Trung Quốc tăng dự trữ vàng tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 3

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PPOC) đã tăng lượng dự trữ vàng thêm khoảng 18 tấn trong tháng 3, lên mức khoảng 2.068 tấn.
Trung Quốc tăng dự trữ vàng tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 3

Các quốc gia đang xây dựng kho dự trữ vàng thỏi trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng và lạm phát cao. Theo Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu của các ngân hàng trung ương đã tăng liên tiếp 2 năm qua và những quốc gia mua lớn nhất vào tháng 1 năm nay là Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Kazakhstan.

Đợt mua vàng ồ ạt này của ngân hàng trung ương Trung Quốc là lần đầu tiên kể từ đợt kéo dài 10 tháng kết thúc vào tháng 9 năm 2019. Trước đó, làn sóng mua vàng cuối cùng đã kết thúc vào cuối năm 2016.

Giá vàng đạt mức cao nhất trong hơn một năm qua sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ giảm so với dự kiến. Cuộc khủng hoảng ngân hàng và những lo lắng ngày càng tăng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại trú ẩn an toàn này.

Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ vào cuối tháng 3 của Trung Quốc đã tăng lên 3.183,9 tỷ USD, tăng 50,7 tỷ USD so với tháng trước.

Trước đó, sau nửa đầu năm 2022 yếu kém, nhu cầu vàng ở Trung Quốc tăng mạnh trong nửa cuối năm khi Bắc Kinh bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19. Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sau khi dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19 đã giúp thúc đẩy sự phục hồi của thị trường vàng năm ngoái và kéo sang năm 2023. Trung Quốc đã trải qua đỉnh dịch COVID-19 vào tháng 12/2022. Ngay sau đó, các hoạt động kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới này đã hồi sinh vào tháng 1/2023.

Sức phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc được chứng minh bằng việc Chỉ số quản lý mua hàng toàn diện (PMI) chính thức tăng lên 56,4, mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2017. Hoạt động sản xuất được mở rộng nhiều nhất kể từ tháng 4/2012 và chỉ số PMI dịch vụ tăng với tốc độ nhanh nhất trong 22 tháng.

Lượng vàng xuất khỏi Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) đã đạt tổng cộng 169 tấn trong 1 tháng. Điều này phản ánh nhu cầu bán buôn mạnh mẽ và là dấu hiệu cho thấy sức phục hồi của thị trường vàng lớn nhất thế giới này.

Hội đồng Vàng Thế giới đã chỉ ra hai động lực chính khiến nhu cầu vàng mạnh mẽ vừa qua tại Trung Quốc gồm: Tiêu dùng ổn định trong bối cảnh kinh tế phục hồi; Hoạt động bổ sung hàng hóa của các nhà bán lẻ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Nếu sự phục hồi này trên thị trường vàng Trung Quốc tiếp tục rõ rệt hơn vào năm 2023, nó sẽ thúc đẩy nhu cầu vàng toàn cầu nói chung. Nhu cầu vàng trên toàn thế giới đã tăng 18% lên 4.741 tấn vào năm 2022, mức cao kỷ lục trong 11 năm qua.

Việc mua vàng cũng được coi là phản ánh sự biến động ngày càng tăng của thị trường toàn cầu, khi những suy đoán về suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm tới ngày càng mạnh mẽ.

Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, sử dụng 1.100 tấn vào năm ngoái. Kim loại này có ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp, nhưng khoảng 80% vàng được sử dụng trong công nghiệp được sử dụng cho thiết bị điện tử, nhờ đặc tính dẫn điện và khả năng chống xỉn màu của nó. Trung Quốc là nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, cung cấp 36% tổng sản lượng hàng năm.

Di Di

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục