Trung tâm thương mại, hai mặt buồn vui

(ĐTCK) Năm 2015, nhiều nhà phát triển bất động sản bán lẻ đã có được niềm vui, nhưng cũng có không ít người buồn vì tình trạng ế ẩm của các trung tâm thương mại.
Trung tâm thương mại Vincom Nguyễn Chí Thanh vừa khai trương đã có tỷ lệ lấp đầy lên tới 95% . ảnh: Dũng Minh Trung tâm thương mại Vincom Nguyễn Chí Thanh vừa khai trương đã có tỷ lệ lấp đầy lên tới 95% . ảnh: Dũng Minh

Người vui

Thống kê từ các công ty nghiên cứu cho thấy, năm 2015, TP. HCM và Hà Nội đều ghi nhận thêm khoảng 150.000 m2 diện tích bán lẻ được thuê.

Tại Hà Nội, 2 dự án gia nhập thị trường gây chú ý trong năm qua là Vincom Nguyễn Chí Thanh và Aeon Mall Long Biên với tổng diện tích sàn là 152.500 m2. Ngay sau khi khai trương, cả 2 trung tâm này đều đạt công suất thuê tốt, lên tới 95% nhờ vào việc tích hợp nhiều loại hình dịch vụ.

Còn tại TP. HCM, năm qua đón nhận 2 trung tâm thương mại và 2 siêu thị tham gia vào thị trường, nâng tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ lên gần 1 triệu m2.

Bà Võ Thị Phương Mai, Phụ trách Dịch vụ bán lẻ của Cushman & Wakefield cho biết, Việt Nam đang và sẽ chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu từ Mỹ và châu Âu. Điều này sẽ kéo theo một “cuộc chiến” giành khách hàng và nhất là địa điểm kinh doanh, bởi địa điểm kinh doanh đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tiếp cận khách hàng.

Theo một nghiên cứu mới công bố của Công ty CBRE Việt Nam, trong những tháng đầu năm 2016, ngành bán lẻ sẽ tăng trưởng mạnh, kéo theo nhu cầu mở rộng mặt bằng kinh doanh của các hãng bán lẻ. Do đó, trong phạm vi bán kính khoảng 15 km tính từ trung tâm các đô thị lớn như TP. HCM và Hà Nội sẽ khan hiếm mặt bằng cho thuê, đặc biệt là các tầng trệt tòa nhà cao tầng với diện tích từ 50 - 500 m2.

“Các hãng kinh doanh ăn uống như Starbucks, McDonald’s, KFC, Trung Nguyên, Phúc Long, Kichi Kichi, Seoul Garden, Món Ngon… ngày càng mở rộng thị trường, tạo cơ hội cho thị trường mặt bằng cho thuê ngay từ đầu năm 2016”, nghiên cứu chỉ rõ.

Về xu hướng thị trường, theo bà Nguyễn Hoài An, Phó giám đốc CBRE Việt Nam, các trung tâm thương mại mới sẽ theo xu thế bình dân, nhắm tới khách hàng trung cấp, do đó giá thuê có thể sẽ không cao như một số dự án trong quá khứ. Vingroup sẽ vẫn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường về diện tích trung tâm thương mại với hàng loạt dự án mới. Trong 1 - 2 năm tới, các dự án khác của các nhà đầu tư nước ngoài như Gamuda Land, Ciputra hay mới xuất hiện như Aeon nhiều khả năng sẽ bứt phá khi có được lợi thế về diện tích và giá cả. 

Kẻ buồn

Trái ngược với niềm vui của những trung tâm thương mại đang có sức hút với thị trường, vẫn có nhiều trung tâm thương mại rơi vào tình cảnh “ế ẩm”.

Dù vị trí khá thuận lợi, nhưng Trung tâm thương mại Grand Plaza (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy) với gần 15.000 m2 bị bụi phủ từ hơn 2 năm nay. Trước đây, nơi này từng mở cửa đón khách, nhưng do quá ế ẩm nên đóng cửa.

Tương tự Grand Plaza, sự xuất hiện của Royal City ngay mặt đường Nguyễn Trãi khiến cho hàng loạt trung tâm thương mại lân cận đã “kén” nay còn “kén” hơn.

Đơn cử, dù nằm tại vị trí đắc địa ở cửa ngõ phía Tây, nhưng Trung tâm thương mại Pico Mall hoạt động lay lắt trong một thời gian dài và đổi tên thành Mipec Mall. Tuy nhiên, việc đổi tên không giúp trung tâm thương mại này “đổi vận” và đến đầu năm 2014, Lotte Mart đã chính thức thế chỗ Mipec Mall. Được đại gia bán lẻ Hàn Quốc đầu tư, Mipec Mall đã có một diện mạo hoàn toàn mới, dưới tên gọi Lotte Mart.

Ngoài ra, có thể kể đến hàng loạt các trung tâm thương mại cũng đang dần rơi vào quên lãng chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động như Melinh Hà Đông, Trung tâm thương mại - chợ Hàng Da, Trung tâm thương mại - chợ Mơ…

Lý giải về những khó khăn của các trung tâm thương mại trong bối cảnh thị trường đang được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt, ông Theodore Knipfing, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ Cushman & Wakefield châu Á - Thái Bình Dương cho biết, đó là do các trung tâm thương mại thiếu đi yếu tố nền tảng cho sự phát triển ổn định và dài hạn.

Thực tế cho thấy, không phải cứ mở trung tâm ra, có vị trí đẹp là thành công, mà nó còn phụ thuộc vào cách vận hành và quản lý của trung tâm đó. Hiện không nhiều nhà phát triển bất động sản bán lẻ tại Việt Nam ý thức được một chiến lược cho sự phát triển trung tâm thương mại của mình.

Ngoài ra, giá chào thuê mặt bằng đưa ra quá cao cũng là một nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp dù khát mặt bằng bán lẻ, cũng không muốn thuê. Bên cạnh đó, trung tâm thương mại còn bị cạnh tranh bởi phân khúc nhà phố, shophouse.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trang Ninh
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục