạt mức 258% quy mô nền kinh tế trong năm 2016, so với mức 158% năm 2005. Tuy chính quyền Đại lục đã tiến hành các biện pháp thắt chặt hoạt động cho vay và sử dụng đòn bẩy trong năm qua, nhưng những biến chuyển diễn ra khá chậm.

Đa phần số nợ của Trung Quốc tập trung tại khu vực doanh nghiệp, lĩnh vực đang gánh chịu nhiều sức ép bởi tình trạng hoạt động trì trệ của các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, hay còn được gọi là các công ty zombie. IMF đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc cần nhanh chóng có biện pháp giải quyết các khoản nợ tại những công ty này.

Bên cạnh đó, một điểm nóng khác là các khoản vay mượn của chính quyền địa phương, cùng hoạt động “rầm rộ” của thị trường tài chính ngầm. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đưa ra những tín hiệu đáng ngại, với hàng loạt các công ty không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ trong năm 2016 và đầu năm 2017, trong khi trái phiếu chính quyền một số địa phương lần đầu tiên bị hạ bậc xếp hạng bởi S&P Global Ratings.

Fed tăng lãi suất, các quốc gia châu Á “bơi” trong biển nợ ảnh 1

Hàn Quốc

Sau một thời gian duy trì lãi suất ở mức thấp và thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Hàn Quốc dường như đang choáng váng, cần phải trấn tĩnh lại.

Các khoản nợ hộ gia đình tại Hàn Quốc đã đạt mức 1.344,3 nghìn tỷ won (1.200 tỷ USD) năm 2016. Giới chức nước này lo ngại, các hộ gia đình thu nhập thấp tại Hàn Quốc có thể phá sản nếu việc Fed thắt chặt tiền tệ gây tác động nâng lãi suất tại thị trường nội địa. Chưa kể, các khoản nợ lớn đang ảnh hưởng tới thị trường tiêu dùng tại Đại Hàn dân quốc.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng là một trong các quốc gia có vấn đề nợ nần bậc nhất trong OECD, với tỷ lệ nợ hộ gia đình/thu nhập khả dụng ở mức 169% năm 2015, so với mức trung bình là 129%.

Fed tăng lãi suất, các quốc gia châu Á “bơi” trong biển nợ ảnh 2

Nhật Bản

Nhật Bản đang nổi tiếng bởi các khoản nợ không chỉ ở châu Á, mà còn trên toàn cầu, khi gánh nặng nợ nần đã ở mức gấp hơn 2,5 lần quy mô nền kinh tế, trong bối cảnh chính phủ nước này chưa có giải pháp nào để đạt được mục tiêu thặng dư ngân sách vào năm 2020, bước đi đầu tiên để ngừng gia tăng các khoản nợ quốc gia.

Tuy nhiên, đất nước mặt trời mọc sở hữu các khoản đầu tư thực chất tại nước ngoài và nội địa, nhờ vậy giảm bớt mối lo ngại với các khoản nợ cơ bản. Thêm vào đó, đa phần các khoản nợ doanh nghiệp và chính phủ Nhật Bản được tính bằng đồng yên, trong khi các trái phiếu cũng chủ yếu được phát hành tại thị trường nội địa, do đó ít gây nguy cơ dòng tiền tháo chạy.

Australia

Tỷ lệ nợ/thu nhập tại Australia đã đạt mức kỷ lục trong lịch sử là 189%, đa phần các khoản nợ là vay mua bất động sản. Trong năm qua, giá bất động sản có liên quan tới các khoản nợ đã tăng 6,5%, trong khi thu nhập hộ gia đình chỉ tăng 3%, theo số liệu của ngân hàng trung ương quốc gia này.

“Tăng trưởng tiền lương ở mức thấp kỷ lục khiến nhiều hộ gia đình gặp khó khăn trong việc trả nợ. Với rất nhiều người, số lượng nợ lớn, trong khi tiền lương thấp đang tạo nên tình huống đầy đau khổ”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia, Philip Lowe cho biết.

Một phần nguyên nhân khiến các khoản nợ hộ gia đình tại Australia gia tăng nhanh chóng là bởi thị trường bất động sản phát triển nóng. Giá nhà tại Sydney, Melbourne đã tăng 105% kể từ năm 2009 bởi nhu cầu quá lớn từ các nhà đầu tư địa phương khi lãi suất ở mức thấp và khách hàng nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc, tìm kiếm nơi neo đậu tài sản an toàn.

Ấn Độ

Tỷ lệ nợ chính phủ/GDP của Ấn Độ ở mức gần 70%, cao hơn nhiều so với các quốc gia cùng được xếp hạng BBB bởi Fitch Ratings trong báo cáo tháng trước. Chưa kể, khối nợ doanh nghiệp đang gia tăng, cùng với các khoản nợ xấu lớn có thể tạo nên rủi ro cho lĩnh vực ngân hàng.

Các khoản nợ xấu lớn đồng nghĩa với việc Chính phủ Ấn Độ phải sử dụng khoản tiền thuế thu được để cơ cấu lại tài chính cho các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, tuy nhiên, số tiền này nhỏ hơn nhiều so với nhu cầu. Fitch Ratings đánh giá, Ấn Độ cần khoảng 90 tỷ USD tới năm 2019 để tái cơ cấu tài chính, trong khi Chính phủ chỉ có nguồn ngân sách khoảng 10 tỷ USD.

Đông Nam Á

Các nước Đông Nam Á tuy có số lượng nợ thấp hơn so với những nền kinh tế lớn nhất châu Á kể trên, tuy nhiên có tỷ lệ sử dụng đòn bẩy gia tăng nhanh trong những năm gần đây, trong khi nợ doanh nghiệp và hộ gia đình trở thành mối lo ngại mới đối với Thái Lan và Malaysia.

Theo báo cáo gần đây của Standard Chartered Plc về sự bủng nổ sử dụng đòn bẩy tài chính tại các quốc gia châu Á kể từ tháng 6/2008 tới tháng 6/2016, các khoản nợ của Malaysia đã lên mức 240% GDP, tăng từ mức 173%. Đây cũng là quốc gia có mức tăng lớn nhất trong số các nước châu Á giai đoạn này, đưa Malaysia – một quốc gia có thu nhập trung bình, sánh ngang với Australia, Anh và Italy về số nợ.

Singapore tuy có số nợ lớn nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á, nhưng đồng thời cũng là một trong những đất nước giàu có nhất, khi khối tài sản do các hộ gia đình nắm giữ lên tới 1.100 tỷ USD, theo ước tính của Viện Nghiên cứu Credit Suisse.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục