SCMP đưa tin, cơ quan chống tham nhũng đảng Cộng sản Trung Quốc đã xuất bản tài liệu mô tả lối sống “suy đồi”, “lãng phí” và hành vi tham nhũng của ông Mạnh trước khi cựu quan chức này bị bắt giữ.
Theo SCMP, việc Trung Quốc cung cấp các thông tin một cách chi tiết về trường hợp của ông Mạnh được xem là hiếm gặp, mặc dù Bắc Kinh trong năm qua đã xử lý nhiều các quan chức bị cáo buộc tham nhũng hoặc có hành vi không đúng đắn.
Ông Mạnh từng là Giám đốc Interpol, có trụ sở tại Pháp, từ năm 2016 tới 2018. Ông mất tích trong một chuyến về thăm Trung Quốc. Trung Quốc sau đó xác nhận bắt giữ ông Mạnh và đưa ông ra xét xử.
Cựu Thứ trưởng Công an Trung Quốc bị tuyên mắc tội nhận hối lộ 2 triệu USD hồi tháng 1 năm nay và lĩnh án tù 13 năm rưỡi. Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng ông Mạnh đã nhận tội và không kháng án.
Trường hợp của ông Mạnh được đưa vào một cuốn sách lưu hành nội bộ tổng hợp lại một số vụ việc sai phạm mà Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã triệt phá.
Trong cuốn sách, Trung Quốc mô tả ông Mạnh đã sống một cuộc đời “suy đồi” rất lâu trước khi thành Giám đốc Interpol.
Ông Mạnh bị mô tả là người “kiêu ngạo và ngông cuồng”, luôn coi cấp dưới là “người hầu của riêng mình”.
Cuốn sách nói rằng ông Mạnh đã bị rơi vào “hố đen tham nhũng”. Ông Mạnh bị cho là đã biến các sĩ quan thành “người hầu, đầu bếp và người trông trẻ” cho gia đình ông khi ông đảm nhận chức Thứ trưởng Công an.
“Sau khi trở thành Giám đốc Interpol, ông Mạnh lấy lý do công tác nước ngoài để sắp xếp một số cán bộ và sĩ quan tại ngũ đi phục vụ bản thân và gia đình tại Lyon, Pháp. Ông ta cũng nhắm mắt làm ngơ trước hành động của vợ. Thay vì bảo ban vợ, ông Mạnh dùng quyền lực để sắp xếp cho vợ vào các vị trí cấp cao tại một số công ty với thu nhập cao”, cuốn sách viết.
Cuốn sách cũng nói ông Mạnh đã “chiếm đoạt” 5 chiếc xe dùng cho mục đích quân sự để gia đình sử dụng.
“Vì vợ của ông Mạnh đặc biệt thích một chiếc xe, ông ta đã yêu cầu quân đội cho ông mượn nó và sau đó, chiếc xe thành phương tiện riêng của vợ ông và không bao giờ được trả lại”, Trung Quốc cho hay.
Vợ của ông Mạnh đã bác bỏ các cáo buộc từ phía Trung Quốc, cho rằng chồng bà là nạn nhân của tranh giành quyền lực chính trị. Bà Mạnh và các con hiện đã được Pháp cấp cơ chế tị nạn.
Giới quan sát cho rằng động thái của chính phủ Trung Quốc được xem là hiếm gặp, nhưng dường như Bắc Kinh lấy ông Mạnh là trường hợp điển hình nhằm răn đe các quan chức khác tuân thủ kỷ luật.