Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy “Sáng kiến phát triển toàn cầu”

Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng: “Sáng kiến phát tiển toàn cầu” do Trung Quốc đề xuất, sẽ thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia, các cơ chế hợp tác quốc tế, khu vực và toàn cầu.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Getty.

Tham dự lễ khai mạc Diễn đàn Phát triển bền vững năm 2021 diễn ra hôm qua, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng: “Sáng kiến phát tiển toàn cầu” do Trung Quốc đề xuất, sẽ thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia, các cơ chế hợp tác quốc tế, khu vực và toàn cầu.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho rằng, phát triển luôn là mục tiêu theo đuổi của xã hội loài người, tuy nhiên, hiện thế giới đang phải đối mặt với những thách thức mới do đại dịch thế kỷ và sự mất cân bằng trong phục hồi kinh tế thế giới.

Việc Trung Quốc đề xuất “Sáng kiến phát triển toàn cầu” kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình Nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững, sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn cầu mạnh mẽ hơn, xanh hơn và lành mạnh hơn, xây dựng một cộng đồng tương lai chung để phát triển toàn cầu.

Ông Vương Nghị cho rằng “Sáng kiến phát triển toàn cầu” đặt con người vào trung tâm. Mục tiêu của sáng kiến là mang đến hạnh phúc cho người dân, thực hiện sự phát triển toàn diện của con người và một cuộc sống tốt đẹp hơn, xem phát triển như chìa khóa để giải quyết mọi thách thức và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho người dân.

“Sáng kiến phát triển toàn cầu” sẽ tập trung vào các hoạt động xóa đói giảm nghèo, chống dịch bệnh, phổ cập vaccine, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, công nghiệp hóa, kinh tế kỹ thuật số…, đồng thời đề xuất các ý tưởng và kế hoạch hợp tác mới để phát triển đồng thuận, tạo động lực mới cho việc thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030.

Theo ông Vương Nghị, “Sáng kiến phát triển toàn cầu” ủng hộ tinh thần hợp tác mở và bao trùm với sự tham gia của tất cả các quốc gia. Sáng kiến Phát triển toàn cầu cũng sẽ thúc đẩy xây dựng mạnh mẽ hơn sáng kiến “Vành đai, con đường”, Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi và Quan hệ đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi; thông qua các cơ chế hợp tác đa phương như Liên Hợp Quốc, G20 và BRICS cùng các liên kết khu vực khác để củng cố sự đồng thuận và hình thành sức mạnh tổng hợp của các quốc gia.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục