Sau chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất xuống mức thấp nhất 10 năm, dưới mức 50, tiếp đến là bảng lương trong lĩnh vực tư nhân thấp hơn nhiều kỳ vọng, kinh tế Mỹ lại tiếp tục đón nhận tin tiêu cực trong ngày thứ Năm.
Theo đó, dữ liệu của Viện quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) công bố cho thấy, chỉ số PMI của ngành dịch vụ Mỹ đã chậm lại trong tháng 9, xuống 52,6, mức thấp nhất trong 3 năm, làm gia tăng thêm nỗi lo suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Một báo cáo việc làm quan trọng vào thứ Sáu có thể đóng góp nhiều bằng chứng hơn về việc liệu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có đang đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới tiến tới suy thoái hay không.
Tuy nhiên, sau dữ liệu kinh tế yếu kém được công bố, giới đầu tư tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có đợt giảm lãi suất lần thứ 3 trong năm nay, nên đặt cược xuống tiền, giúp phố Wall đảo chiều tăng điểm trong phiên thứ Năm.
Theo công cụ Fed Watch của CME Group, khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 10 đã tăng vọt lên 90% từ mức 40% trước đó.
Kết thúc phiên 3/10, chỉ số Dow Jones tăng 122,42 điểm (+0,47%), lên 26.201,04 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,02 điểm (+0,80%), lên 2.910,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 87,02 điểm (+1,12%), lên 7.872,26 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số lúc đầu cũng giảm mạnh do lo ngại về thương chiến với Mỹ, cũng nhưng dữ liệu kinh tế yếu kém của Mỹ và EU. Tuy nhiên, về cuối phiên, khi nhà đầu tư bình tĩnh xem xét trở lại, thị trường đã hồi phục, trong đó nhóm cổ phiếu Airbus, hàng xa xỉ và rượu mạnh hồi phục từ 0,8% đến 6,4% khi dấu hiệu cho thấy Washington miễn thuế cho một số sản phẩm. Chứng khoán Đức nghỉ giao dịch trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 3/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 44,90 điểm (-0,63%), xuống 7.077,64 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 16,0 điểm (+0,30%), lên 5.438,77 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chịu ảnh hưởng từ đà lao dốc của phố Wall trong phiên tối trước đó sau dữ liệu kinh tế Mỹ kém khả quan được công bố, chứng khoán Nhật Bản cũng lao dốc mạnh trong phiên thứ Năm. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông bất ngờ lại đảo chiều thành công trong những phút cuối phiên.
Kết thúc phiên 3/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 436,87 điểm (-2,01%), xuống 21.341,74 điểm Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 67,62 điểm (+0,26%), lên 26.110,31 điểm.
Giá vàng lình xình sát mốc 1.500 USD/ounce trong suốt phiên châu Âu và châu Á, sau đó vọt tăng trong phiên Mỹ sau dữ liệu chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ Mỹ xuống mức thấp nhất 3 năm được công bố. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư đặt cược vào chứng khoán khiến giá kim loại quý này hạ nhiệt nhanh chóng và đóng cửa chỉ còn mức tăng nhẹ.
Kết thúc phiên 3/10, giá vàng giao ngay tăng 5,9 USD (+0,39%), lên 1.504,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 5,9 USD (+0,39%), lên 1.513,8 USD/ounce.
Giá dầu thô đã hồi phục trở lại cuối phiên và đóng cửa ít thay đổi trong phiên thứ Năm sau khi chạm mức thấp nhất 2 tháng với dữ liệu kinh tế yếu kém được công bố làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.
Kết thúc phiên 3/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,19 USD (-0,36%), xuống 52,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,02 USD (+0,03%), lên 57,71 USD/thùng.