Trung Quốc thay đổi chính sách thu mua quặng sắt trên quy mô lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là sự thay đổi lớn nhất trong nhiều năm, Trung Quốc sắp sửa đổi về vấn đề thu mua quặng sắt trên quy mô 160 tỷ USD.
Trung Quốc thay đổi chính sách thu mua quặng sắt trên quy mô lớn

Hành động này nhằm củng cố việc mua nguyên liệu thô dưới quyền một công ty thuộc sở hữu nhà nước duy nhất khi Bắc Kinh mở rộng nỗ lực tăng cường kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo những người quen thuộc với vấn đề này, công ty nhà nước China Mineral Resources Group (CMRG) đã sẵn sàng trở thành người mua quặng sắt lớn nhất thế giới ngay trong năm tới, khi thay mặt cho khoảng 20 nhà sản xuất thép lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm cả China Baowu Steel Group…

Theo nguồn tin từ Bloomberg, CMRG đã bắt đầu thảo luận về các hợp đồng cung cấp với các tập đoàn khai thác quặng sắt hàng đầu Rio Tinto Group, Vale SA và BHP Group.

Động thái hợp nhất các công ty mua thép đối với ngành thép khổng lồ của Trung Quốc sẽ mang lại cho CMRG quyền đàm phán chưa từng có về quặng sắt và công ty này đang có kế hoạch tìm kiếm mức giá chiết khấu so với giá thị trường hiện hành. Đây là nỗ lực mới nhất trong một số nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng đối với thị trường và giá cả toàn cầu.

Đại diện của các công ty khai thác quặng sắt lớn đã được các quan chức Trung Quốc thông báo về những thay đổi trong các cuộc họp gần đây. Theo đó, cấu trúc hiện tại đối với các hợp đồng cung cấp kỳ hạn - trong đó các nhà sản xuất thép đặt hàng hàng quý và sử dụng chỉ số giao ngay để định giá - dự kiến sẽ tiếp tục, và CMRG sẽ đảm nhận trách nhiệm đối với một số hợp đồng nhất định.

Vale đã hợp tác chặt chẽ với CMRG và nhận thấy cơ hội tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh mới này. Trong một email trả lời câu hỏi của Bloomberg, Vale cho biết: “Chúng tôi xem mình là đối tác lâu dài của Trung Quốc và là nhà cung cấp đáng tin cậy cho ngành thép Trung Quốc trong tương lai”.

Trung Quốc chiếm khoảng 3/4 lượng quặng sắt nhập khẩu của thế giới, từ lâu đã phàn nàn rằng các công ty khai thác lớn nắm giữ quá nhiều quyền lực vì nguồn cung quá tập trung với ba tập đoàn khai thác quặng sắt hàng đầu kiểm soát hơn một nửa xuất khẩu toàn cầu.

CMRG được thành lập vào tháng 7/2022 để mua nguyên liệu thô cho ngành thép khổng lồ trong nước, nhưng vẫn chưa rõ công ty sẽ bắt đầu hoạt động nhanh như thế nào hoặc bao nhiêu hoạt động thu mua của ngành sẽ được tập trung hóa.

Nếu được thực hiện, động thái mua thông qua CMRG sẽ là thay đổi lớn nhất đối với thị trường quặng sắt kể từ năm 2010, khi các nhà sản xuất do BHP dẫn đầu đã tận dụng cuộc tranh giành nguồn cung để phá vỡ hệ thống bán quặng sắt với giá định sẵn hàng năm đã tồn tại 40 năm với lập luận rằng giá nên được thúc đẩy bởi các nguyên tắc cơ bản của thị trường.

Bây giờ, cán cân quyền lực đã thay đổi. Nhu cầu trì trệ đang làm suy yếu vị thế của các công ty khai thác và nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới đang phô diễn vị thế của mình. Nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc đã giảm từ mức đỉnh vào năm 2020 và Macquarie Group đã dự báo nhu cầu này sẽ không quay trở lại mức đó trong vòng 5 năm tới.

Các cuộc thảo luận gần đây đã khiến các giám đốc điều hành cấp cao của các công ty khai thác lớn nhất hoảng sợ, những người lo lắng về khả năng Trung Quốc tăng cường kiểm soát giá cả đối với mặt hàng sinh lời cao nhất của họ.

Nguồn tin cho biết, kế hoạch hiện tại của Trung Quốc là chuyển tất cả các hợp đồng cung cấp kỳ hạn cho các nhà sản xuất thép hàng đầu sang CMRG, mặc dù các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra và tình hình có thể thay đổi. Công ty sẽ hoạt động như một đại lý cho các nhà sản xuất thép và đã tuyển dụng các nhà lãnh đạo và thương nhân chủ chốt từ các công ty kim loại Trung Quốc.

Trong hầu hết lịch sử gần đây của ngành, quặng sắt được bán dựa trên giá chuẩn hàng năm được thiết lập thông qua các cuộc đàm phán kéo dài giữa các công ty khai thác của Úc và Tập đoàn Thép Nippon của Nhật Bản và Công ty Sắt & Thép Baoshan của Trung Quốc, sau đó những công ty còn lại trong ngành sẽ sử dụng như một tài liệu tham khảo.

Năm 2010, dưới thời Giám đốc điều hành Marius Kloppers, BHP đã quyết định phá vỡ hệ thống. Các cuộc đàm phán ngày càng trở nên khó khăn và tồi tệ, và tập đoàn khai thác BHP tin rằng họ còn có thể kiếm được nhiều tiền hơn thế.

Với nhu cầu của Trung Quốc tăng cao và nguồn cung ngày càng khan hiếm vào thời điểm đó, các công ty khai thác đã có thể chuyển giá sang thị trường giao ngay, với mức giá tăng từ khoảng 60 USD lên 150 USD/tấn trong hơn một năm. Giá quặng sắt tăng mạnh kể từ đó ngoại trừ sự sụp đổ của hàng hóa vào năm 2015, đã giúp tạo ra tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn tại các công ty khai thác lớn nhất.

Bắc Kinh từ lâu đã chỉ ra sự mất cân bằng quyền lực giữa một bên là nhóm các tập đoàn khai thác mỏ toàn cầu và bên kia là ngành thép rộng lớn nhưng bị phân mảnh của Trung Quốc. Trung Quốc nhập khẩu khoảng 1,1 tỷ tấn quặng sắt hàng năm để giúp cung cấp cho khoảng 500 nhà máy thép, trong đó 10 công ty hàng đầu chỉ đóng góp 40% sản lượng quốc gia.

Khi CMRG được thành lập vào tháng 7, những người quen thuộc với vấn đề này nói với Bloomberg vào thời điểm đó rằng, việc thành lập CMRG được khuyến khích và giám sát chặt chẽ bởi các nhà lãnh đạo hàng đầu ở Bắc Kinh. Họ xem một nền tảng hợp nhất để mua tài nguyên là một cách để củng cố vị thế đàm phán của đất nước trong một môi trường quốc tế không thân thiện.

Mặc dù vậy, CMRG đã nhận được rất ít sự chú ý trên toàn cầu cho đến nay. Các giám đốc điều hành của BHP, Vale và Rio đã đưa ra một số bình luận công khai về công ty, hầu hết chỉ giới hạn ở các bài đăng gần đây trên mạng xã hội Trung Quốc cam kết hợp tác với liên doanh mới. Trong khi các nhà phân tích và nhà đầu tư dường như cũng không quá quan tâm.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục