Theo đó, từ ngày 27/5 đến 8/6, cổ phiếu DP1 đã tăng 150% từ 19.100 đồng/CP lên 47.800 đồng/CP và sau đó điều chỉnh. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/6, cổ phiếu DP1 đứng tại mức giá 29.300 đồng/CP.
Đà tăng của cổ phiếu DP1 cũng trùng với giai đoạn nhóm cổ phiếu dược như CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (Mã chứng khoán YTC - UPCoM), CTCP Dược phẩm Trung ương Codupha (Mã chứng khoán CDP - UPCoM), CTCP Dược và Thiết bị Y tế Đà Nẵng (Mã chứng khoán DDN - UPCoM), CTCP Dược phẩm Bến Tre (Mã chứng khoán DBT - UPCoM) nổi sóng. Các cổ phiếu này đã tăng mạnh và xuất hiện nhiều phiên tăng trần liên tục chủ yếu do nằm trong danh sách được phép nhập khẩu vắc xin Covid-19.
Tuy nhiên, thực tế đây chỉ là câu chuyện kỳ vọng của giới đầu tư. Bộ Y tế cho phép thêm đơn vị nhập khẩu vắc xin chủ yếu để đa dạng hóa nguồn cung cấp vắc xin, không phải là hoạt động có thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp dược.
Đặc biệt, phần lớn các đơn vị sản xuất vắc xin trên thế giới cam kết chỉ bán cho Chính phủ. Vắc xin phòng chống Covid-19 hiện nay do Chính phủ (đại diện là Bộ Y tế) quản lý. Bộ Y tế có trách nhiệm giám sát việc phân phối và sử dụng vắc xin phòng ngừa Covid-19, vì vậy cơ hội tiếp cận vắc xin của doanh nghiệp dược sẽ rất khó khăn.
Do đặc thù thanh khoản tương đối thấp, nên khi có thông tin mới này, nhóm cổ phiếu dược trong danh sách được phép nhập khẩu vắc xin đã nhanh chóng tăng mạnh bởi dòng tiền đầu cơ ngắn hạn. Tuy nhiên về dài hạn, khi nhà đầu tư thực sự nhận ra không hưởng lợi như kỳ vọng, đà tăng của nhóm cổ phiếu sẽ khó duy trì.
Trên thực tế, tại Dược phẩm Trung ương CPC1 vẫn cho thấy nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2021 và những năm sắp tới do đặc thù ngành.
Theo Bản cáo bạch niêm yết năm 2018, Dược phẩm Trung ương CPC1 chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phân phối thuốc với nhiều năm kinh nghiệm, được thành lập từ những năm 1956 do Bộ Y tế quản lý. Doanh nghiệp duy trì vốn điều lệ là 209,79 tỷ đồng từ năm 2016 tới nay.
Bên cạnh đó, sản phẩm phân phối của Dược phẩm Trung ương CPC1 khá đa dạng và phong phú, bao gồm bán buôn và bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh. Doanh nghiệp cho biết thêm do không phải đơn vị sản xuất nên nguồn hàng đầu vào của công ty phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung ứng sản xuất trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, nguồn cung thuốc chủ yếu đến từ châu Âu.
Trong Báo cáo tổng kết công tác năm 2020, kế hoạch năm 2021, ban lãnh đạo Dược phẩm Trung ương CPC1 đã chia sẻ những khó khăn và thách thức mà doanh nghiệp đã và sẽ tiếp tục phải đối mặt trong giai đoạn sắp tới. Đặc biệt, với diễn biến dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn hàng thiếu hụt đang hiện hữu.
Thứ nhất, sự thiếu hụt về nguồn hàng, sản phẩm
Hiện nay, quy trình xét duyệt dự trù, xin giấy phép về nhập khẩu thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần… trải qua nhiều khâu nên làm mất thêm nhiều thời gian và thủ tục. Trong đó, việc xin hạn ngạch thuốc hiếm rất khó khăn và phức tạp nên ảnh hưởng đến tiến độ và thường xuyên bị thiếu thuốc.
Bên cạnh đó, thủ tục để một mặt hàng được cấp VISA mới rất lâu và rất khó khăn, sự chậm trễ của Cục Quản lý Dược trong việc gia hạn số đăng ký, cấp số đăng ký cho hàng nhập khẩu dẫn đến các sản phẩm của công ty không có số đăng ký, không nhập được hàng, thiếu hàng kinh doanh. Mặc dù DP1 đã chủ động nhập dự trữ nhưng cũng chỉ được một phần nhỏ và không đủ cho nhu cầu kinh doanh, Công ty cũng không nhập số lượng nhiều do quy định tối đa nhập hàng và thời gian sử dụng 24 tháng.
Tính tới 31/3/2021, tổng tồn kho của DP1 là 433,9 tỷ đồng, chiếm 36,7% tổng tài sản. Trong đó, tồn kho hàng hóa lên tới 439,8 tỷ đồng, dự phòng giảm giá hàng hóa gần 10 tỷ đồng.
Bên cạnh các yếu tố liên quan tới đặc thù ngành, hiện nay DP1 chủ yếu nhập khẩu hàng từ châu Âu, các nước này đã chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch Covid-19, các quốc gia thực hiện các biện pháp phong tỏa, ưu tiên sử dụng thuốc trong nước trước khi xuất khẩu, vì vậy nguồn hàng đang khó khăn. Thêm vào đó, do chuỗi cung ứng gián đoạn dẫn tới việc chi phí vận tải tăng gấp 3 - 4 lần, điều này tiếp tục thu hẹp biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong giai đoạn sắp tới.
Ngoài ra, do đặc thù dịch Covid-19, cơ quan y tế châu Âu chưa đi thẩm định được GMP cho các nhà máy hết hạn và đã cho phép gia hạn GMP cho các nhà máy sản xuất thuốc, cung cấp đường link để tra cứu. Tuy nhiên, Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược Việt Nam chưa chấp thuận nên đối với những sản phẩm của nhà sản xuất hết hạn GMP mà Cơ quan y tế châu Âu đã đồng ý gia hạn mà không được Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế công bố trên mạng sẽ không trúng thầu. Điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn hàng của DP1.
Thứ hai, thiếu vốn kinh doanh
Hiện nay, nợ quá hạn của các bệnh viện tăng cao do vượt quá khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm tại hầu hết các cơ sở Y tế của các tỉnh. Do đó, khả năng thanh toán của các bệnh viện rất khó khăn như tại các đơn vị y tế tại Quảng Ninh, Bắc Giang, bệnh viện Trung ương Huế…
Phải thu ngắn hạn khách hàng của DP1 tính tới 31/3/2021 (Nguồn: BCTC) |
Tính tới 31/3/2021, các khoản phải thu của DP1 là 542,6 tỷ đồng, chiếm 45,9% tổng tài sản. Trong đó, chủ yếu liên quan tới khoản phải thu của các cơ sở y tế.
Được biết, DP1 chủ yếu thực hiện đấu thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế trong nước. Mặc dù thời hạn thanh toán theo quy định trong Thông tư 15/2019/TT-BYT là 90 ngày kể từ khi Nhà thầu xuất trình đầy đủ các chứng từ theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều chủ đầu tư trong hồ sơ mời thầu để thời gian thanh toán là 120 ngày, đặc biệt có một số đơn vị là 180 ngày. Chính vì, việc nợ thanh toán lâu hơn quy định cũng đã và đang gây áp lực dòng tiền lên các công ty cung cấp thuốc như DP1.
Ngoài ra, do công ty mẹ Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP, đơn vị sở hữu 65,41% vốn tại DP1 đang trong lộ trình thoái vốn, vì vậy doanh nghiệp thành viên không được phép tăng vốn.
Hiện nay, 100% vốn kinh doanh ngắn hạn của DP1 là vay ngân hàng, kỳ hạn vay là 4 tháng. Trong khi đó, dư nợ khách hàng khối điều trị trung bình từ 4 - 5 tháng, nhiều tỉnh nợ bảo hiểm trên 6 tháng. Doanh nghiệp cũng đang dự trữ tồn kho 4 - 5 tháng, nếu khách hàng chậm trả nợ hoặc Công ty tăng dự trữ tồn kho sẽ dẫn tới mất cân đối dòng tiền.
Thứ ba, chưa thực hiện chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành hoạt động vĩ mô
Mặc dù DP1 đã chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ năm 2016, tuy nhiên hoạt động chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành vẫn diễn ra chậm.
Hàng năm, DP1 vẫn ghi nhận giá trị trích lập dự phòng giảm giá tồn kho và khoản phải thu. Trong đó, DP1 đã phải trích lập dự phòng giảm giá tồn kho năm 2018 là 9,3 tỷ đồng, năm 2019 là 17,1 tỷ đồng, năm 2020 là 10 tỷ đồng và quý I/2021 là gần 10 tỷ đồng. Điều đó cho thấy vẫn còn sự mất mát, hao hụt trong quá trình quản lý và điều hành tồn kho sản phẩm thuốc.
Với những khó khăn trên, trong quý I/2021, DP1 ghi nhận doanh thu giảm 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái, về 418,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 5,1% lên 10,4 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận kinh doanh cốt lõi (Doanh thu thuần - Giá vốn hàng bán - Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) giảm tới 21,8% về còn 14,7 tỷ đồng.
Được biết, lợi nhuận trong quý đầu năm tăng chủ yếu do doanh nghiệp giảm lỗ hoạt động tài chính từ 6,5 tỷ đồng về 1,1 tỷ đồng, còn hoạt động kinh doanh cốt lõi duy trì mức giảm mạnh.
Có thể thấy, DP1 đang đối mặt với nhiều thách thức khi lượng thuốc thiếu hụt, vốn kinh doanh có giới hạn và quá trình chuyển đổi số, áp dụng hệ thống quản trị diễn ra chậm do đặc thù cơ chế doanh nghiệp có vốn nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh tiến độ bán vốn nhà nước tại công ty Mẹ là Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP hết sức chậm trễ và chưa biết khi nào Bộ Y tế sẽ hoàn thành nhiệm vụ này.