Trung Quốc tăng dự trữ vàng 6 tháng liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trung Quốc đang bổ sung lượng vàng dự trữ tháng thứ 6 liên tiếp và tiếp tục tăng khối lượng mua vào. Nước này đã tăng lượng vàng nắm giữ thêm khoảng 8,09 tấn trong tháng 4.
Trung Quốc tăng dự trữ vàng 6 tháng liên tiếp

Theo dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc công bố, Trung Quốc đã tăng lượng vàng nắm giữ thêm khoảng 8,09 tấn trong tháng 4, tổng kho dự trữ hiện ở mức khoảng 2.076 tấn. Tính ra, Quốc gia này đã tăng lượng dự trữ vàng khoảng 128 tấn sau 6 tháng tăng dự trữ liên tiếp. Trước đó, nước này đã có đợt mua vàng kéo dài 10 tháng kết thúc vào tháng 9/2019.

Trong khi đó dữ liệu cũng cho thấy lượng dự trữ ngoại tệ cuối tháng 4 của Trung Quốc đã tăng lên 3.204,8 tỷ USD, tăng 20,9 tỷ USD so với tháng trước.

Các ngân hàng trung ương đã mua một lượng lớn vàng trong năm qua để đa dạng hóa tài sản, cũng như bảo vệ nguồn dự trữ khỏi tác động của việc đồng đô la suy yếu và lạm phát gia tăng. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), mặc dù dòng tiền chảy vào vàng đã được kiểm soát trong quý đầu tiên của năm 2023, nhưng khối lượng vẫn ở mức cao trong lịch sử. Các ngân hàng trung ương đã mua vào tổng cộng 228 tấn, mức cao nhất trong quý đầu tiên hàng năm kể từ khi WGC thống kê dữ liệu vào năm 2000. Trong đó, Singapore, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số những nước mua vàng nhiều nhất.

Cụ thể, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) là ngân hàng trung ương mua vàng nhiều nhất trong quý I, với 69 tấn. Khối lượng vàng mà MAS đang quản lý cao hơn 45% so với cuối năm 2022.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng mua thêm 58 tấn vàng trong quý vừa qua và hiện nắm giữ 2.068 tấn vàng trong kho dự trữ, chiếm 4% tổng dự trữ vàng được báo cáo trên toàn cầu. Thổ Nhĩ Kỳ tăng dự trữ thêm 30 tấn vàng. Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ mua thêm 7 tấn vàng trong quý I/2023.

Báo cáo của WGC cho biết, tổng nhu cầu vàng toàn cầu trong quý I tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022, lên 1.174 tấn nhờ sự phục hồi của thị trường phi tập trung (OTC). Trong khi đó, tổng nguồn cung vàng toàn cầu cũng tăng 1%, nhờ khối lượng vàng khai thác đạt mức cao kỷ lục 856 tấn trong quý, và sản lượng vàng tái chế tăng 5%, đạt 310 tấn.

Nhu cầu về vàng tăng mạnh đã giúp giá vàng tăng gần mức cao kỷ lục trong tháng 4 lên mức 2.048 USD/ounce.

WGC dự báo nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương sẽ dịu lại trong năm nay sau khi tăng đột biến vào năm 2022.

Diệp Anh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục